TÌM HIỂU VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP THĂM DÒ CHỨC NĂNG HÔ HẤP

Thăm dò chức năng hô hấp sử dụng các phương pháp đo khác nhau để đánh giá hoạt động hô hấp. Thăm dò chức năng hô hấp có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi các bệnh lý hô hấp hoặc đánh giá ảnh hưởng của bệnh lên chức năng hô hấp. Dưới đây là các phương pháp thăm dò chức năng hô hấp thường được sử dụng.

1. Đo FeNO

 
Đo FeNO tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1

FeNO (Fraction of exhaled nitric oxide) là xét nghiệm đo nồng độ NO trong khí thở ra từ đường hô hấp dưới. Đây là một xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn và rất hữu ích trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh hen suyễn.

Bình thường NO chỉ tồn tại một lượng thấp trong phổi, NO tăng cho thấy đã xảy ra viêm. Tình trạng này thường xảy ra ở những người bị hen, dị ứng hoặc chàm.

Xét nghiệm FeNO không thể chẩn đoán bệnh hen suyễn, nhưng giúp xác định một số loại hen nhờ phản ánh một số cơ chế viêm nhất định. NO trong khí thở ra được xem là một dấu ấn sinh học của tình trạng viêm đường dẫn khí tăng bạch cầu ái toan ở bệnh nhân hen.

FeNO giúp bác sĩ theo dõi hiệu quả điều trị hen, dự đoán khả năng đáp ứng của cơ thể với corticoid hoặc các phương pháp điều trị tương tự, từ đó để có kế hoạch điều trị tốt hơn cho từng bệnh nhân.

Những bệnh nhân hen theo dõi bằng xét nghiệm FeNO sẽ ít xảy ra các đợt cấp hơn nhờ khả năng dự báo trước. Ngoài ra, phương pháp này còn có một số ưu điểm là:

- Thực hiện nhanh

- Không xâm lấn

- Gần như không có tác dụng phụ

- Cung cấp kết quả ngay lập tức

FeNO thường được kết hợp với hô hấp ký, khi đó chẩn đoán hen có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn 90%.

2. Hô hấp ký

 
Đo hô hấp ký tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 

Hô hấp ký là kỹ thuật thăm dò chức năng hô hấp cơ bản và thông dụng nhất để chẩn đoán và đánh giá mức độ rối loạn thông khí.

Hô hấp ký giúp chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở, theo dõi hiệu quả điều trị, đánh giá ảnh hưởng của một số bệnh lý lên chức năng hô hấp và đánh giá nguy cơ trước phẫu thuật.

Đặc biệt, hô hấp ký là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Hô hấp ký có các ưu điểm:

- Độ chính xác cao

- Thực hiện nhanh chóng

- Không xâm lấn

- Có thể sử dụng để tầm soát chức năng hô hấp định kỳ, đặc biệt là theo dõi ở các đối tượng có nguy cơ cao (hút thuốc lá, môi trường làm việc ô nhiễm).

Tuy nhiên, hô hấp ký yêu cầu gắng sức, do đó nó chống chỉ định với một số đối tượng như: ho ra máu, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, phình động mạch, tăng huyết áp chưa kiểm soát, buồn nôn, nôn, mới bị nhồi máu cơ tim, mới phẫu thuật mắt, bụng hay lồng ngực. 

Với những trường hợp chống chỉ định với hô hấp ký, chỉ định thay thế là đo dao động xung ký.

3. Dao động xung ký (Ios)

 
Đo Ios tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 

Dao động xung ký (Impulse Osscillometry) là phương pháp không xâm lấn, không gắng sức, dùng để thăm dò cơ học hô hấp, đo trực tiếp sức cản đường dẫn khí. Phương pháp này có thể kết hợp test giãn phế quản hoặc kích thích phế quản.

Dao động xung ký giúp chẩn đoán và xác định vị trí tắc nghẽn đường dẫn khí, theo dõi tiến triển của bệnh, đánh giá mức độ hồi phục và giúp điều chỉnh kế hoạch điều trị. 
Cách đo dao động xung ký:

- Bệnh nhân ngồi thẳng lưng, đầu thẳng hoặc hơi ngửa, kẹp mũi.

- Dùng hai tay đặt lên má và cằm, ngậm chặt ống thở.

- Thở bình thường vào ống trong khoảng 30-60 giây (tùy vào độ tuổi và loại máy). 

- Thử thuốc giãn phế quản nếu cần.

Dao động xung ký không cần gắng sức, rất an toàn, do đó phương pháp này có thể dùng để thăm dò chức năng hô hấp ở các trường hợp chống chỉ định với hô hấp ký. Ngoài ra, nó có thể sử dụng thường quy cho đối tượng là trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

4. Phế thân ký

 
Đo phế thân ký tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 

Phế thân ký (Body box) là phương pháp thăm dò chức năng hô hấp rất hữu ích để chẩn đoán và điều trị bệnh lý hô hấp. Phế thân ký phức tạp hơn, đo nhanh, cho ra kết quả không bị ảnh hưởng bởi thông khí, do đó phương pháp này thường được chỉ định khi hô hấp ký bất thường.

Phế thân ký giúp chẩn đoán xác định rối loạn thông khí hạn chế, tắc nghẽn hay hỗn hợp. Đặc biệt là phân biệt trường hợp rối loạn thông khí hỗn hợp với các trường hợp chỉ có rối loạn thông khí tắc nghẽn. Phế thân ký có thể được sử dụng để lượng giá hô hấp trước phẫu thuật cắt phổi, theo dõi tiến trình và đáp ứng với điều trị của bệnh.
Thiết bị phế thân ký thế hệ mới tích hợp nhiều tính năng khác nhau như:

- Đo kháng lực đường dẫn khí

- Đo sức cơ hô hấp

- Đo khuếch tán CO (DLCO)

- Đo FeNO

Mỗi phương pháp thăm dò chức năng hô hấp đều có ưu điểm và cách ứng dụng riêng. Tùy vào mục đích và đối tượng bệnh nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp để chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh lý đường hô hấp.