TẦM QUAN TRỌNG CỦA KIỂM TRA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG ĐỊNH KỲ

Kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ để được chẩn đoán bệnh sớm và có thể nâng cao hiệu quả điều trị lên đến 90%.

1. Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu với khoảng 660.000 ca mắc mới và khoảng 350.000 ca tử vong vào năm 2022. Có thể thấy, bệnh ung thư cổ tử cung là mối nguy hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của phụ nữ trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, bệnh ung thư cổ tử cung là một trong các bệnh phổ biến ở Việt Nam, chỉ đứng thứ 2 sau ung thư vú giai đoạn sớm ở phụ nữ. Mỗi năm ở Việt Nam, ghi nhận có hơn 4000 ca mắc mới và số lượng người tử vong lên đến 2000 ca bệnh.

 
Vì sao nên kiểm tra ung thư cổ tử cung?

Bệnh ung thư cổ tử cung nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe và đe dọa tính mạng của người bệnh. Một số biến chứng của bệnh ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng người bệnh nghiêm trọng như bị vô sinh, ảnh hưởng tâm sinh lý, chảy máu bất thường và bị suy thận …

2. Kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ để làm gì?

Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng, các giai đoạn bệnh có thể tiến triển chậm. Các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Điều này khiến người bệnh chủ quan, không chủ động thăm khám và điều trị sớm. 

Đến khi bệnh đã trở nặng, xuất hiện các triệu chứng bất thường như chảy máu ngoài kinh nguyệt, rong kinh hay đau khi quan hệ … người bệnh mới đi khám và phát hiện bệnh. Lúc này, cấu trúc mô xung quanh đã bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho bác sĩ trong điều trị bệnh ung thư cổ tử cung. Hơn nữa, chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng bị suy giảm, nguy cơ cao xảy ra biến chứng nguy hiểm.

 
Kiểm tra ung thư cổ tử cung giúp chẩn đoán sớm và nâng cao hiệu quả điều trị

Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư độc lập lớn nhất thế giới, khoảng 95% số người mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Anh sẽ sống sót sau căn bệnh ung thư từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu của căn bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm dần chỉ còn 15% nếu được chẩn đoán và điều trị muộn ở giai đoạn cuối của căn bệnh.

Vì thế, chị em phụ nữ cần chủ động thăm khám kiểm tra bệnh ung thư cổ tử cung định kỳ để hạn chế biến chứng nguy hiểm và nâng cao hiệu quả điều trị.

3. Ai nên kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Dưới đây là các đối tượng nên thực hiện kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ để bảo vệ sức khỏe và nâng cao hiệu quả điều trị:

- Phụ nữ ở độ tuổi trung niên, chưa thực hiện kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ trước đó. Ngoài ra, các xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung cũng có thể được khuyến nghị cho phụ nữ từ 21 tuổi.

- Phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư cổ tử cung

- Chị em phụ nữ gặp các triệu chứng bất thường như chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh, rong kinh, cảm thấy đau rát khi quan hệ tình dục.

- Phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa mạn tính.

4. Các phương pháp kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm vaccine phòng ngừa HPV, sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư là các chiến lược hiệu quả để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và rất tiết kiệm chi phí.

 
Chị em phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ

Hiện nay, với sự tiến bộ của công nghệ y khoa, không đòi hỏi phải trải qua quá trình thăm khám phức tạp, việc tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung đã trở nên dễ dàng hơn. Dưới đây là một số phương pháp kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ có thể được bác sĩ áp dụng:

a. Phương pháp xét nghiệm Pap Smear

Phương pháp xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hay phương pháp xét nghiệm Pap được thực hiện trong cổ tử cung. Bác sĩ sẽ thu thập mẫu tế bào, sau đó, thực hiện các phân tích cần thiết để phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung sớm. 

Ngoài ra, phương pháp xét nghiệm Pap còn giúp cảnh báo sớm các nguy cơ bệnh lý qua các dấu hiệu bất thường trong hoạt động và cấu trúc của tế bào tử cung.

b. Phương pháp xét nghiệm Thinprep

Khi thực hiện xét nghiệm Thinprep, bác sĩ sẽ lấy trong cổ tử cung một mẫu mô nhỏ cho vào chất lỏng định hình trong lọ Thinprep. Sau đó, bác sĩ sẽ chuyển mẫu vào phòng thí nghiệm và xử lý mẫu tự động bằng máy Thinprep. Phương pháp này giúp đảm bảo việc tầm soát bệnh lý cho ra kết quả chính xác hơn, nâng cao chất lượng mẫu tế bào đã thu thập.

c. Phương pháp xét nghiệm HPV

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, hầu hết ở tất cả trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều có liên quan đến nhiễm virus HPV (loại virus cực kỳ phổ biến lây truyền qua quan hệ tình dục. 

Mặc dù ở hầu hết các trường hợp nhiễm virus HPV đều tự khỏi và không gây ra triệu chứng, nhưng nhiễm trùng dai dẳng có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. 

 
Kiểm tra bệnh ung thư cổ tử cung định kỳ bằng phương pháp xét nghiệm HPV

Vì thế, phương pháp xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự hiện diện của các virus gây bệnh có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung trong tương lai. Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên thường được áp dụng phương pháp xét nghiệm HPV. 

Ngoài ra, để cho ra kết quả tổng quan chính xác cao, phương pháp xét nghiệm HPV cũng được khuyến cáo kết hợp cùng phương pháp xét nghiệm tế bào Pap smear.

Tùy theo từng tình trạng của mỗi người, bác sĩ có thể yêu cầu phương pháp xét nghiệm kiểm tra ung thư cổ tử cung phù hợp. Việc kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ cùng các chuyên gia y tế giúp chị em phụ nữ có thể kịp thời chẩn đoán bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. 

5. Bao lâu nên đi kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các mốc thời gian khám kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ, chị em phụ nữ cần lưu ý như sau:

- Chị em phụ nữ ở độ tuổi từ 21 – 24 tuổi: Nên thực hiện phương pháp xét nghiệm Pap smear hoặc Thinprep mỗi 3 năm / 1 lần.

- Chị em phụ nữ ở độ tuổi trung niên từ 25 – 65 tuổi: Nên đồng thời thực hiện cả hai phương pháp xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap mỗi 5 năm / 1 lần.

- Phụ nữ trên 65 tuổi: Nếu thực hiện phương pháp xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap đều ra kết quả âm tính, đồng thời không có dấu hiệu hay triệu chứng nào bất thường ở tử cung, có thể ngừng tầm soát..

Bên cạnh các mốc kiểm tra ung thư cổ tử cung định kỳ, chị em phụ nữ cũng có thể thăm khám cùng các chuyên gia y tế ngay nếu gặp phải các triệu chứng bất thường.