Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh sởi có thể phát triển thành dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cả người lớn và trẻ em.
1. Nguyên nhân gây bệnh sởi ở người lớn và trẻ em
Virus sởi (Polinosa Morbillarum) có dạng hình cầu với kích thước cực nhỏ, đường kính chỉ khoảng 100 đến 250 nm là nguyên nhân gây bệnh sởi. Thông qua đường hô hấp, virus sởi xâm nhập vào cơ thể người bệnh. Chúng lây nhiễm thông qua tiếp xúc dịch tiết mũi họng của người bị nhiễm bệnh khi ho, nói chuyện hoặc hắt hơi.
Virus sởi có dạng hình cầu, kích thước cực nhỏ là nguyên nhân gây bệnh sởi
Khi xâm nhập vào cơ thể người bị nhiễm, virus sởi sẽ phát triển bằng cách nhân lên ở tế bào biểu mô của đường hô hấp và các hạch bạch huyết gần đó. Tiếp tục, chúng đi vào máu và bắt đầu ủ bệnh.
Do sự lây nhiễm dễ dàng qua đường hô hấp nên ở các khu vực đông người như khu đông dân cư, trường học, nhà trẻ … là những nơi thường có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn. Từ đó, bệnh sởi có thể nhanh chóng phát triển thành dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của cả người lớn và trẻ em.
Bệnh sởi thường bùng phát nhanh khi thời tiết mát mẻ, thường ở mùa đông hoặc mùa xuân. Tuy nhiên, ở những năm gần đây, tình hình dịch bệnh xảy ra khá căng thẳng, có thể xuất hiện quanh năm.
Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là các đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh nhất do chưa được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy lưu ý cho trẻ tiêm đầy đủ các vaccine phòng bệnh cần thiết theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
2. Triệu chứng của bệnh sởi gây ra, đặc biệt ở trẻ
Bệnh sởi có thể được điều trị hiệu quả nếu bệnh được phát hiện và chẩn đoán kịp thời. Trong thời gian ủ bệnh, bệnh sởi sẽ không bùng phát ngay nên lúc này có thể chưa có các triệu chứng ở người bị nhiễm. Tuy nhiên, sau khi bệnh đã ủ được từ 7 – 14 ngày, các triệu chứng phát bệnh rõ ràng hơn.
Triệu chứng bệnh sởi gây ra ở trẻ
Dưới đây là một số triệu chứng có thể xảy ra ở người bị nhiễm bệnh sởi:
- Giai đoạn bệnh sởi khởi phát (có thể kéo dài từ 2-4 ngày): Trẻ có thể bị sốt nhẹ, sau đó có thể sốt cao không thể thuyên giảm bằng cách điều trị thông thường. Lúc này có thể sốt lên đến 39 – 40 độ C. Cơn sốt có thể giảm khi trẻ bắt đầu phát ban. Bệnh sởi cũng có thể gây các triệu chứng khác như đỏ mắt, ho, nước mắt và nước mũi chảy nhiều bất thường hay viêm xuất tiết ở mũi, họng.
- Giai đoạn bệnh sởi toàn phát (bệnh sởi phát ban có thể kéo dài từ 2-5 ngày): Sau khi sốt kéo dài từ 3 – 4 ngày, sau tai của trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng phát ban. Các nốt phát ban thường có màu hồng, màu đỏ, là các nốt sát rẩn, nhỏ, hơi nổi gờ lên. Chúng có thể mọc rải rác thành từng đốm riêng lẻ hoặc lan rộng ra sang trán, xuống ngực và lưng, đùi và bàn chân thành những đám tròn dính liền nhau.
- Giai đoạn trẻ hồi phục (lui bệnh hoặc bay ban): Thường ở giai đoạn bệnh sởi bắt đầu bay ban, trẻ có thể đã hết sốt. Các vết ban bắt đầu nhạt màu đi chuyển sang màu xám và để lại vết thâm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh sởi có thể biến chứng nguy hiểm hơn nếu trẻ vẫn còn sốt trong khi vết ban đã bay đi.
- Ở một số trường hợp đặc biệt, các triệu chứng bệnh sởi gây ra ở trẻ không điển hình như sốt nhẹ, phát ban ít hoặc viêm long nhẹ. Vì thế, bệnh có thể không được phát hiện sớm do nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Khi gặp các triệu chứng trên, không nhất định trẻ sẽ bị nhiễm bệnh sởi. Tuy nhiên, nếu gặp các triệu chứng bất thường này, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
3. Biến chứng bệnh sởi có thể gây ra ở người bị nhiễm bệnh
Bệnh sởi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả trẻ em và người lớn nếu người bị nhiễm không có miễn dịch đủ mạnh. Từ đó, bệnh có thể gây sự lan truyền rộng rãi trong cộng đồng và phát triển thành dịch bệnh.
Theo thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ em. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, tiêu chảy, viêm não và tử vong. Mặc dù bệnh đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả nhưng bệnh sởi vẫn có thể gây tử vong ở trẻ.
Bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm tai giữa ở trẻ
Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm, bệnh sởi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bị nhiễm bệnh như:
- Tổn thương đường hô hấp: Viêm phổi, viêm thanh quản và viêm phế quản là các biến chứng bệnh sởi có thể gây ra ở đường hô hấp.
- Tổn thương hệ thần kinh: Bệnh sởi có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho hệ thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm tùy cấp. Chúng có thể gây tử vong và nguy cơ để lại di chứng cho người bệnh nhưng với tỷ lệ rất thấp. Theo thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ, cứ 1000 trẻ bị mắc bệnh sởi thì sẽ có 1 trẻ bị viêm não trong vòng 2 - 30 ngày sau khi bị nhiễm bệnh.
- Tổn thương đường tiêu hóa: Bệnh sởi có thể gây viêm niêm mạc miệng ở trẻ. Bệnh này có thể gây cho trẻ các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
- Tổn thương tai – mũi – họng: Viêm mũi họng bội nhiễm (viêm nhiễm toàn bộ vùng họng), viêm tai, viêm tai xương chũm, viêm tai giữa là các biến chứng có thể xảy ra do bệnh sởi. Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, bệnh viêm tai giữa là biến chứng phổ biến nhất của bệnh sởi được báo cáo tại Hoa Kỳ. Khoảng 14% trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh sởi biến chứng thành bệnh viêm tai giữa.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2007 cũng đã đưa ra con số thống kê rằng bệnh sởi là nguyên nhân gây ra 4% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
4. Biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh sởi
Tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi giúp nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả, đặc biệt ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Khi trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên nên cho trẻ tiêm vaccine sởi. Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, nên tiêm cho trẻ 2 mũi. Mũi 1 nên tiêm khi trẻ từ 9-12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18-24 tháng tuổi. Tiêm đủ vaccine phòng khởi sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch của trẻ lên đến 99%, bảo vệ bé an toàn trước sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cả người lớn và trẻ em. Giữ vệ sinh cũng là cách hạn chế nguy cơ lấy nhiễm virus hiệu quả. Các bậc phụ huynh nên thường xuyên tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách bằng xà phòng. Đồng thời, có thể cho trẻ học cách vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Điều này có thể giúp làm sạch khoang mũi và khoang họng, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đặc biệt ở nơi trẻ thường xuyên vui chơi giúp hạn chế lây lan virus. Đặc biệt, cả người lớn và trẻ em nên tránh tiếp xúc với người có nguy cơ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh sởi.
- Đối với người mắc bệnh sởi, nên sử dụng khẩu trang N95 (loại khẩu trang ôm khít vùng mũi, lọc được ít nhất 95% vi khuẩn, khói bụi tiềm ẩn trông không khí. Người chăm sóc và các nhân viên y tế hay thậm chí cả người khỏe mạnh, cũng nên đeo khẩu trang đầy đủ, bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh sởi
Bệnh sởi có khả năng lây bệnh nhanh chóng và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các bậc phụ huynh nên thường xuyên quan sát và chú ý các triệu chứng bất thường ở trẻ và thăm khám sớm cùng các chuyên gia y tế. Đặc biệt, không nên cho trẻ sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ở trẻ chưa từng bị bệnh sởi và chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi sẽ có nguy cơ xuất hiện biến chứng cao. Vì thế, phụ huynh không nên chủ quan và hãy cho trẻ tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh trước tình hình dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp hiện nay.