Đầy bụng khó tiêu là một vấn đề tiêu hóa thường gặp. Nó có thể xảy ra sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc là triệu chứng của nhiều loại bệnh tiêu hóa khác nhau. Đầy bụng khó tiêu có thể hết khi thay đổi lối sống và dùng thuốc.
Đầy bụng khó tiêu là tình trạng thường gặp
1. Đầy bụng khó tiêu là gì?
Đầy bụng khó tiêu là cảm giác căng tức, đầy trong bụng. Tình trạng này thường biến mất sau một thời gian, nhưng ở một số người, tình trạng đầy bụng khó tiêu có thể lặp đi lặp lại gây khó chịu.
Các bệnh lý tiêu hóa, thuốc, chế độ ăn uống sinh hoạt và chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra đầy bụng khó tiêu. Nếu tình trạng này không thuyên giảm, bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân.
2. Triệu chứng của đầy bụng khó tiêu
Đầy bụng khó tiêu là khi:
- Cảm giác bụng đầy hoặc lớn hơn bình thường
- Đau bụng, khó chịu ở vùng dạ dày (vùng bụng trên)
- Cảm giác nhanh no khi ăn
- Cảm giác no kéo dài lâu hơn bình thường sau bữa ăn
- Bụng kêu
- Xì hơi nhiều hơn bình thường
- Có thể buồn nôn
3. Nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu
Có nhiều nguyên nhân có thể gây đầy bụng khó tiêu.
Nguyên nhân thường gặp gây đầy bụng khó tiêu là do lối sống, thức ăn, đồ uống hoặc một số loại thuốc. Ví dụ như:
- Ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh
- Ăn thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ hoặc cay
- Uống nhiều cà phê, rượu bia hoặc đồ uống có ga
- Hút thuốc
- Tình trạng căng thẳng, lo lắng
- Một số loại kháng sinh, thuốc giảm đau và chất bổ sung sắt
Đầy bụng khó tiêu cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa như:
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm dạ dày tá tràng
- Loét dạ dày tá tràng
- Bệnh celiac
- Sỏi mật
- Táo bón
- Viêm tụy
- Ung thư dạ dày
- Tắc ruột
- Thiếu máu cục bộ đường ruột
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể bị đầy hơi khó tiêu tạm thời. Trong đó, có tới 75% phụ nữ bị đầy hơi trước và trong kỳ kinh nguyệt.
Thực phẩm nhiều chất béo có thể gây đầy bụng khó tiêu
4. Điều trị đầy bụng khó tiêu như thế nào?
Việc điều trị đầy bụng khó tiêu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Nếu nguyên nhân đến từ thói quen lối sống, chế độ ăn uống thì chỉ cần thay đổi lối sống là có thể khỏi hẳn.
Nếu thuốc bạn đang sử dụng là nguyên nhân gây ra đầy bụng khó tiêu, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị xem nó có gây ra đầy bụng khó tiêu nghiêm trọng không. Nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ thay đổi một loại thuốc khác cho bạn. Quan trọng là, đừng tự ý ngưng sử dụng thuốc mà hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước.
Nếu đầy bụng khó tiêu là do một bệnh đường tiêu hóa gây ra thì cần điều trị bệnh mới có thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng này.
a. Thay đổi lối sống
Đối với đầy bụng khó tiêu nhẹ và không thường xuyên, bạn có thể áp dụng các cách sau để hạn chế nguy cơ đầy bụng khó tiêu:
- Có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm kích thích, ví dụ như thực phẩm nhiều dầu mỡ, socola, hành, tỏi, cay… Điều này còn tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể bạn.
- Hạn chế thực phẩm có tính axit như cà chua.
- Ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước nếu bị táo bón.
- Uống nước lọc thay vì các loại nước ngọt, nước có ga, soda.
- Hạn chế caffein, rượu bia.
- Ăn chậm nhai kỹ.
- Không nên ăn quá no.
- Sau khi ăn xong nên đi lại nhẹ nhàng, không nằm xuống ngay.
- Không ăn quá no vào buổi tối muộn.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tránh mặc quần áo bó sát khi ăn.
- Không hút thuốc lá.
- Hạn chế căng thẳng, lo lắng.
Một chế độ ăn lành mạnh giúp phòng ngừa đầy bụng khó tiêu
b. Sử dụng thuốc
Loại thuốc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh của bạn. Bạn nên đi khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trong một số trường hợp bệnh nghiêm trọng, có thể phải phẫu thuật. Nhưng lý do phẫu thuật sẽ là để điều trị bệnh đường tiêu hóa của bạn, nhờ đó giảm được các triệu chứng của bệnh bao gồm tình trạng đầy bụng khó tiêu.
5. Đầy bụng khó tiêu khi nào cần đi khám bác sĩ?
Thỉnh thoảng bị đầy bụng khó tiêu nhẹ, bạn có thể kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống. Nhưng nếu bạn thường xuyên bị đầy bụng khó tiêu, đầy bụng khó tiêu kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng khác thì bạn nên đi khám.
Các triệu chứng cần lưu ý:
- Đau bụng dữ dội
- Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Chán ăn
- Nôn nhiều lần
- Nôn ra máu
- Đi ngoài phân đen
- Khó nuốt
- Mệt mỏi hoặc suy nhược
- Khó thở, đổ mồ hôi
- Đau tức ngực lan đến cánh tay, cổ, hàm