NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI NỘI SOI TAI MŨI HỌNG

Nội soi tai mũi họng sử dụng ống nội soi chuyên dụng có gắn kính chuyên dụng và camera, giúp phát hiện các bệnh lý tai mũi họng hiệu quả.

1. Thế nào là nội soi tai mũi họng?

Từ những năm 2000, kỹ thuật nội soi tai mũi họng đã được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Thay vì sử dụng các vật dụng y tế đơn giản, khó tiếp cận đến vị trí tổn thương sâu bên trong tai mũi họng như đèn Clar thì giờ đây bác sĩ sử dụng ống nội soi có gắn kính chuyên dụng và camera ở hai đầu giúp bác sĩ có thể dễ dàng quan sát và chẩn đoán bệnh hiệu quả bằng kỹ thuật nội soi tai mũi họng.

Phương pháp nội soi tai mũi họng là kỹ thuật y khoa tiên tiến giúp kiểm tra lớp niêm mạc bên trong vùng tai mũi họng. Từ đó, có thể quan sát rõ các tổn thương và nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh. Theo đó, bác sĩ có thể quan sát rõ ràng và trực quan. Điều này hỗ trợ rất lớn đến việc xác định chính xác bệnh lý, đưa ra phác đồ điều trị và biện pháp can thiệp phù hợp nhất với tình trạng của người bệnh. 

 
Thế nào là nội soi tai mũi họng?

Ngoài ra, quá trình vệ sinh tai mũi họng tại chỗ cũng được giám sát tốt hơn bằng máy nội soi tai mũi họng. Máy nội soi tai mũi họng sẽ giúp quan sát các vùng nằm sâu bên trong, đảm bảo tính chính xác, kể cả các ngách mũi nhỏ cũng sẽ được rửa sạch.

2. Khi nào cần nội soi tai mũi họng?

Tai mũi họng là các cơ quan có cấu trúc đặc biệt, bao gồm nhiều hốc nhỏ, kín đáo, nằm sâu ở vùng đầu mặt cổ. Vì thế, khó có thể quan sát bằng mắt thường để bác sĩ có thể chẩn đoán đầy đủ bệnh lý và các vị trí bị tổn thương. 

 
Khi nào cần nội soi tai mũi họng?

Do đó, kỹ thuật nội soi tai mũi họng đặc biệt quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị, giúp bác sĩ có thể quan sát rõ ràng các cơ quan tai mũi họng để đánh giá tình trạng bệnh chính xác.

Bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật nội soi tai mũi họng nếu người bệnh gặp phải các triệu chứng như:

- Triệu chứng bất thường ở tai: Tai chảy mủ, tai bị dị tật (cấu trúc tai bất thường, tai nhỏ, biến dạng …), tai bị ngứa, điếc đột ngột, thính lực bị giảm, cảm giác bị ù tai, khu vực bên trong tai và xung quanh tai bị đau.

- Triệu chứng bất thường ở mũi: Chảy máu mũi, mũi có dị tật, nói giọng mũi, chảy mũi xanh, nghẹt mũi bất thường và phải thở bằng miệng. Ngoài ra, người bệnh đã chụp CT hoặc X-Quang, được chẩn đoán mắc bệnh viêm xoang. Để xác định nguyên nhân chính xác gây viêm mũi, người bệnh cần được thực hiện nội soi.

- Triệu chứng bất thường ở họng: Ho ra máu, hụt hơi khi nói, ngứa họng và đau họng lâu ngày (không hoặc có kèm theo mủ), ho dai dẳng nhiều ngày mặc dù đã áp dụng biện pháp điều trị, cảm thấy nghẹn khi nuốt, khó nuốt nước bọt hay khô miệng, góc hàm bị nổi hạch cổ (hạch có thể nhỏ và không đau) …

3. Quy trình nội soi tai mũi họng diễn ra như thế nào? 

a. Chuẩn bị trước khi nội soi tai mũi họng

Khi thực hiện quy trình nội soi tai mũi họng, bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân gần như là các đối tượng chính thực hiện trong quy trình này. Để quá trình nội soi tai mũi họng diễn ra hiệu quả, đem lại kết quả chính xác cao, cần chuẩn bị các bước như sau:

- Đối với điều dưỡng: Đội ngũ điều dưỡng nên mang găng tay, đeo khẩu trang y tế, sát khuẩn tay và ống nội soi. Sau đó, điều dưỡng nên hướng dẫn bệnh nhân chi tiết từ vị trí tiến hành nội soi, điều chỉnh tư thế ngồi như thế nào cho thuận tiện khi thực hiện nội soi.

 
Quy trình nội soi tai mũi họng diễn ra như thế nào?

- Đối với bác sĩ: Bác sĩ nên đeo khẩu trang y tế và găng tay, đồng thời, giải thích cho bệnh nhân về thủ thuật nội soi sắp tiến hành.

- Đối với bệnh nhân: Do thời gian nội soi ngắn và kỹ thuật nội soi đơn giản nên hầu như bệnh nhân có thể không cần chuẩn bị gì cả. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ khi tiến hành nội soi, cần có người thân đi cùng, hỗ trợ giữ chặt bé để tránh biến chứng nguy hiểm và giúp quá trình nội soi thuận lợi hơn.

b. Thực hiện nội soi tai mũi họng

Tùy theo từng vị trí nội soi, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện cho phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý có thể được bác sĩ áp dụng khi thực hiện nội soi tai mũi họng cho người bệnh:

- Tiến hành nội soi tai: Khi thực hiện nội soi tai, bác sĩ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn người bệnh ngồi tư thế thẳng lưng. Sau đó, tiến hành đưa ống nội soi tai theo trục ống tai ngoài để quan sát màng nhĩ, ống tai ngoài và cán búa.

- Tiến hành nội soi mũi: Người bệnh sẽ được hướng dẫn ngồi ngả đầu ra sau một góc 15 độ. Sau đó, bác sĩ sử dụng bông gòn tẩm thuốc tê và thuốc co mạch, đưa vào vị trí mũi người bệnh trong 5 phút. Sau đó, lấy bông ra và tiến hành nội soi mũi. Ống nội soi sẽ được đưa vào mũi từ trước ra sau. Điều này giúp bác sĩ có thể quan sát cấu trúc bên trong mũi, các ngóc ngách nhỏ sâu trong mũi. Tùy theo từng trường hợp nội soi, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh tiến hành làm sạch bệnh tích, chất nhầy trong mũi, hút máu và bấm sinh thiết.

 
Nội soi tai mũi họng ở trẻ cần có phụ huynh hỗ trợ giữ chặt bé

- Tiến hành nội soi họng và thanh quản: Khi tiến hành nội soi họng và thanh quản, bệnh nhân cần ngồi thẳng với tư thế hai chân buông thẳng để bác sĩ có thể dễ dàng đưa ống nội soi trên bề mặt lưỡi, đưa từ ngoài vào bên trong họng. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát bề mặt lưỡi, eo họng, lưỡi gà, amidan, đáy lưỡi thanh nhiệt, dây thanh …

Ở từng trường hợp khác nhau, phương thức nội soi và vị trí nội soi cũng có thể khác nhau, vì thế, người bệnh nên phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và điều dưỡng. Đồng thời, tình trạng của bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ và điều dưỡng cẩn thận theo dõi và quan sát.

c. Sau khi nội soi tai mũi họng

Ở cuối giai đoạn thực hiện nội soi, bác sĩ sẽ chụp và lưu hình, lưu kết quả chẩn đoán để tiếp tục theo dõi. Sau khi quá trình nội soi tai mũi họng kết thúc, bệnh nhân có thể nhận kết quả vài phút.

Bên cạnh việc thực hiện nội soi tai mũi họng để phát hiện và chẩn đoán bệnh lý, người bệnh cũng nên chú ý thường xuyên kiểm tra và vệ sinh tai mũi họng. Đồng thời tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để chăm sóc tai mũi họng và chủ động thăm khám định kỳ hay khi có triệu chứng bất thường.