NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH THẦN KINH NGOẠI BIÊN

Bệnh thần kinh ngoại biên hay bệnh dây thần kinh ngoại biên xảy ra khi một hoặc một nhóm dây thần kinh này bị tổn thương. Nó thường bắt đầu ở bàn tay hoặc bàn chân gây tê, đau, ngứa ran, yếu cơ và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân dưới đây.

 
Bệnh thần kinh ngoại biên gây tê đau bàn chân

1. Chấn thương 

Chấn thương do tai nạn ô tô, té ngã, thể thao và các phẫu thuật có thể gây kéo căng, đè èp hoặc chèn ép dây thần kinh hoặc đứt dây thần kinh. 

Chấn thương ít nghiêm trọng hơn cũng có thể gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng trong các bệnh đám rối cánh tay, do dây thần kinh bị căng giãn quá mức làm tổn thương bao myelin xung quanh dây thần kinh. 

Xương bị gãy hoặc trật khớp có thể gây áp lực gây tổn hại lên các dây thần kinh lân cận, và tình trạng trượt đĩa đệm giữa các đốt sống có thể chèn ép các sợi thần kinh nơi chúng xuất phát từ tủy sống. 

Viêm khớp, áp lực kéo dài lên dây thần kinh (chẳng hạn như do bó bột) hoặc các hoạt động mạnh, lặp đi lặp lại có thể khiến dây chằng hoặc gân sưng lên, làm thu hẹp các đường dẫn thần kinh. 

Hội chứng ống cổ tay là một loại bệnh lý thần kinh ngoại biên ở chi trên thường gặp do sự chèn ép dây thần kinh giữa ở đoạn cổ tay.

2. Bệnh đái tháo đường 

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đa dây thần kinh ở Hoa Kỳ. 

Khoảng 60-70% những người mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) có các vấn đề về thần kinh từ nhẹ đến nặng. Nó có thể gây tê, ngứa ran hoặc nóng rát ở bàn chân, các vết ban hoặc đau một bên, tê và yếu ở chân, thân hoặc xương chậu.

 
Đái tháo đường gây ra bệnh đa dây thần kinh

3. Các vấn đề về mạch máu và máu

Các vấn đề về mạch máu và máu làm giảm lượng oxy cung cấp cho các dây thần kinh ngoại biên có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh. 

Bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, hẹp động mạch do huyết áp cao, xơ vữa động mạch (chất béo tích tụ bên trong thành mạch máu) có thể dẫn đến bệnh lý thần kinh ngoại biên. 

Thành mạch máu dày lên và sẹo do viêm mạch máu có thể cản trở lưu lượng máu và gây tổn thương dây thần kinh và bao myelin xung quanh dây thần kinh, trong đó các dây thần kinh bị cô lập ở các khu vực khác nhau bị tổn thương.

4. Các bệnh tự miễn hệ thống

Bệnh tự miễn hệ thống là bệnh toàn cơ thể như: lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa hệ thống, viêm khớp tự miễn, xơ cứng bì, đa xơ cứng hoặc hội chứng kháng phospholipid. 

Trong các bệnh này, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào một số mô của cơ thể, có thể nhắm trực tiếp vào dây thần kinh hoặc gây ra vấn đề khi các mô xung quanh chèn ép. 

 
Lupus ban đỏ có thể dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên

5. Các bệnh tự miễn của dây thần kinh

Các bệnh tự miễn chỉ tấn công dây thần kinh thường được kích hoạt bởi các bệnh nhiễm trùng gần đây như: hội chứng Guillain Barre, viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên hủy myelin mạn tính (CIDP - Chronic inflammatory demyelinating polyneuropathy). 

Các tình trạng này có thể phát triển nhanh hoặc chậm, trong khi một số khác trở thành mạn tính và có mức độ nghiêm trọng tùy theo từng trường hợp và giai đoạn của bệnh. 

6. Mất cân bằng nội tiết tố 

Sự mất cân bằng nội tiết có thể làm rối loạn quá trình trao đổi chất bình thường. Các bệnh lý về tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, rối loạn điện giải (ion đồ) trong hạ hoặc tăng natri máu, hạ hoặc tăng kali máu. 

7. Bệnh thận và gan 

Rối loạn chức năng thận và gan có thể dẫn đến lượng chất độc trong máu cao có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngoại biên. Hầu hết những người phải chạy thận vì suy thận, bệnh lý xơ gan đều phát triển bệnh đa dây thần kinh ở các mức độ khác nhau.

 
Người chạy thận nhân tạo nguy cơ cao bị bệnh đa dây thần kinh

8. Thiếu vitamin

Mất cân bằng vitamin, đặc biệt là thiếu vitamin B12 và dư thừa vitamin B6 là những nguyên nhân liên quan đến vitamin được biết đến nhiều nhất gây ra bệnh thần kinh ngoại biên.

9. Rượu, chất độc và thuốc

Nghiện rượu và tiếp xúc với chất độc có thể làm tổn thương dây thần kinh và gây ra bệnh thần kinh. 

Một số loại thuốc như thuốc kháng lao, một số thuốc statin, các thuốc ức chế miễn dịch cũng ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên

10. Khối u

Một số bệnh ung thư và khối u lành tính gây ra bệnh thần kinh theo nhiều cách khác nhau. Các khối u đôi khi xâm nhập hoặc đè lên các sợi thần kinh. 
Hội chứng cận ung thư, một nhóm các rối loạn thoái hóa hiếm gặp được kích hoạt bởi phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với bệnh ung thư, có thể gián tiếp gây ra tổn thương thần kinh trên diện rộng.

11. Thuốc hóa trị ung thư

Các loại thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư gây ra bệnh đa dây thần kinh ở khoảng 30 đến 40% số người. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc hóa trị đều gây ra bệnh thần kinh và không phải ai được hóa trị cũng sẽ phát triển bệnh thần kinh. 

Bệnh thần kinh ngoại biên do hóa trị có thể tiếp tục kéo dài sau khi ngừng hóa trị. 

Xạ trị cũng có thể gây tổn thương thần kinh, đôi khi bắt đầu vài tháng hoặc nhiều năm sau đó.

 
Một số thuốc hóa trị có thể gây bệnh thần kinh ngoại biên

12. Nhiễm trùng

Tình trạng nhiễm trùng có thể tấn công các mô thần kinh và gây ra bệnh lý thần kinh. 

Các loại virus như virus Varicella-zoster (gây bệnh thủy đậu và bệnh zona), virus West Nile, Cytomegalovirus và Herpes simplex tấn công các sợi cảm giác, gây ra các cơn đau nhói như tia chớp. 

Bệnh Lyme do bọ ve cắn có thể gây ra một loạt các triệu chứng bệnh lý thần kinh, thường trong vòng vài tuần sau khi bị nhiễm bệnh. 

Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), gây ra bệnh AIDS, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Ước tính có khoảng 30% số người nhiễm HIV mắc bệnh thần kinh ngoại biên, 20 phần trăm phát triển chứng đau thần kinh ở xa (cách xa trung tâm cơ thể).

Tư vấn chuyên môn: BS CKII Lâm Thùy Nga - Phó trưởng khoa Nội thần kinh