Ngoại tâm thu thất là rối loạn nhịp tim thường gặp. Ngoại tâm thu thất có thể nguy hiểm hoặc không nguy hiểm tùy vào mức độ bệnh và sự có mặt của bệnh tim kèm theo. Bài viết dưới dây cung cấp cho bạn các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ngoại tâm thu thất.
Ngoại tâm thu thất là tình trạng rối loạn nhịp tim
1. Ngoại tâm thu thất là gì?
Rối loạn nhịp tim là sự rối loạn hoạt động điện sinh học của tim, có thể xảy ra ở người bình thường, người có tổn thương thực thể tại tim hoặc do bệnh của các cơ quan khác. Trong đó, ngoại tâm thu thất là một loại rối loạn nhịp tim khá thường gặp, xảy ra do rối loạn quá trình tạo thành xung động của điện tim.
Ngoại tâm thu thất có thể xuất hiện ở một người khỏe mạnh, không có bệnh lý gì khác. Thường các trường hợp này không gây nguy hiểm. Nhưng ngoại tâm thu thất ở người có bệnh tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Từ đó, phân loại ngoại tâm thu thất thành hai dạng là:
- Ngoại tâm thu thất cơ năng: Không có bệnh tim thực tổn.
- Ngoại tâm thu thất thực tổn: Có bệnh tim thực tổn.
2. Nguyên nhân của ngoại tâm thu thất
Ngoại tâm thu thất có thể xảy ra ở những đối tượng khỏe mạnh với tỷ lệ ước tính là 1-4% dân số nói chung, hay gặp ở phụ nữ. Trong các trường hợp này, nguyên nhân của ngoại tâm thu thất là không rõ ràng (vô căn), thường lành tính. Các yếu tố nguy cơ là: rượu, cà phê, thuốc lá, nhiễm trùng, nhiễm độc, mất ngủ…
Nguyên nhân hay gặp và nguy hiểm hơn là các bệnh lý tim mạch thực tổn:
- Nhồi máu cơ tim (nguyên nhân thường gặp nhất)
- Bệnh cơ tim giãn
- Bệnh cơ tim phì đại
- Bệnh van tim (do thấp, sa van hai lá…)
- Tăng huyết áp
- Dùng các thuốc điều trị suy tim, thuốc lợi tiểu, các thuốc chống loạn nhịp…
- Rối loạn điện giải
Ngoại tâm thu thất thường gặp ở người bị nhồi máu cơ tim
3. Triệu chứng của ngoại tâm thu thất
Ngoại tâm thu thất có thể không gây ra triệu chứng gì đáng chú ý. Đa số người bệnh sẽ có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực hoặc cảm giác hẫng hụt trong ngực như thể bị bỏ lỡ mất một nhịp. Triệu chứng nặng hơn sau khi uống caffein, dễ nhận ra hơn khi đang nghỉ ngơi và thường biến mất khi tập thể dục.
Do đó, trong các trường hợp này, việc phát hiện ngoại tâm thu thất thường là ngẫu nhiên, chủ yếu là trong các lần khám sức khỏe định kỳ.
Nếu triệu chứng ngoại tâm thu thất tăng lên khi tập thể dục thì đáng lo ngại và cần chú ý hơn. Các triệu chứng khác có thể xảy ra là:
- Mệt mỏi
- Tức ngực không điển hình
- Khó thở
- Gần ngất hoặc ngất
4. Cách chẩn đoán ngoại tâm thu thất
Để chẩn đoán ngoại tâm thu thất, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng.
Qua thăm khám lâm sàng, sờ mạch và nghe tim có thể nhận thấy mạch đập không đều, có những nhát bóp rất yếu hoặc không thấy, tiếp theo là khoảng nghỉ dài hơn.
Các cận lâm sàng để chẩn đoán ngoại tâm thu thất:
- Điện tâm đồ (ECG): Xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán ngoại tâm thu thất.
- Các xét nghiệm máu cơ bản, nhất là xét nghiệm ion đồ.
- Siêu âm tim: Phát hiện tổn thương thực thể ở tim.
- Holter điện tim: Xác định các thời điểm xuất hiện và mức độ ngoại tâm thu thất.
- Nghiệm pháp đo gắng sức: Phân biệt ngoại tâm thu thất cơ năng hay thực tổn (phát hiện bệnh lý tim mạch tiềm ẩn).
Đo điện tim chẩn đoán ngoại tâm thu thất
5. Ngoại tâm thu thất có nguy hiểm không?
Đánh giá ngoại tâm thu thất nguy hiểm hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ ngoại tâm thu và sự hiện diện của bệnh tim hiện có. Ở người bình thường, ngoại tâm thu thất dường như không gây ra bất lợi đáng kể nào cho sức khỏe. Nhưng ở bệnh nhân có bệnh tim thì ngoại tâm thu thất là yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong.
Các dấu hiệu cảnh báo ngoại tâm thu thất nguy hiểm:
- Xảy ra ở người có bệnh tim thực tổn.
- Số lượng ngoại tâm thu thất nhiều.
- Ngoại tâm thu thất đi thành từng chùm hoặc nhịp đôi, nhịp ba.
- Ngoại tâm thu thất đến sớm.
- Ngoại tâm thu thất đa dạng, đa ổ.
6. Cách điều trị ngoại tâm thu thất
a. Điều trị ngoại tâm thu thất cơ năng
Ở người bình thường bị ngoại tâm thu thất thì việc dùng thuốc là không cần thiết. Điều trị bằng cách thay đổi lối sống là:
- Tập thể dục đều đặn.
- Không sử dụng các chất kích thích: caffein, rượu, thuốc lá.
- Hạn chế căng thẳng.
Tập thể dục được chứng minh là có thể giúp giảm đáng kể tần suất ngoại tâm thu và thậm chí là biến mất theo thời gian.
Nếu ngoại tâm thu thất cơ năng gây ra triệu chứng nặng như đau ngực, khó thở thì mới cần điều trị bằng thuốc, thường là thuốc chẹn beta giao cảm liều thấp.
Nếu người bệnh có các tình trạng khác gây bất lợi cho tim như thiếu máu, bất thường điện giải, bệnh tuyến giáp... thì cần được kiểm soát và điều trị.
Người bị ngoại tâm thu thất nên kiêng cà phê
b. Điều trị ngoại tâm thu thất thực tổn
Ngoại tâm thu thất ở bệnh nhân có bệnh tim sẽ làm tăng nguy cơ tử vong, do đó cần kiểm soát và điều trị cùng với các bệnh tim thực tổn. Việc lựa chọn các thuốc chống loạn nhịp sẽ dựa trên tình trạng bệnh cụ thể, mức độ suy giảm chức năng tim, tác dụng và tác dụng phụ của thuốc.
Trong trường hợp ngoại tâm thu thất mức độ nặng, thường xuyên hoặc dùng thuốc không có tác dụng thì có thể áp dụng biện pháp đôt sổ phát nhịp gây ngoại tâm thu thất bằng năng lượng tần số radio qua ống thông.
7. Cách phòng ngừa ngoại tâm thu thất
Một số trường hợp ngoại tâm thu thất không có nguyên nhân, do đó không có biện pháp phòng ngừa được tình trạng này. Tuy nhiên một lối sống lành mạnh, đặc biệt là tập thể dục thường xuyên sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Lối sống lành mạnh cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch – là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp ngoại tâm thu thất.
Những người đã bị bệnh tim mạch thực tổn cần khám tim mạch định kỳ để kịp thời phát hiện ra tình trạng ngoại tâm thu thất.
Tất cả người trưởng thành đều cần khám sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của bản thân cũng như có thể phát hiện ra các tình trạng, bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm các rối loạn nhịp tim.