NỘI SOI ĐẠI TRÀNG LÀ GÌ?

Nội soi đại tràng là thủ thuật mà bác sĩ sử dụng một ống nội soi để kiểm tra bên trong đại tràng và trực tràng. Nội soi đại tràng được thực hiện để thăm khám đường tiêu hóa dưới, phát hiện các tình trạng  viêm, chảy máu, polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

 
Nội soi đại tràng sử dụng ống soi thăm khám

1. Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng (colonoscopy) sử dụng một ống soi dài, nhỏ, linh hoạt có gắn máy quay và đèn ở phần đầu, đưa vào đại trực tràng qua đường hậu môn.

Nội soi đại trực tràng kiểm tra các tổn thương, bất thường tiềm ẩn bao gồm ung thư đại trực tràng và polyp. Thủ thuật này cũng giúp tìm nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường ruột như chảy máu, thay đổi nhu động ruột hoặc các vấn đề khác…

Bạn cần uống thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột trước khi thực hiện nội soi đại tràng.

2. Tại sao phải nội soi đại tràng? Ai cần nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng là cách hiệu quả nhất để phát hiện, chẩn đoán các bệnh lý đại trực tràng và để tầm soát ung thư đại trực tràng.

a. Nội soi đại tràng để tìm kiếm nguyên nhân gây ra triệu chứng đường tiêu hóa dưới

Nội soi đại trực tràng có thể được thực hiện nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý đại trực tràng như:

- Thay đổi thói quen đi ngoài.

- Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.

- Cảm giác không đi tiêu hết hoặc luôn cảm giác muốn đi tiêu mặc dù ruột rỗng.

- Đi tiêu ra máu, có máu trong phân hoặc phân có màu đen.

Thường xuyên đầy hơi, chướng bụng, đầy bụng.

- Thiếu máu không rõ nguyên nhân.

- Sụt cân không rõ nguyên nhân.

 
Nội soi đại tràng chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa dưới

b.Nội soi đại tràng để tìm dấu hiệu bệnh đường ruột

Các tình trạng và bệnh đường ruột thường gặp được phát hiện qua nội soi như:

- Bệnh viêm ruột (IBD): Viêm loét đại trực tràng chảy máu (viêm loét đại tràng) và bệnh Crohn

- Viêm túi thừa

- Thiếu máu cục bộ đường ruột, viêm đại tràng thiếu máu cục bộ

- Loét, thủng ruột

- Tắc ruột

- Ung thư đại tràng

- Ung thư trực tràng

c. Nội soi đại tràng để kiểm tra polyp ở đại trực tràng

Hầu hết các polyp đại trực tràng không nguy hiểm, nhưng một số polyp (đặc biệt là polyp biểu mô tuyến dạng ống và nhung mao) có thể phát triển như một khối u lành tính trước khi trở thành ung thư. Nội soi đại tràng là biện pháp duy nhất thực sự hiệu quả để ngăn ngừa ung thư đại tràng bằng cách phát hiện, theo dõi và điều trị polyp trong quá trình nội soi.

d. Nội soi đại tràng để tầm soát ung thư đường tiêu hóa dưới

Các triệu chứng ban đầu của ung thư đại trực tràng mơ hồ giống như bệnh tiêu hóa thông thường khiến nhiều người chỉ được chẩn đoán khi ung thư đã tiến triển.

Tầm soát ung thư đại trực tràng được khuyến nghị ở những người không có triệu chứng ung thư. Những người trên 45 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng hoặc sớm hơn ở những người có yếu tố nguy cơ như:

- Tổn thương có nguy cơ phát triển thành ung thư: bệnh viêm ruột, polyp đại tràng.

- Hội chứng di truyền: Lynch, Peutz-Jeghers, Gardner, bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP).

- Tiền sử gia đình (cha, mẹ, anh, chị, em) bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

Có các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp X quang… cũng có thể chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Thế nhưng hiện nay, chỉ có nội soi mới là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện ung thư giai đoạn đầu hoặc các tổn thương tiền ung thư để điều trị sớm như polyp và bệnh viêm ruột

 
Nội soi đại tràng tầm soát ung thư đại trực tràng

3. Nội soi đại tràng có đau không?

Khác với nội soi dạ dày không gây đau, nội soi đại tràng sẽ khó chịu hơn. Một số người chịu đau kém có thể sẽ cảm thấy rất đau khi nội soi đại tràng. Phần lớn các trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện nội soi không đau để tăng tính hiệu quả, an toàn và thoải mái.

Nội soi đại trực tràng không đau là nội soi có gây mê toàn thân. Bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình nội soi, nhờ vậy sẽ không cảm thấy đau hay khó chịu gì cả. Nhiều người sau khi tỉnh lại thậm chí còn không có cảm giác mình đã nội soi, giống như chỉ ngủ một giấc ngắn.

Nếu bạn quá lo lắng hoặc sợ đau thì bạn nên thực hiện nội soi đại tràng không đau (gây mê).

4. Nội soi đại tràng có an toàn không, có rủi ro nào không?

Nội soi đại trực tràng là một thủ thuật an toàn. Một số rủi ro hiếm gặp là:

- Chảy nhiều máu khi cắt polyp hoặc sinh thiết.

- Rách, thủng ruột: Thường xảy ra do người bệnh không hợp tác, phản ứng dữ dội làm ống soi cọ vào thành ruột.

- Phản ứng với thuốc gây mê: Bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê trước đó.

- Nhiễm trùng là rất hiếm gặp.

Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ có biện pháp xử trí kịp thời, vì vậy bạn có thể yên tâm.

 
Nội soi đại tràng an toàn và hiệu quả

5. Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi đại tràng?

Trước khi nội soi đại trực tràng 1-3 ngày, bạn nên ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ít chất xơ, ít dầu mỡ để tránh táo bón. Nên ăn lỏng vào buổi tối trước ngày nội soi.

Nên uống nhiều nước có màu trong như nước lọc, cà phê, trà, thức uống thể thao không có màu, nước ép trái cây không hạt. Tránh uống đồ uống có màu đỏ hoặc tím.

Tốt nhất là nên đi nội soi vào sáng sớm sau khi đã nhịn đói cả đêm. Thuốc nhuận tràng (thuốc xổ) để làm sạch ruột sẽ được cấp trước đó để bạn sử dụng vào buổi tối trước ngày nội soi, hoặc được cấp ngay trong ngày nội soi. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn.

Sau khi uống thuốc xổ, bạn sẽ bị tiêu chảy vài giờ và cần ít nhất 4-5 tiếng kể từ khi uống thuốc mới có thể tiến hành nội soi.
Trước khi nội soi đại tràng 2 giờ, nên ngừng uống nước.
Ngoài ra, nhớ thông báo cho bác sĩ các loại thuốc bạn đang sử dụng, nhất là thuốc chống đông máu, bạn đang mang thai, có bệnh tim phổi hoặc bạn có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê.

6. Quy trình nội soi đại tràng diễn ra như thế nào?

Quá trình nội soi đại trực tràng kéo dài trong 30-60 phút tùy vào trường hợp và tùy vào việc bạn có phải thực hiện thủ thuật nào khác không. 

Quy trình nội soi đại tràng sẽ diễn ra như sau:

- Thay áo choàng của bệnh viện để thuận tiện cho việc nội soi.

- Nằm lên bàn khám, nghiêng một bên, co đầu gối về phía ngực. 

- Nếu nội soi không đau, nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc gây mê vào tĩnh mạch cánh tay. Sau khi gây mê sẽ bắt đầu tiến hành nội soi.

- Ống nội soi được đưa nhẹ nhàng qua hậu môn, di chuyển qua trực tràng cho đến hết đại tràng.

- Có thể cần bơm không khí vào để ruột phồng lên dễ quan sát. Bác sĩ quan sát hình ảnh đại trực tràng qua màn hình giám sát. 

- Sinh thiết hoặc cắt polyp sẽ được tiến hành cùng lúc.

- Bác sĩ sẽ quan sát hai lần khi đưa ống soi vào và khi kéo ống nội soi ra ngoài.

Sau khi kéo ống soi ra, quá trình nội soi kết thúc.

 
Cắt polyp đại trực tràng trong quá trình nội soi đại tràng

7. Lưu ý sau khi nội soi đại tràng

Sau khi nội soi đại trực tràng xong, bạn có thể hoạt động và ra về ngay. Ngày hôm đó, bạn nên uống nhiều nước, có chế độ ăn nhẹ nhàng, tránh rượu bia, nước ngọt, thực phẩm chua cay, dầu mỡ. 

Nếu nội soi gây mê, bạn sẽ được đưa vào phòng chờ để nghỉ ngơi và theo dõi ít nhất 30 phút. Bạn cần có người nhà đi cùng để đưa về vì tác dụng kéo dài của thuốc gây mê có thể khiến bạn bị buồn ngủ và khó tập trung.

Các triệu chứng đau bụng nhẹ, đầy hơi hoặc chảy một ít máu (trong trường hợp có cắt polyp hoặc sinh thiết) là bình thường. Nhưng nếu các triệu chứng này kéo dài quá 24 giờ hoặc bạn gặp các triệu chứng khác như sốt, đau bụng dữ dội, mệt mỏi nghiêm trọng, nôn mửa… thì hãy quay lại tái khám.

8. Nội soi đại tràng tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1

Nội soi  là một trong những thế mạnh của Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và thiết bị nội soi hiện đại giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, không bỏ sót tổn thương, điều trị tốt các bệnh lý đại trực tràng.

Trước đó, bạn sẽ được bác sĩ thăm khám để chỉ định nội soi đại tràng. Bạn có thể lựa chọn nội soi thường hoặc nội soi không đau.