BỆNH DẠ DÀY HP LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Bệnh dạ dày HP do vi khuẩn dạ dày HP gây nên. Bệnh dạ dày HP phổ biến, dễ lây lan nhưng không quá nguy hiểm, có thể có biến chứng và dễ tái phát. 

1. Bệnh dạ dày HP có nguy hiểm không?

Bệnh dạ dày HP gây ra bởi vi khuẩn dạ dày HP (helicobacter pylori). Sau khi thâm nhập vào đường tiêu hóa của người bệnh, vi khuẩn dạ dày HP có thể phát triển một cách âm thầm mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Vì thế có rất nhiều người bị bệnh dạ dày HP mà không biết. Nhiều năm về sau, vi khuẩn dạ dày HP đã tiến vào lớp niêm mạc dạ dày thời gian đủ lâu để gây nên các vết loét dạ dày. 

Mặc dù bệnh dạ dày HP không quá nguy hiểm nhưng người bệnh khi bị nhiễm vi khuẩn dạ dày HP có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh.

 
Bệnh dạ dày HP có nguy hiểm không?

Theo Bộ Y tế, hiện nay số lượng người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn dạ dày HP rất cao khoảng 60 đến 70% dân số. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gây ra bởi vi khuẩn dạ dày HP như bệnh viêm cấp tính lớp niêm mạc dạ dày (toàn bộ niêm mạc hay một phần của niêm mạc), bệnh viêm mạn tính lớp niêm mạc dạ dày, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh ung thư dạ dày, …

2. Nguyên nhân nào gây bệnh dạ dày HP?

Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ nhiễm vi khuẩn dạ dày HP. Tỷ lệ mắc bệnh dạ dày HP phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như khu vực địa lý, tuổi tác, chất lượng sống và thói quen sinh hoạt.

Một số người có thể bị nhiễm vi khuẩn dạ dày HP từ nhỏ nhưng dấu hiệu bệnh mới có thể xuất hiện đến khi trưởng thành. Nguyên nhân do sau khi vi khuẩn dạ dày HP thâm nhập vào con đường tiêu hóa, trong thời gian dài, chúng sẽ âm thầm phát triển khiến môi trường niêm mạc bị thay đổi, từ đó tăng nồng độ axit dạ dày. Khi lớp niêm mạc dạ dày ngày càng trở nên yếu ớt, dạ dày có thể bắt đầu xuất hiện các vết loét. 

Vi khuẩn dạ dày HP thường xâm nhập qua đường ăn uống đi vào cơ thể. Vì thế, căn bệnh dạ dày HP thường phổ biến ở người có môi trường sống không hợp vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm không được bảo đảm.

3. Triệu chứng của bệnh dạ dày HP

Lớp màng bảo vệ cơ quan dạ dày gọi là niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn dạ dày HP sau khi thâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tấn công lớp niêm mạc dạ dày. Khi tổn thương ngày càng trở nên nghiêm trọng, dạ dày có thể bị viêm, chảy máu, bị loét, nhiễm trùng … Khi đó, các dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày và tá tràng có thể xuất hiện.

 
Triệu chứng của bệnh dạ dày HP

Các triệu chứng của bệnh dạ dày HP có thể kéo dài đến hàng giờ hoặc chỉ vài phút như:

- Nóng rát bụng hoặc đau bụng, dạ dày, đặc biệt khi bụng rỗng.

- Nôn mửa, buồn nôn.

- Chán ăn.

- Thường xuyên ợ hơi.

- Sình bụng (phình bụng).

- Giảm cân không rõ nguyên do.

- Đi tiêu phân có màu đen khi có tình trạng dạ dày bị chảy máu.

Ngoài ra, người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay khi gặp phải các triệu chứng sau:

- Phân có màu đỏ sẫm hoặc có màu đen như bã cà phê, có xuất hiện máu.

- Nôn ra thấy máu.

- Bị khó thở.

- Ngất xỉu hay chóng mặt do cơn đau quá nặng hoặc thiếu máu.

- Màu da nhợt nhạt do thiếu máu cấp tính hoặc thiếu máu mạn tính vì chảy máu.

- Đau bụng dữ dội hay âm ỉ.

Khi gặp phải các triệu chứng, người bệnh không nhất định bị bệnh dạ dày HP. Tuy nhiên, người bệnh nên thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể khi gặp phải các triệu chứng bất thường. 

4. Điều trị bệnh dạ dày HP như thế nào?

Điều trị bệnh dạ dày HP sẽ tập trung vào các mục tiêu như ngăn vết loét dạ dày tái phát, chữa lành vùng niêm mạc dạ dày và loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh, giảm nguy cơ bệnh tiến triển thành ung thư. Các phương pháp điều trị bệnh dạ dày HP có thể cần thời gian từ 1-2 tuần để bắt đầu phát huy hiệu quả.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh dạ dày HP có thể được bác sĩ áp dụng:

a. Sử dụng thuốc để điều trị vi khuẩn HP trong dạ dày

Bệnh dạ dày HP thường được bác sĩ chỉ định điều trị tối thiểu hai loại kháng sinh khác nhau trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc để điều trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

- Khi sử dụng thuốc điều trị có thể gây nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, ăn không ngon, đầy hơi, khó chịu thượng vị, táo bón, khó tiêu, thay đổi vị giác tạm thời.

- Khi sử dụng thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn dạ dày HP, có thể vô tình đồng thời diệt cả vi khuẩn có lợi trong ruột, gây sình bụng, đầy bụng, tiêu chảy, co thắt dạ dày …

Ít nhất sau 4 tuần điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện lại xét nghiệm để kiểm tra và đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị. Nếu phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn, người bệnh có thể được đề nghị tiếp tục điều trị đợt hai. Trong đó sẽ có ít nhất 1 loại thuốc kháng sinh không giống với các loại thuốc đã được kê đơn trong đợt điều trị đầu tiên. 

 
Có thể sử dụng thuốc để điều trị bệnh dạ dày HP

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh nên tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tự ý ngừng thuốc hay sử dụng thuốc không được kê đơn có thể khiến vi khuẩn dạ dày HP trở nên khó điều trị hơn và kháng thuốc.

b. Điều trị bệnh dạ dày HP tại nhà 

Tính hiệu quả của phương pháp điều trị bệnh dạ dày HP không chỉ liên quan đến chỉ định của bác sĩ mà còn ảnh hưởng nhiều bởi thói quen sống của bệnh nhân. Để giảm nguy cơ tái phát bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, người bệnh cần có lối sống lành mạnh như:

- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ sớm.

- Kiểm soát stress, giảm căng thẳng.

- Kiêng chất kích thích, cà phê, bia rượu, nước có gas …

- Bổ sung thực phẩm có chứa nhiều lợi khuẩn và ăn nhiều rau củ.

- Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, chiên rán, chứa nhiều axit như cam, chanh, quýt …

Ngoài ra, bệnh loét dạ dày có thể gây đau do vi khuẩn dạ dày HP. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc hỗ trợ giảm đau (đặc biệt như NSAID), vì chúng có thể gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cảm thấy quá khó chịu và cần thuốc hỗ trợ giảm đau, hãy báo với bác sĩ để được giúp đỡ.