Viêm loét đại trực tràng chảy máu là tình trạng lớp niêm mạc đại tràng (ruột già) và trực tràng bị viêm loét. Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Dưới đây là một số cách để giảm nhẹ các cơn đau do viêm loét đại tràng bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu
1. Triệu chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì?
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một dạng của bệnh viêm ruột (IBD). Một tình trạng gây viêm ruột khác là bệnh Crohn.
Viêm loét đại trực tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở tuổi 15-30 và tuổi 50-70. Bệnh tiến triển mạn tính, luôn có tổn thương tại trực tràng và tổn thương có thể xảy ra trên toàn bộ đại tràng theo thời gian.
Khoảng một nửa số người bị viêm loét đại trực tràng có triệu chứng nhẹ. Triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng và chảy máu phát hiện ra khi có máu trong phân.
Vị trí đau sẽ phụ thuộc vào mức độ và vị trí viêm loét đại trực tràng. Cơn đau có thể bao gồm đau quặn bụng, hoặc đau từ nhẹ đến nặng ở bụng và trực tràng. Cơn đau có thể kéo dài hoặc giảm dần khi tình trạng viêm thuyên giảm.
Trong các đợt thuyên giảm, các triệu chứng giảm hoặc biến mất hoàn toàn. Mức độ đau nặng hơn có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh đang bùng phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng khác có thể gặp phải ở người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu là:
- Phân nhầy máu
- Đau khớp, viêm khớp, loãng xương
- Ban đỏ nút, loét miệng, viêm mủ da
- Mệt mỏi
- Giảm cân
- Ăn mất ngon
- Thể nặng có thể sốt, thiếu máu, gầy, xanh
- Trẻ em chậm dậy thì
Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét đại trực tràng chảy máu
Chỉ dựa vào triệu chứng không thể khẳng định chẩn đoán. Bạn cần đi khám để được chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi đại tràng, sinh thiết hoặc chẩn đoán hình ảnh.
Các trường hợp viêm loét đại trực tràng chảy máu nhẹ có thể kiểm soát được bằng thuốc và thay đổi lối sống. Trong khi các trường hợp nặng cần phải phẫu thuật cắt đại tràng để điều trị.
2. Cách giảm các cơn đau do viêm loét đại trực tràng chảy máu
Bất kỳ ai bị viêm loét đại tràng cũng cần đi khám bác sĩ. Và các phương pháp giảm đau sẽ do bác sĩ quyết định.
a. Thuốc điều trị triệu chứng và chống viêm
Nếu bạn bị đau nhẹ, các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol) có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng không nên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ibuprofen, aspirin hay naproxen.
Viêm là nguyên nhân gây ra hầu hết các cơn đau trong bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu. Thuốc chống viêm sẽ giúp bạn giảm nhẹ và hạn chế các cơn đau do viêm loét đại trực tràng.
Có nhiều loại thuốc chống viêm, phổ biến là corticosteroid dạng viên uống, thuốc thụt hậu môn hay tiêm tĩnh mạch. Hầu hết các loại thuốc chống viêm này đều gây ra các tác dụng phụ khác nhau. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng sau khi đã được thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ.
Bạn cần hiểu rằng loại thuốc chống viêm và cách sử dụng sẽ phụ thuộc vào vị trí đại tràng bị viêm loét và mức độ đau của bạn, cũng như bạn cần thử loại thuốc để tìm ra loại nào phù hợp nhất với triệu chứng của mình.
Sử dụng thuốc giúp giảm cơn đau viêm loét đại trực tràng chảy máu
b. Thay đổi chế độ ăn uống
Người bị viêm loét đại tràng cần bổ sung đủ nước và chất điện giải, đặc biệt là kali. Mỗi ngày cần uống ít nhất 1,8-2 lít nước.
Chế độ ăn không gây ra viêm loét, nhưng một số loại thực phẩm có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn nên lưu ý và ghi chú lại bất kỳ loại thực phẩm kích thích nào mà bạn gặp phải.
Một số loại thực phẩm thường gây kích thích viêm loét đại trực tràng là:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Thực phẩm giàu chất béo như đồ chiên, rán, thịt bò hay các món tráng miệng nhiều đường, nhiều chất béo.
- Thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, thức ăn nhanh.
- Thực phẩm giàu chất xơ.
- Các loại rau tạo khí như súp lơ xanh, súp lơ trắng, bắp cải.
- Thực phẩm cay.
- Đồ uống có cồn hoặc caffein.
- Nước ngọt có ga.
Bạn có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì chỉ ăn ba bữa lớn.
c. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng là tác nhân phổ biến gây tái phát viêm loét đại trực tràng chảy máu. Kiểm soát và giảm căng thẳng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng đau và viêm, đồng thời giúp giảm bớt tần suất xuất hiện các triệu chứng.
Bạn có thể kiểm soát căng thẳng bằng cách:
- Đi dạo, hít thở sâu ở nơi có không khí trong lành.
- Tập yoga hoặc thiền.
- Tập thể dục.
- Nghe nhạc, đọc sách, trồng cây, chơi với thú cưng hoặc tham gia bất kỳ hoạt động nào mà bạn yêu thích.
- Tắm, mát xa.
- Lên kế hoạch công việc trong ngày và lần lượt giải quyết từng việc, tránh chồng chéo việc lên nhau.
- Làm việc kết hợp với nghỉ ngơi.
- Không nên tự tạo áp lực cho bản thân.
Kiểm soát căng thẳng để giảm nhẹ cơn đau viêm loét đại trực tràng
d. Phẫu thuật
Trong các trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật là cách tốt nhất để điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu. Tùy vào vị trí và phạm vi tổn thương mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp tương ứng như:
- Cắt toàn bộ đại tràng, đưa trực tràng ra thành bụng làm hậu môn nhân tạo.
- Cắt đại tràng, nối hồi tràng – hậu môn.
- Cắt đại tràng, nối hồi tràng – trực tràng.
- Cắt toàn bộ đại trực tràng, đưa hồi tràng ra thành bụng làm hậu môn nhân tạo.
Phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp viêm loét đại trực tràng chảy máu gây biến chứng cấp cứu, việc điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc để dự phòng ung thư đại tràng.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một tình trạng mạn tính nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà nếu không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng như: giãn, thủng đại tràng, thiếu máu, nhiễm trùng máu, trẻ em chậm dậy thì. Biến chứng diễn tiến nhất là nguy cơ ung thư hóa, xảy ra ở những người bị viêm đại tràng trên 10 năm.
Nếu bạn có các triệu chứng của viêm loét đại tràng, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán, tư vấn thay đổi lối sống và áp dụng các phương pháp điều trị sớm.