CÁC THỜI ĐIỂM CẦN SIÊU ÂM THAI

Bạn cần siêu âm thai trong thai kỳ vì nhiều lý do như kiểm tra sự phát triển, vị trí, sức khỏe và giới tính của thai nhi. Mặc dù công nghệ siêu âm an toàn cho cả mẹ và nhai nhi, nhưng các bác sĩ không khuyến nghị siêu âm thai mà không có lý do hoặc lợi ích y tế.

 
Siêu âm thai rất quan trọng trong quá trình mang thai

1. Siêu âm trong ba tháng đầu thai kỳ

Trong ba tháng đầu thai kỳ (tuần 1 đến 12), thực hiện siêu âm thai để:

- Xác nhận có mang thai;

- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi;

- Xác định tuổi thai;

- Dự tính ngày sinh;

- Kiểm tra đa thai (có nhiều hơn một thai nhi);

- Kiểm tra nhau thai, buồng trứng, cổ tử cung và tử cung;

- Chẩn đoán thai ngoài tử cung (thai không nằm trong buồng tử cung) ;

- Phát hiện bất thường ở thai nhi;

- Chẩn đoán nguy cơ sẩy thai.

2. Siêu âm trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ

Trong 3 tháng giữa (12 đến 24 tuần) và ba tháng cuối (24 đến 40 tuần hoặc khi sinh), siêu âm được sử dụng để:

- Theo dõi sự phát triển và vị trí của thai nhi (xác định ngôi thai bất thường: ngôi mông, ngôi ngang, ngôi mặt, ngôi trán, thai ngôi phức tạp);

- Xác định giới tính của thai nhi;

- Xác nhận đa thai;

- Xác định nguy cơ tiền sản giật;

- Theo dõi nhau thai để kiểm tra các vấn đề, chẳng hạn như nhau tiền đạo (còn gọi là rau tiền đạo, xảy ra khi nhau thai che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung) và nhau bong non (khi nhau thai bong sớm một phần hoặc hoàn toàn khỏi tử cung trước khi thai được sinh ra);

- Kiểm tra thai nhi có bị hội chứng Down không (thường được thực hiện từ tuần 13-14);

- Kiểm tra tình trạng các bộ phận cơ thể thai nhi: tứ chi, não bộ, cột sống, tim, phổi, dạ dày…;

- Kiểm tra dị tật bẩm sinh;

- Theo dõi lượng nước ối;

- Xác định xem thai nhi có bị thiếu oxy không (thai nhi không nhận đủ oxy sẽ dẫn đến suy thai);

- Kiểm tra tình trạng buồng trứng và tử cung, chẳng hạn như khối u thai kỳ;

- Đo chiều dài của cổ tử cung (dự đoán nguy cơ sinh non để can thiệp kịp thời);

- Hướng dẫn các xét nghiệm khác, chẳng hạn như chọc dò ối (thường được thực hiện vào khoảng giữa tuần 15-18 của thai kỳ).

3. Khi nào bạn cần siêu âm thai?

Lần đầu tiên siêu âm thai kỳ nên thực hiện khi thai đã được 4-6 tuần tuổi. Siêu âm trong 3 tuần đầu tiên kết quả có thể không chính xác. 

Sau lần siêu âm đầu tiên xác định mang thai, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn thời gian của những lần siêu âm tiếp theo dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi. Thông thường trong suốt thai kỳ, bạn cần siêu âm ít nhất 3 lần vào các tuần 11-14, 18-22 và 30-32. 

Ngoài ra, bạn có thể cần siêu âm thai nếu gặp một trong các vấn đề dưới đây:

- Bị đau bụng nhẹ hoặc dữ dội;

- Ra máu âm đạo, có thể màu hồng, đỏ hoặc nâu;

- Ngực căng tức và đau;

- Cơ thể mệt mỏi;

- Bị nghén hàng ngày, nhất là vào buổi sáng và khi ngửi thấy mùi thức ăn;

- Tâm trạng thay đổi;

- Táo bón và đầy hơi;

- Đi tiểu nhiều hơn bình thường.

- Các bất thường khác.

4. Quá trình siêu âm thai diễn ra như thế nào?

Khi siêu âm thai trước tuần thứ 10, để hình ảnh về thai nhi và cơ quan sinh sản được rõ ràng, bạn cần nhịn tiểu. Bạn nên uống hai đến ba cốc nước trước khi siêu âm một giờ. Trong thời gian này cần nhịn tiểu cho đến khi siêu âm xong. Ngoài ra, trước khi siêu âm không nên uống rượu bia, nước ngọt hay nước trái cây. Nên mặc quần áo rộng rãi để quá trình siêu âm thoải mái hơn. 

Khi siêu âm, bạn nằm trên giường. Bác sĩ sẽ bôi một loại gel đặc biệt lên vùng bụng và vùng chậu. Gel giúp sóng âm truyền đi đúng cách. Tiếp theo, một thiết bị đầu dò sẽ được sử dụng để thu hình ảnh đen trắng lên màn hình siêu âm. Trong quá trình này bạn cần thả lỏng cơ thể. Kỹ thuật viên sẽ chụp lại một vài hình ảnh về thai nhi. 

5. Có những loại siêu âm thai nào?

 
Có nhiều kỹ thuật siêu âm thai

Những kiểu siêu âm khác nhau sẽ cung cấp cho bác sĩ các thông tin cần thiết để chẩn đoán tình trạng và sự phát triển của thai nhi. Kỹ thuật siêu âm tiên tiến hơn có thể được sử dụng khi cần hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn, giúp phát hiện các vấn đề mà kỹ thuật siêu âm truyền thống không thể thấy rõ.

a. Siêu âm qua ngã âm đạo

Siêu âm qua ngã âm đạo có thể tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn, thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Khi thực hiện, một đầu dò siêu âm nhỏ sẽ được đưa vào âm đạo để chụp hình ảnh.

b. Siêu âm 3-D

Không giống như siêu âm 2-D truyền thống, siêu âm 3-D thể hiện được chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của thai nhi. Siêu âm 3-D đặc biệt hữu ích trong việc chẩn đoán bất kỳ vấn đề nghi ngờ nào trong thai kỳ. Siêu âm 3-D tuân theo quy trình tương tự như siêu âm tiêu chuẩn, nhưng nó sử dụng một đầu dò đặc biệt và phần mềm để tạo ra hình ảnh 3-D. 

c. Siêu âm 4-D

Siêu âm 4-D cũng có thể được gọi là siêu âm 3-D động, nó cung cấp những hình ảnh chuyển động của thai nhi. Với độ tương phản cao, siêu âm 4-D cho ra những mặt cắt khác nhau, thể hiện rõ khuôn mặt và chuyển động của thai nhi. Với kỹ thuật này, bạn có thể quan sát cử động của thai nhi và bác sĩ cũng chẩn đoán tình hình sức khỏe thai nhi tốt hơn. Kỹ thuật siêu âm này được thực hiện tương tự như các siêu âm khác, nhưng với thiết bị đặc biệt.

d. Siêu âm tim thai

Bạn cần siêu âm tim thai nếu bác sĩ nghi ngờ em bé bị dị tật tim bẩm sinh. Siêu âm tim thai được thực hiện tương tự như siêu âm thai truyền thống, nhưng nó cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Kỹ thuật này ghi lại hình ảnh chuyên sâu về trái tim của thai nhi bao gồm: kích thước, hình dạng và cấu trúc của trái tim.