RỐI LOẠN NHỊP TIM: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều. Rối loạn nhịp tim ảnh hưởng tới chức năng bơm máu của tim, bệnh có thể nhẹ hoặc rất nghiêm trọng. Hãy đi khám nếu bạn bị đánh trống ngực, chóng mặt, thoáng ngất, khó thở hay đau tức ngực.

 
Rối loạn nhịp tim là bệnh tim thường gặp

1. Rối loạn nhịp tim là gì?

Tần số nhịp tim ở người bình thường từ 60 đến 100 nhịp/phút. Tần số tim có thể chậm hơn ở người trẻ, đặc biệt là vận động viên và trong khi ngủ. Tần số tim có thể nhanh hơn khi bị sốt, gắng sức hoặc cảm xúc tâm lý căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ...

Bình thường, tim co bóp một cách nhịp nhàng, đều đặn nhờ hệ thống hình thành và dẫn truyền xung động. Bao gồm:

- Nút xoang phát xung động, dẫn truyền đến 2 buồng tâm nhĩ kích thích co bóp tống máu từ nhĩ xuống thất.

- Nút nhĩ thất dẫn truyền xung động do nút xoang tạo ra từ nhĩ xuống thất.

- Bó His theo hai nhánh trái và phải dẫn truyền xung động từ nút nhĩ thất xuống hai buồng thất.

- Sau đó, mạng Purkinje lan tỏa xung động ra toàn bộ buồng thất, kích thích cơ thất co bóp bơm máu vào động mạch chủ và động mạch phổi.

Rối loạn nhịp tim (arrhythmia) xảy ra khi có rối loạn hình thành xung động, rối loạn dẫn truyền xung động hoặc cả hai, làm cho nhịp tim nhanh hơn, chậm hơn, thất thường hoặc không đều. Rối loạn nhịp tim sẽ làm tim bơm máu không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động của phổi, não và các cơ quan khác, thậm chí có thể gây ngừng tim đột ngột.

Rối loạn nhịp tim có nhiều loại, gặp ở người có bệnh lý nền và ngay cả người khỏe mạnh. Một người có thể cùng lúc gặp nhiều loại rối loạn nhịp tim, cũng có thể chuyển từ rối loạn nhịp tim này sang rối loạn nhịp tim khác.

Rối loạn nhịp tim không phải lúc nào cũng cần điều trị, tùy vào tình trạng và mức độ bệnh bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn phù hợp.

2. Một số loại rối loạn nhịp tim thường gặp

Dưới đây là một số loại rối loạn nhịp tim thường gặp:

- Rung nhĩ

- Nhịp nhanh xoang

- Nhịp chậm xoang

- Nhanh nhĩ kịch phát trên thất

- Ngoại tâm thu nhĩ

- Ngoại tâm thu thất

- Hội chứng WPW (Wolf-Parkinson-White)

- Cuồng nhĩ

- Rung thất

- Hội chứng yếu nút xoang

- Block xoang nhĩ

- Block nhĩ – thất 

- Block nhánh

Trong đó, rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất.

 
Rối loạn nhịp tim là rối loạn hoạt động điện sinh học của tim

3. Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim?

Nhiều trường hợp bị rối loạn nhịp không biết rõ nguyên nhân.

Một số yếu tố nguy cơ thể làm phát triển rối loạn nhịp tim chức năng như:

- Rối loạn tâm lý

- Lao động gắng sức

- Liên quan đến ăn uống

- Hút thuốc lá

- Uống rượu bia

- Sử dụng caffein

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do tổn thương thực thể tại tim như:

- Thiếu máu cơ tim

- Nhồi máu cơ tim

- Bệnh cơ tim

- Bệnh van tim

- Bệnh tim bẩm sinh

Một số tình trạng khác cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim là:

- Bệnh lý tuyến giáp

- Viêm phổi – phế quản cấp tính/ mạn tính

- Thiếu máu

- Rối loạn cân bằng toan – kiềm

- Rối loạn điện giải

- Do một số loại thuốc

Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim cũng có thể gây ra rối loạn nhịp tim. 

4. Ai có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim

Bất kỳ ai cũng có thể bị rối loạn nhịp tim, nhưng nguy cơ cao hơn ở một số đối tượng là:

- Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, van tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh cơ tim, viêm nội tâm mạc, bệnh tim bẩm sinh.

- Bệnh hô hấp: ngưng thở khi ngủ, bệnh phổi mạn.

- Bệnh tuyến giáp: suy giáp hay cường giáp.

- Mất cân bằng điện giải.

- Bệnh thận.

- Đái tháo đường.

- Rối loạn lipid máu.

- Thừa cân béo phì.

- Lạm dụng rượu.

- Hút thuốc lá.

- Sử dụng chất gây nghiện khác.

- Căng thẳng mạn tính.

- Tiền sử gia đình bị rối loạn nhịp.

- Lớn tuổi.

 
Uống cà phê có thể kích hoạt cơn loạn nhịp tim

Một số yếu tố sau có thể kích hoạt một cơn loạn nhịp tim:

- Hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết.

- Sử dụng caffein.

- Sử dụng ma túy và một số chất kích thích khác.

- Mất nước.

- Mức độ điện giải thấp.

- Hoạt động gắng sức.

- Cảm xúc căng thẳng, lo lắng, tức giận, đau đớn, sốc.

- Nôn hoặc ho.

5. Triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Triệu chứng rối loạn nhịp tim ở mỗi người không giống nhau, nó phụ thuộc vào từng loại rối loạn nhịp tim và bệnh gây ra rối loạn nhịp.

Một số triệu chứng thường gặp:

- Cảm giác hồi hộp, lo lắng

- Đánh trống ngực: cảm giác tim đập mạnh, hẫng một nhịp, tim ngưng vài giây hoặc đập lúc nhanh lúc chậm

- Cảm giác hụt hơi

- Tức ngực

- Cảm thấy mệt

Nếu bạn bị đánh trống ngực kèm theo một yếu tố dưới đây, bạn nên đi khám ngay:

- Đánh trống ngực kéo dài

- Chóng mặt hoặc thoáng ngất

- Khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc lưng

- Sút cân, mệt mỏi kéo dài

- Đau đầu, vã mồ hôi

- Mới sử dụng một loại thuốc nào đó

Có một số trường hợp rối loạn nhịp tim, bản thân người bệnh không nhận thấy được vì không có triệu chứng hoặc triệu chứng không gây chú ý; và chỉ được phát hiện khi đo điện tâm đồ. Một số khác thì có triệu chứng dồn dập, thậm chí là phải cấp cứu do rối loạn huyết động nặng nề. Ví dụ: nhịp nhanh thất, rung thất, block nhĩ thất cấp 3, yếu nút xoang…

 
Chẩn đoán rối loạn nhịp tim bằng máy đo holter 24h

6. Các xét nghiệm chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Chẩn đoán rối loạn nhịp tim dựa vào khám lâm sàng và cận lâm sàng. Thông thường, qua khám lâm sàng bác sĩ có thể nhận ra loại rối loạn nhịp tim là nhịp nhanh, chậm hay không đều. Nhưng để chẩn đoán được cụ thể thì cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng.

Trong đó, điện tâm đồ (ECG) là xét nghiệm rất quan trọng trong chẩn đoán rối loạn nhịp tim, cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn nhịp.

Nhưng điện tâm đồ chỉ có thể đo được loạn nhịp tim ngay thời điểm mà nó đang diễn ra. Do đó, trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ có rối loạn nhịp nhưng không đo được trên điện tâm đồ, hoặc cần đánh giá toàn diện hơn thì cần đến các thiết bị theo dõi nhịp tim, phổ biến nhất là máy đo Holter 24h/48h. Người bệnh sẽ đeo máy đo Holter trên người để ghi điện tâm đồ liên tục trong 24 tiếng hoặc 48 tiếng để phát hiện các rối loạn nhịp thoáng qua, rối loạn nhịp không có triệu chứng trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng khác như: xét nghiệm máu, nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch hô hấp (CPET), thăm dò điện sinh lý tim (EPS), nghiệm pháp bàn nghiêng (Tilt-table test), siêu âm tim, chụp CT, MRI…

7. Điều trị rối loạn nhịp tim như thế nào?

Nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không cần điều trị. Nếu rối loạn nhịp tim không đáng kể về mặt lâm sàng – nghĩa là không ảnh hưởng hoạt động bình thường của tim, không gây ra các triệu chứng, không có nguy cơ bị rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn và không có nguy cơ gây ra biến chứng trong tương lai, thường chỉ cần thay đổi lối sống và theo dõi định kỳ. 

Nếu rối loạn nhịp tim bất thường và có ý nghĩa lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị. Vì trong các trường hợp này, nếu không điều trị, rối loạn nhịp tim có thể làm tổn thương tim, não hoặc các cơ quan khác; có thể dẫn đến đột quỵ, suy tim hoặc ngừng tim đe dọa tính mạng.

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim được áp dụng phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim, mức độ nghiêm trọng, các bệnh lý đồng mắc và thể trạng của người bệnh.

Mục đích của điều trị rối loạn nhịp tim là:

- Giảm các triệu chứng do rối loạn nhịp gây ra.

- Kiểm soát hoặc khôi phục nhịp bình thường.

- Điều trị các bệnh lý/tình trạng gây ra rối loạn nhịp tim.

- Ngăn ngừa hình thành cục máu đông để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.

- Giảm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim và đột quỵ.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

- Thay đổi lối sống

- Sử dụng thuốc

- Sốc điện

- Triệt đốt rối loạn nhịp

- Phẫu thuật điều trị

- Cấy ghép máy khử rung, máy tạo nhịp

Khi điều trị rối loạn nhịp tim, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng hoặc giảm bất kỳ loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc, cần quay lại tái khám để thay đổi một loại thuốc khác. Ngoài ra, người bệnh cần kiêng caffeine, thuốc lá, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và hạn chế căng thẳng, lo lắng.

 
Điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc

8. Biến chứng của rối loạn nhịp tim

Một số rối loạn nhịp tim nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tim, não, bao gồm:

- Ngừng tim: Rối loạn nhịp tim có thể khiến tim ngừng đập đột ngột.

- Suy tim: Rối loạn nhịp tim lặp đi lặp lại gây ra bệnh cơ tim, có thể dẫn đến suy tim. Suy tim là tình trạng nghiêm trọng khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

- Các vấn đề suy nghĩ và trí nhớ: Những người bị rối loạn nhịp tim có nguy cơ bị sa sút trí tuệ. Điều này có thể do rối loạn nhịp tim làm giảm lưu lượng máu đến não.

- Đột quỵ: Một số rối loạn nhịp tim như rung nhĩ rất dễ hình thành cục máu đông. Cục máu đông di chuyển theo dòng máu lên não có thể gây ra đột quỵ.

- Một rối loạn nhịp tim khác: Một người bị một rối loạn nhịp tim qua thời gian có thể kích hoạt một loại rối loạn nhịp tim khác.

9. Cách phòng ngừa rối loạn nhịp tim

Bạn có thể phòng ngừa rối loạn nhịp tim bằng cách có lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của rối loạn nhịp tim:

- Kiểm soát huyết áp, lipid máu, đường huyết.

- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.

- Có chế ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ quả, cá; hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa, đường, muối.

- Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc lá.

- Uống rượu bia điều độ.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Kiểm soát căng thẳng, lo lắng.

- Điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần nếu có.

Nếu bạn có các triệu chứng của rối loạn nhịp tim, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, cần khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện ra các yếu tố nguy cơ tim mạch, cũng như phát hiện rối loạn nhịp tim không có triệu chứng nếu có.