TẠI SAO CẦN KIỂM TRA TÌNH TRẠNG ĐÔNG MÁU SAU KHI BỊ NHIỄM COVID-19

1. Tại sao cần kiểm tra tình trạng đông máu sau khi bị nhiễm Covid-19?

Ngoài việc gây ra các vấn đề hô hấp nghiêm trọng, người ta nhận thấy Covid-19 còn gây ra tình trạng đông máu, đặc biệt là ở bệnh nhân Covid-19 nặng. Xét nghiệm tình trạng đông máu là một xét nghiệm quan trọng giúp xác định và dự phòng tình trạng đông máu cho bệnh nhân Covid-19.

 
Covid-19 gây ra tình trạng bất thường về đông máu

2. Nguy cơ đông máu sau khi nhiễm Covid-19 cao hơn sau khi tiêm Vaccine

Dữ liệu tại Hà Lan và Pháp cho thấy trong tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng phải vào ICU (đơn vị chăm sóc tích cực), có 30-70% trường hợp hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu của chân hoặc trong phổi. Các cục máu đông sau khi di chuyển đến phổi sẽ cản trở máu lưu thông gây ra khó thở, làm cho tình trạng bệnh nhân nhiễm Covid-19 càng nghiêm trọng. Điều này có thể giải thích tại sao những bệnh nhân bị COVID-19 nặng thường có mức oxy rất thấp.

Trên thực tế, tình trạng đông máu ở người bị nhiễm trùng do virus không phải là hiếm, ví dụ như ở dịch cúm Tây Ban Nha, bệnh HIV hay Ebola, người ta đều phát ra ra tình trạng tế bào máu dễ đông hơn. Nhưng có vẻ như biểu hiện ở người mắc Covid-19 phổ biến và dễ nhận ra hơn. 

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford thì nguy cơ hình thành cục máu đông sau khi mắc Covid-9 cao hơn nhiều so với nguy cơ của vaccine AstraZeneca và Pfizer. Dữ liệu cho thấy cứ 10 triệu người thì sẽ có 934 trường hợp giảm tiểu cầu sau khi nhiễm Covid-19, trong khi con số này ở những người tiêm AstraZeneca là 107 trường hợp. Tương tự, cứ 10 triệu người thì sẽ có 1.699 trường hợp bị đột quỵ thiếu máu cục bộ sau khi nhiễm Covid-19, con số này ở người tiêm vaccine Pfizer là 143 trường hợp.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây ra chứng huyết khối ở bệnh nhân Covid-19 là do virus đã kích hoạt một loại kháng thể tự miễn trong máu tấn công vào tế bào, gây ra tình trạng đông máu ở động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Do đó, người ta đưa thuốc chống đông máu vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng giúp ngăn chặn tình trạng này.

3. Biến chứng đông máu ở người bị nhiễm Covid-19

Đông máu là cơ chế tự nhiên của cơ thể để cầm máu khi có vết thương, giúp bịt kín và làm cho vết thương nhanh lành hơn. Nhưng trong những trường hợp khác, cục máu đông là một tình trạng nguy hiểm cần được quan tâm thực sự. Bởi chúng có thể hạn chế hoặc ngăn chặn dòng chảy của máu, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và thuyên tắc phổi (PE).

Thông thường, những yếu tố dẫn đến đột quỵ thường liên quan đến tuổi tác ngày càng cao, tăng huyết áp, cholesterol cao, hút thuốc, béo phì, bệnh lý tim mạch… Tuy nhiên, bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn khi so sánh với số còn lại. Và nó cũng bất thường hơn khi nhiều trường hợp đột quỵ dưới 50 tuổi mà không có yếu tố nguy cơ đột quỵ nào khác.

Khoảng 30% những bệnh nhân Covid-19 nặng khi vào ICU bị thuyên tắc phổi. Nó xảy ra khi cục máu đông di chuyển đến phổi và cản trở dòng máu, làm giảm nồng độ oxy và gây tổn thương mô phổi.

Ở người bị viêm phổi do Covid-19, vốn tình trạng viêm và tích tụ chất lỏng đã gây khó thở. Sự hình thành các cục máu đông trong mao mạch bên trong túi khí nhỏ của phổi có thể làm giảm nồng độ oxy hơn nữa.

Cục máu đông cũng có thể hạn chế lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể, gây ra tổn thương cho các khu vực khác như tứ chi, đường tiêu hóa hay thận.

4. Xét nghiệm kiểm tra trình trạng đông máu bao gồm những xét nghiệm nào?

 
Xét nghiệm các yếu tố trong máu để đánh giá tình trạng đông máu

a. Xét nghiệm D-dimer

Trong cơ chế cầm máu thông thường của cơ thể, D-dimer là một đoạn protein hình thành trong quá trình phá vỡ cục máu đông. Sau khi quá trình này kết thúc, D-dimer cũng dần dần biến mất. 

Nhưng khi bị rối loạn đông máu, cục máu đông xuất hiện và không tan đi, ví dụ trong trường hợp thuyên tắc phổi (PE), chỉ số D-dimer trong máu sẽ rất cao. Xét nghiệm D-dimer sẽ giúp phát hiện sự tồn tại của cục máu đông, ở bất kì nơi nào trong cơ thể.

b. Xét nghiệm aPTT

Xét nghiệm aPTT hay xét nghiệm thời gian thromboplastin, là một xét nghiệm đánh giá số lượng và chức năng của một số protein trong máu được gọi là các yếu tố đông máu - là một phần quan trọng của sự hình thành cục máu đông. Cụ thể nó đo số giây cần thiết để máu đông lại của mẫu máu sau khi thêm vào thuốc thử. 

Nếu kết quả xét nghiệm aPTT nằm trong mức tham chiếu thì chức năng đông máu bình thường. Còn nếu kết quả chậm hoặc nhanh hơn là bất thường, do thiếu hụt yếu tố đông máu hoặc một số bệnh lý khác.

c. Xét nghiệm TQ

Xét nghiệm TQ (thời gian Quick), hay còn gọi là xét nghiệm PT (thời gian Prothrombin) đánh giá thời gian đông máu bị ảnh hưởng bởi con đường đông máu ngoại sinh. Prothrombin là một loại protein được sản xuất bởi gan. Nó là một trong nhiều yếu tố đông máu giúp quá trình này diễn ra bình thường. 

Xét nghiệm TQ (PT) giúp phát hiện thiếu hụt yếu tố đông máu hoặc đánh giá một số bệnh lý.

d. Xét nghiệm Ferritin

Sắt là một khoáng chất thiết yếu trong cơ thể. Thiếu sắt có thể gây ra tình trang mệt mỏi, đau đầu, chóng mặc, ù tai, khó thở, cáu gắt và suy nhược cơ thể. 

Ferritin là một loại protein dự trữ sắt, tồn tại chủ yếu ở gan hoặc hệ miễn dịch. Xét nghiệm Ferritin giúp đánh giá lượng sắt trong cơ thể.

5. Ai nên làm xét nghiệm kiểm tra đông máu

Ngay cả khi bị Covid-19 và đã phục hồi, nhiều người vẫn bị các biến chứng kéo dài nhiều tháng sau đó. Các xét nghiệm kiểm tra tình trạng đông máu giúp đánh giá tình trạng đông máu, dự phòng và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ở những bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng.

Những bệnh nhân phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 nên làm xét nghiệm kiểm tra đông máu, nhất là khi gặp một trong các triệu chứng của chứng đông máu sau:

- Đau đầu dữ dội, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường

- Đau đầu nặng hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống

- Bầm tím hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân

- Khó thở

- Tim đập nhanh

- Tức ngực

- Đổ mồ hôi nhiều

- Sưng phù hoặc đỏ, thường ở cẳng chân, đôi khi là ở đùi, xương chậu hoặc cánh tay

- Đau ở chân, đùi, xương chậu, cánh tay

Đặc biệt là những bệnh nhân từng bị đột quỵ hoặc có yếu tố nguy cơ đột quỵ (tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, cholesterol cao, hút thuốc, bệnh lý tim mạch…) nên làm xét nghiệm kiểm tra đông máu sau khi khỏi bệnh Covid-19 để đánh giá và dự phòng nguy cơ đột quỵ sau đó.