CHỤP X-QUANG CHÂN: MỤC ĐÍCH VÀ CÁCH THỰC HIỆN

Chụp X-quang chân sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh mô mềm và xương ở chân. Chụp X-quang giúp tìm ra nguyên nhân gây sưng, đau, biến dạng chân. Nó cho thấy vị trí tổn thương, giúp bác sĩ lên kế hoạch phẫu thuật và kiểm tra hiệu quả sau điều trị.

 
Chụp X-quang chân là xét nghiệm thường quy

1. Chụp X-quang chân là gì?

Chụp X-quang chân hay chụp X-quang chi dưới là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh rất có giá trị trong các bệnh lý xương khớp chân: gãy xương, di lệch xương, u xương, viêm khớp…

Tùy vào vị trí chấn thương mà bạn cần chụp X-quang: bàn chân, cổ chân, gót chân, cẳng chân, khớp gối, xương đùi.

2. Mục đích chụp X-quang chân

Bác sĩ có thể đưa ra chỉ định chụp X-quang chân trong nhiều trường hợp.

Chụp X-quang chân khảo sát các chấn thương xương khớp:

- Gãy thân xương dài

- Vỡ xương

- Gãy xương thành mảnh

- Gãy xương do xương bị lún

- Gãy cành tươi

- Bong sụn tiếp

- Gãy phức tạp

- Gãy vi chấn thương do động tác bất thường

- Gãy xương do bệnh lý

- Trật khớp

Chụp X-quang chân khảo sát các bệnh liên quan đến xương như:

- Loãng xương

- Nhuyễn xương

- Đặc xương (mật độ xương tăng) do các nguyên nhân: bệnh về máu, di căn ung thư, rối loạn tuyến giáp, ngộ độc kim loại nặng, giang mai, các bệnh bẩm sinh; viêm xương, lao xương, u xương…

- Tiêu xương (xương bị tiêu hủy làm thay đổi hình dạng xương) do viêm xương, lao xương, u xương, phồng động mạch – tĩnh mạch…

- Hoại tử xương (một phần xương đã chết)

- Viêm xương - tủy xương

- Lao xương khớp

- Thay đổi hình dạng xương do chấn thương, viêm dày màng xương, u xương…

 
X-quang giúp đánh giá tình trạng gãy xương

Các xương được nối với nhau bởi các khớp, chụp X-quang chân khảo sát các bệnh khớp chi dưới:

- Hẹp khe khớp do viêm khớp, thoái hóa khớp

- Rộng khe khớp do tràn dịch ổ khớp, phì đại sụn khớp, trật khớp, đứt dây chằng

- Tiêu xương do viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm mạn tính bao hoạt dịch…

- Vôi khớp sụn khớp

- Vôi hóa bao hoạt dịch do bệnh khớp mạn tính

- Vôi hóa cạnh khớp do vôi hóa gân, vôi hóa phần mềm

- Viêm khớp dạng thấp

- Viêm khớp vi trùng

- Viêm khớp lao

- Hoại tử vô mạch

- Thoái hóa khớp

- Gout

- Biến dạng khớp do trật khớp, sau chấn thương, tổn thương dây chằng, bẩm sinh… 

3. Ưu điểm và nhược điểm của chụp X-quang chân

X-quang cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong chân giúp xác định nguyên nhân cơ bản gây đau chân và rối loạn chức năng vận động chân. Điều này giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp để bệnh nhân đạt được kết quả tốt hơn.

 
X-quang phát hiện nguyên nhân gây đau chân

a. Ưu điểm khi chụp X-quang chân

- Chụp X-quang phát hiện và chẩn đoán các tổn thương chân mà mắt thường không thấy được.

- X-quang giúp xác định chính xác vị trí, mức độ tổn thương để có hướng điều trị phù hợp.

- Đây là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thực hiện nhanh, đơn giản, có thể áp dụng cho các trường hợp khẩn cấp.

- Kỹ thuật chụp X-quang không xâm lấn, không đau.

- Máy chụp X-quang có ở hầu hết các cơ sở y tế, dễ dàng tiếp cận.

b. Nhược điểm khi chụp X-quang chân

- Khi đánh giá các vùng gãy xương phức tạp, u xương, sinh thiết, chụp CT cho kết quả chi tiết hơn so với X-quang.

- Các cấu trúc phần mềm của khớp (dây chằng, gân, bao khớp…) không thấy rõ trên phim X-quang, cần chụp MRI hoặc chụp bao khớp.

- Rủi ro liên quan đến bức xạ tia X tăng theo số lần tiếp xúc trong suốt cuộc đời. Nhưng thực tế, lượng bức xạ khi chẩn đoán X-quang thấp hơn bức xạ bạn có thể tiếp xúc từ môi trường.

 
Chụp X-quang xác định được vị trí tổn thương

4. Quy trình chụp X-quang chân thực hiện như thế nào?

a. Trước khi chụp X-quang chân

Trước khi chụp X-quang chân, tùy vị trí chụp mà bạn chỉ cần kéo trang phục để lộ vị trí chụp hoặc cần thay quần áo. Tháo tất cả đồ vật, trang sức có thể cản trở quá trình này. Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai phải thông báo cho nhân viên y tế trước khi chụp X-quang.

b. Trong khi chụp X-quang chân

Theo hướng dẫn của nhân viên y tế, bạn sẽ ngồi hoặc nằm trên một mặt phẳng là tấm nhận ảnh X-quang. Có nhiều tư thế chụp X-quang chân như chụp thẳng, chụp nghiêng, chụp chếch - tùy vào mục đích chụp. 

Một ống tạo tia X phía trên sẽ phóng tia X qua chân đến tấm nhận ảnh, thiết bị này ghi lại hình ảnh và chuyển dữ liệu vào máy tính để xử lý. 

Quá trình chụp X-quang chỉ kéo dài vài phút.

c. Sau khi chụp X-quang chân

Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ xem xét hình ảnh chụp X-quang và đưa ra báo cáo. Kết quả sau đó sẽ được bác sĩ điều trị giải thích và đưa ra hướng điều trị cho bạn. Đôi khi bạn cần làm thêm các xét nghiệm khác nếu kết quả chụp X-quang chưa đủ để đưa ra chẩn đoán.

5. Chụp X-quang chân có an toàn không?

Chụp X-quang là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thường quy, được sử dụng rất phổ biến trong y học. Tiếp xúc bức xạ có thể gây ung thư, vì vậy nhiều người lo ngại về rủi ro khi chụp X-quang.

Theo nhiều nghiên cứu, rủi ro do tiếp xúc với bức xạ trong y học chẩn đoán là có và rủi ro này tăng theo số lần tiếp xúc trong cả cuộc đời. Tuy nhiên, những rủi ro khi người bệnh không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán không khách quan còn nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, bức xạ tia X sử dụng trong chẩn đoán bệnh là tối thiểu và thường thấp hơn mức có thể gây hại. Để giảm thiểu mức độ tiếp xúc với bức xạ, những tiến bộ trong công nghệ đã tạo ra các dòng máy X-quang với kỹ thuật chụp ảnh liều thấp. 

6. Chụp X-quang chân ở đâu?

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 sử dụng máy chụp X-quang kỹ thuật số Drgem cung cấp hình ảnh rõ nét với liều lượng bức xạ thấp, hỗ trợ hiệu quả cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Các kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh luôn được đào tạo về quy trình, kỹ thuật an toàn khi sử dụng máy chụp X-quang cũng như các thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác.

Ngoài chụp X-quang, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 còn chẩn đoán các bệnh lý chi dưới bằng cách phương pháp: chụp mạch máu, chụp bao khớp, CT, MRI hay đo mật độ xương DEXA.