ĐO HOLTER 24H LÀ GÌ? KHI NÀO CẦN ĐO?

Đo Holter 24h hay holter điện tâm đồ là phương pháp ghi nhịp tim liên tục trong thời gian 24 giờ trong khi người bệnh sinh hoạt bình thường. Holter điện tâm đồ rất có giá trị trong chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim.

 
Thiết bị đo Holter điện tâm đồ

1. Đo Holter 24h là gì?

Holter điện tâm đồ được phát minh vào năm 1949 bởi kỹ sư người Mỹ Norman J.Holter. Phương pháp này ghi lại điện tâm đồ liên tục trong suốt thời gian đeo máy thông qua một số điện cực dán trên ngực. Holter điện tâm đồ thường kéo dài 24 hoặc 48 giờ.

Holter điện tâm đồ lưu kết quả dưới dạng băng cassette hoặc theo phương pháp kỹ thuật số. Hiện nay, đa phần máy Holter điện tâm đồ thu thập dữ liệu theo phương pháp kỹ thuật số, với kích thước máy nhỏ gọn, thuận tiện mang theo người để đi lại, học tập hay làm việc.

Thông qua Holter điện tâm đồ, bác sĩ có thể theo dõi được nhịp tim của người bệnh cùng với thời điểm người bệnh xuất hiện triệu chứng, nhờ đó có được nhiều thông tin giá trị để theo dõi và chẩn đoán nhiều tình trạng, mà hiệu quả nhất là rối loạn nhịp tim.

2. Mục đích của đo Holter 24h là gì?

Holter 24h được dùng để xác định, đánh giá mức độ và phân loại các rối loạn nhịp tim trong các trường hợp:

- Các rối loạn nhịp tim thoáng qua.

- Đánh giá triệu chứng liên quan đến rối loạn nhịp tim.

- Đánh giá nguy cơ ở bệnh nhân không có triệu chứng rối loạn nhịp tim.

- Đánh giá nguy cơ tim mạch trong tương lai ở bệnh nhân không có triệu chứng của rối loạn nhịp tim, như bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, suy tim hay bệnh cơ tim phì đại.

- Đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.

- Đánh giá chức năng của máy tạo nhịp và máy phá rung (ICD).

- Hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi bệnh thiếu máu cơ tim.

3. Ai cần đo Holter 24h?

Holter 24h được chỉ định ở đối tượng có các triệu chứng mà bác sĩ nghi ngờ là do rối loạn nhịp tim gây ra như:

- Thoáng ngất, ngất xỉu, chóng mặt không rõ nguyên nhân.

- Khó thở, đau ngực, mệt mỏi.

- Hồi hộp, đánh trống ngực.

- Tai biến mạch máu não nghi ngờ do cơn rung nhĩ hay cuồng nhĩ.

Holter cũng được sử dụng ở những đối tượng:

- Bị suy tim sau nhồi máu cơ tim.

- Bị suy tim do các nguyên nhân khác.

- Bệnh cơ tim phì đại.

- Bệnh động mạch vành.

- Đang điều trị rối loạn nhịp tim.

- Đang điều trị bệnh rung nhĩ.

- Đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tim có nguy cơ gây ra rối loạn nhịp tim.

- Mới cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy phá rung.

- Đã cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy phá rung một thời gian để phát hiện rối loạn nhịp tim do máy gây ra.

- Bị đau ngực nhưng không làm được nghiệm pháp gắng sức.

- Bệnh nhân trước phẫu thuật mạch máu mà không làm được nghiệm pháp gắng sức.

 
Đo Holter điện tâm đồ khi có triệu chứng nghi ngờ rối loạn nhịp tim

4. Ưu điểm của Holter (24h) điện tâm đồ

Holter điện tâm đồ là kỹ thuật điện tim có nhiều ưu điểm:

- Không đau, không xâm lấn.

- Kỹ thuật đơn giản, dễ áp dụng rộng rãi.

- Không có chống chỉ định với bất kỳ đối tượng nào.

- Không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bệnh nhân.

- Không gây ô nhiễm môi trường.

- Có giá trị cao trong chẩn đoán nhiều bệnh tim tiềm ẩn.

Thiết bị đo Holter an toàn cho người bệnh. Một số người có thể bị dị ứng ngoài da với băng dính hay điện cựcc. Ngoài ra, không có biến chứng nghiêm trọng nào khác.

5. Quy trình đo Holter điện tâm đồ

a. Trước khi đo Holter điện tâm đồ

Người bệnh nên tắm rửa sạch sẽ trước khi đeo máy vì trong suốt thời gian đeo máy người bệnh không được tắm rửa. Nên mặc quần áo rộng rãi để thuận tiện cho việc đeo máy.

b. Trong khi đo Holter diện tâm đồ

Các bước tiến hành đo Holter điện tâm đồ diễn ra như sau:

- Lau sạch vùng da dán điện cực.

- Sử dụng băng dính dán các đầu điện cực vào da tại các vị trí khác nhau trên ngực (5, 7 hoặc 10 điện cực). Điện cực sẽ được dán kỹ để tránh bong ra trong quá trình mang máy. Điện cực nối với các dây được gắn vào máy theo dõi.

- Máy theo dõi kẹp vào cạp quần, bỏ vào túi áo hoặc đeo bằng một sợi dây qua vai.

- Bệnh nhân luôn mang theo máy trong 24-48 giờ tùy vào chỉ định. Trong quá trình này, người bệnh vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, không tập luyện gắng sức. Cần bảo quản máy, không để thiết bị dính nước hay va đập. Không sử dụng chăn điện, tránh tiếp xúc với nam châm, máy dò kim loại và các dòng điện lớn vì có thể ảnh hưởng đến kết quả.

- Nếu có triệu chứng bất thường thì bấm nút để đánh dấu thời điểm (nhịp tim nhanh, khó thở, tức ngực, choáng váng, chóng mặt…), và ghi nhớ hoạt động đang làm khi bị triệu chứng.

- Sau khi đeo máy đủ thời gian chỉ định, bệnh nhân quay lại cơ sở y tế theo lịch hẹn để tháo thiết bị.

- Dữ liệu trong máy Holter sẽ được đọc trên máy tính bằng phần mềm chuyên dụng. 

6. Holter điện tâm đồ cung cấp kết quả gì?

Máy đo Holter điện tâm đồ có thể cung cấp cho bác sĩ một số thông tin như:

- Tổng số nhát bóp của tim.

- Tần số tim trung bình.

- Tần số tim nhanh nhất trong một giờ.

- Tần số tim chậm nhất trong một giờ.

- Cơn nhịp chậm và thời gian kéo dài cơn.

- Cơn nhịp nhanh và thời gian kéo dài cơn.

- Số lượng các rối loạn nhịp nhĩ, rối loạn nhịp thất các dạng đơn, đôi, ba, nhịp đôi, nhịp ba…

- Sự biến đổi đoạn ST, QT.

- Sự biến thiên nhịp tim.
-
Dựa trên kết quả đo Holter 24h hay Holter 48h mà bác sĩ sẽ có các chỉ định và phương pháp điều trị thích hợp. 

7. Đo điện tâm đồ thường quy và Holter điện tâm đồ có gì khác nhau?

Điện tâm đồ (ECG) là phương pháp đo hoạt động điện của tim ngay tại thời điểm thực hiện tại cơ sở y tế. ECG thường quy thực hiện khi người bệnh nằm yên thư giãn, kéo dài chỉ vài phút, giúp đánh giá nhanh chức năng tim.

Nhưng nhịp tim có thể thay đổi và các triệu chứng có thể xuất hiện vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Vì vậy, bác sĩ thường chỉ định đo Holter khi kết quả điện tâm đồ không cung cấp đủ thông tin. Nói chung, Holter điện tâm đồ cung cấp cho bác sĩ một thông tin đầy đủ và kéo dài hơn về nhịp tim so với ECG.