Ý NGHĨA CỦA XÉT NGHIỆM YẾU TỐ DẠNG THẤP (RF)

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) là xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhưng một người có yếu tố dạng thấp không phải lúc nào cũng do bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của xét nghiệm này.

 
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF

1. Xét nghiệm RF là gì?

Xét nghiệm RF là xét nghiệm đo yếu tố dạng thấp (Rheumatoid Factor) trong máu. Yếu tố dạng thấp hay yếu tố thấp là các globulin miễn dịch được cơ thể sản xuất để chống lại các globulin miễn dịch “bị biến đổi” thuộc tuýp IgG.

Mức độ RF trong máu cao thường liên quan đến các bệnh tự miễn, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Nhưng đôi khi RF cũng được phát hiện ở người khỏe mạnh. Và đôi khi những người mắc bệnh tự miễn vẫn có mức RF trong máu bình thường.

2. Khi nào cần xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF

Xét nghiệm RF là một xét nghiệm hữu ích trong chẩn đoán và ước tính mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Một số triệu chứng của viêm khớp dạng thấp:

- Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ;

- Sưng, viêm ở nhiều vùng khớp;

- Tình trạng viêm khớp từ không đối xứng thành đối xứng hai bên cơ thể;

- Thường ảnh hưởng khớp nhỏ ở bàn tay;

Tuy vậy, chỉ riêng xét nghiệm RF không thể chẩn đoán xác định hay loại trừ bệnh viêm khớp dạng thấp. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm: Tốc độ máu lắng (ESR), Protein phản ứng C (CRP), kháng thể kháng pedtid citrullin vòng (CCP)…

Mặc dù điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm RF máu nhưng xét nghiệm này ít khi được sử dụng để theo dõi trong quá trình điều trị.

Ngoài ra, xét nghiệm RF cũng được sử dụng trong một số bệnh khác của mô liên kết, bệnh lý tự miễn dịch và trong các nhiễm trùng mạn tính.

3. Thực hiện xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF như thế nào?

 
Xét nghiệm máu RF trong bệnh viêm khớp dạng thấp

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp được thực hiện như những xét nghiệm máu khác. Nhân viên y tế sẽ dùng kim tiêm lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay. Quá trình này thường chỉ mất vài phút. Mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Xét nghiệm tiến hành trên huyết thanh và thường không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

4. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF

Kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF được báo cáo dương tính hoặc âm tính. Số tham chiếu được cung cấp để chỉ ra mức RF trong máu, giá trị bình thường < 60U/mL. Giá trị này có thể khác nhau tùy theo cơ sở y tế và phương pháp xét nghiệm. 

Kết quả dương tính chỉ ra rằng cơ thể đang sản xuất yếu tố dạng thấp cao hơn mức bình thường. Nếu RF chỉ tăng nhẹ thì xét nghiệm ít có giá trị lâm sàng hơn. Nhưng khi mức RF trong máu tăng cao đến rất cao thì lại rất hiệu quả để hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng.

Trong một số trường hợp, người khỏe mạnh khi xét nghiệm RF có kết quả dương tính. Tỷ lệ này khoảng 3-5%, thường gặp hơn ở người cao tuổi.

Kết quả âm tính cho thấy có ít hoặc không có RF trong máu. Nhưng đôi khi một người bị bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp lại có kết quả RF bình thường. Vì vậy xét nghiệm RF ít khi được sử dụng đơn lẻ mà cần xem xét cùng triệu chứng và kết quả các xét nghiệm khác để xác định hoặc loại trừ chẩn đoán.

5. Các bệnh lý có thể có RF dương tính

RF thường gặp nhất trong bệnh viêm khớp dạng thấp với khoảng 50-75% bệnh nhân có RF dương tính. RF cũng có thể dương tính trong các bệnh tự miễn khác như:

- Hội chứng Sjogren tiên phát

- Bệnh mô liên kết hỗn hợp

- Viêm đa cơ, viêm da cơ

- Xơ cứng bì

- Các bệnh viêm mạch hệ thống

- Viêm nút đa động mạch

- Xơ gan ứ mật tiên phát

RF có thể dương tính trong các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính như:

- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

- Lao, bệnh phong, giang mai

- Viêm gan B,C

- Các bệnh nhiễm virus khác

- Nhiễm ký sinh trùng

Ngoài ra, RF cũng có thể dương trong các bệnh: sarcoid, xơ phổi tiên phát, nhiễm silicon và các bệnh ác tính.