Khi con bị sốt có thể làm cha mẹ rất lo lắng, đặc biệt là những người lần đầu tiên có con bị sốt. Các bậc cha mẹ sẽ tự hỏi sốt bao nhiêu độ là cao và có nên cho bé đi khám ngay không? Biết được sự khác biệt giữa cơn sốt cần điều trị và cơn sốt có thể tự khỏi sẽ giúp bạn có hướng xử lý đúng cách để con khỏi bệnh nhanh hơn. `
Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt
1. Cách đo nhiệt độ chính xác khi trẻ bị sốt
Dù được chăm sóc cẩn thận đến đâu đi nữa thì mọi đứa trẻ sẽ đều trải qua sốt. Điều quan trọng là cha mẹ cần làm gì khi điều này xảy ra. Trước tiên, để biết trẻ có bị sốt hay không, bạn cần đo nhiệt độ cho trẻ.
a. Cách chọn nhiệt kế kiểm tra trẻ bị sốt
Có nhiều loại nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ khi trẻ bị sốt là:
- Nhiệt kế thủy ngân: Loại nhiệt kế này không được khuyến khích sử dụng vì chúng có thể bị vỡ, khiến thủy ngân bay hơi và hít phải.
- Nhiệt kế kỹ thuật số: Loại nhiệt kế này sử dụng cảm biến nhiệt điện tử để ghi lại nhiệt độ cơ thể. Chúng có thể được sử dụng ở hậu môn (trực tràng), miệng hoặc nách. Đo nhiệt độ nách thường kém chính xác nhất trong ba loại.
- Nhiệt kế đo tai kỹ thuật số (màng nhĩ): Loại nhiệt kế này sử dụng máy quét hồng ngoại để đo nhiệt độ bên trong ống tai. Tuy nhiên ráy tai hoặc ống tai nhỏ, cong có thể cản trở độ chính xác của nhiệt độ nhiệt kế đo tai.
- Nhiệt kế động mạch thái dương: Loại nhiệt kế này sử dụng máy quét hồng ngoại để đo nhiệt độ của động mạch thái dương ở trán. Loại nhiệt kế này có thể được sử dụng ngay cả khi trẻ đang ngủ.
Kiểm tra trẻ bị sốt bằng nhiệt kế động mạch thái dương
b. Khuyến cáo lựa chọn cách đo thân nhiệt theo tuổi
Phương pháp đo nhiệt độ phù hợp tùy thuộc vào độ tuổi của con bạn. Ví dụ, đo nhiệt độ trực tràng là cách tốt nhất để có kết quả chính xác đối với trẻ dưới 2 tuổi. Nhưng hầu hết trẻ em không thích đo nhiệt độ theo cách này.
Đo nhiệt độ ở nách không chính xác nhưng nó sẽ cho bạn biết liệu con bạn có bị sốt hay không.
Dưới đây là khuyến cáo lựa chọn đo thân nhiệt theo tuổi:
2. Trẻ sốt bao nhiêu độ là cao?
Dưới đây là bảng phân độ sốt:
Trong đa số trường hợp, sốt có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần biết khi nào nên đưa trẻ đi khám bệnh và khi nào cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt.
3. Cách chăm sóc trẻ sốt tại nhà
a. Sử dụng thuốc hạ sốt
Do bản chất của sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể, phụ huynh chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ bị sốt 38,5 độ C trở lên.
Thuốc có hiệu quả hạ sốt ở trẻ em là Acetaminophen hay Ibuprofen.
- Acetaminophen có thể dùng mỗi 4 – 6 giờ khi cần, với liều 10 – 15 mg/kg/lần.
- Ibuprofen là một thuốc khác có thể dùng để hạ sốt cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Hãy báo bác sĩ của bạn trước khi sử dụng Ibuprofen cho trẻ, bác sĩ sẽ cho bạn biết liều dùng phù hợp.
Chưa có tài liệu đầy đủ về tình trạng an toàn khi sử dụng kếp hợp Acetaminophen và Ibuprofen xen kẽ, nhưng cha mẹ cũng nên biết việc sử dụng cả 2 loại thuốc này sẽ ít an toàn hơn khi sử dụng một loại thuốc đơn thuần.
Khi sử dụng thuốc hạ sốt, bạn cần lưu ý:
- Aspirin không được chỉ định do có thể gây các bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng Reye.
- Trẻ nghi ngờ sốt xuất huyết không được sử dụng Ibuprofen.
- Không cho trẻ dưới 2 tháng uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có ý kiến của bác sĩ trước đó.
- Thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi cần thiết, và sẽ ngưng khi các triệu chứng không còn.
Sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên
b. Tắm nước ấm cho trẻ
Cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt Acetaminophen trước khi tắm. Nếu chỉ tắm mà không dùng thuốc, trẻ có thể biểu hiện run do cơ thể cố nâng nhiệt độ cơ thể lên. Điều này có thể làm trẻ cảm thấy mệt hơn.
Lưu ý, không được pha rượu vào nước tắm hoặc chà xát cơ thể trẻ với rượu hoặc tắm bằng nước lạnh.
c. Một số cách để trẻ dễ chịu hơn khi sốt
Khi bị sốt, trẻ có thể cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu. Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể thực hiện để trẻ thấy dễ chịu hơn:
- Cho trẻ uống nhiều nước để ngừa mất nước. Nước đun sôi để nguội, sữa, nước súp, nước trái cây đều là những chọn lựa tốt.
- Nếu trẻ uống đủ nước, đừng cố ép trẻ ăn nếu trẻ không muốn.
- Đảm bảo cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát. Ủ ấm quá mức hay mặc quần áo quá dày có thể làm cho nhiệt độ của trẻ tăng thêm.
- Nếu trẻ có biểu hiện lạnh run, hãy cho trẻ đắp thêm mền. Bỏ bớt mền đi khi trẻ không còn lạnh run nữa.
Cho trẻ bị sốt uống nhiều nước
4. Khi nào cần đưa trẻ sốt đi khám?
Mặc dù phần lớn các trường hợp trẻ sốt có thể khỏi bệnh bằng cách uống thuốc hạ sốt và chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu:
- Trẻ < 3 tháng tuổi: Sốt 38ºC (đo ở trực tràng), ngay cả khi nhìn biểu hiện bên ngoài của trẻ vẫn có vẻ tốt.
- Trẻ từ 3 – 36 tháng tuổi: Sốt ≥ 38ºC (đo ở trực tràng) kéo dài hơn 3 ngày, hoặc khi trẻ có những biểu hiện không tốt như bứt rứt, không chịu bú,…
- Trẻ 3 – 36 tháng tuổi: Sốt ≥ 38,9ºC (đo ở trực tràng ).
Ngoài ra, trẻ em ở mọi lứa tuổi cần đi khám khi:
- Nhiệt độ đo ở miệng, trực tràng, tai hoặc trán từ 40ºC trở lên.
- Nhiệt độ đo ở nách từ 39,4ºC trở lên.
- Co giật do sốt.
- Sốt liên tục không hạ (ngay cả khi chỉ kéo dài vài giờ).
- Sốt ở trẻ có bệnh lý nền như bệnh tim, ung thư, lupus ban đỏ hệ thống hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Sốt kèm theo phát ban trên da.
Trên đây là một số hướng dẫn chung để tham khảo (không hoàn toàn đầy đủ để áp dụng cho mọi tình huống). Cha mẹ cần liên hệ với nhân viên y tế để có những hướng dẫn cụ thể hơn về tình trạng của con mình.
Tư vấn chuyên môn: BS CKI Phạm Thị Minh Hà - Khoa Nhi Phòng Khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1