1. Xét nghiệm tốc độ máu lắng (VS) là gì?
Xét nghiệm tốc độ máu lắng (VS) hay còn gọi là xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu kiểm tra và theo dõi một số tình trạng liên quan đến viêm như viêm khớp, ung thư, bệnh tự miễn hoặc nhiễm trùng.
Tốc độ máu lắng, tên Tiếng Pháp là Vitesse de Sédimentation (VS), tên Tiếng Anh là Erythrocyte Sediment Rate (ESR), là tốc độ lắng của hồng cầu xuống dưới đáy của một ống nghiệm có chứa mẫu máu trong 1-2 giờ.
Viêm là một phản ứng tự nhiên của cơ thể với vết thương hay nhiễm trùng. Xét nghiệm tốc độ máu lắng nhận biết dấu hiệu viêm.
Thông thường các tế bào hồng cầu lắng xuống tương đối chậm. Khi xảy ra tình trạng viêm, sự gia tăng bất thường của các protein trong máu làm cho tế bào hồng cầu kết tụ lại với nhau và có tốc độ lắng nhanh hơn các tế bào máu đơn lẻ. Các tế bào máu lắng càng nhanh thì khả năng bị viêm càng cao.
Xét nghiệm tốc độ máu lắng VS không phải là một xét nghiệm chẩn đoán độc lập, nhưng nó có ý nghĩa trong việc đánh giá một số tình trạng liên quan đến viêm như bệnh mạn tính, rối loạn tự miễn hoặc một số bệnh lý khác.
2. Xét nghiệm tốc độ máu lắng (VS) để làm gì?
Xét nghiệm kiểm tra tốc độ máu lắng được sử dụng để xác định sự hiện diện của tình trạng viêm, từ đó hỗ trợ tầm soát và chẩn đoán một số tình trạng như:
- Tình trạng nhiễm trùng (bao gồm nhiễm trùng xương, nhiễm trùng tim, nhiễm trùng phổi…)
- Nhiễm nấm hay ký sinh trùng
- Viêm mạch máu
- Đau đa cơ do thấp khớp
- Viêm khớp dạng thấp (RA)
- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
- Bệnh viêm ruột (IBD)
- Một số loại ung thư
- …
Xét nghiệm tốc độ máu lắng có thể được chỉ định khi có các triệu chứng của tình trạng viêm khớp hoặc bệnh viêm ruột (IBD) như:
- Đau khớp hoặc cứng khớp kéo dài hơn 30 phút
- Nhức đầu liên quan đến vai gáy
- Sụt cân không rõ lý do
- Đau ở xương chậu, cổ hoặc vai
- Có các triệu chứng tiêu hóa: tiêu chảy, đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu hoặc sốt.
Xét nghiệm VS còn được sử dụng để theo dõi và đánh giá tình trạng nhiễm trùng, bệnh lý ác tính (nhồi máu cơ tim, sốt thấp cấp…) hoặc bệnh tự miễn đã được xác định. Chỉ số máu lắng dần trở lại mức bình thường cho thấy việc điều trị có hiệu quả và bệnh lý đang được cải thiện.
Đôi khi chỉ số tốc độ máu lắng giảm có thể là dấu hiệu của một số tình trạng như:
- Đa hồng cầu
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Tăng bạch cầu
- Suy tim sung huyết
- Giảm protein fibrinogen trong máu
- Tăng độ nhớt máu
3. Ý nghĩa của xét nghiệm tốc độ máu lắng (VS)
Xét nghiệm tốc độ máu lắng cần kết hợp với các xét nghiệm khác để chẩn đoán
Kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng được tính bằng milimét (mm) các tế bào hồng cầu trong 1 giờ. Phạm vi tốc độ bình thường là < 20 mm/giờ ở nam giới và < 30mm/giờ ở nữ giới. Cụ thể:
- Nam giới dưới 50 tuổi: <15mm/giờ
- Nam giới trên 50 tuổi: <20mm/giờ
- Phụ nữ dưới 50 tuổi: <20mm/giờ
- Phụ nữ trên 50 tuổi: <30mm/giờ
- Trẻ em: <13 mm/giờ
Ngưỡng trên có thể thay đổi tùy vào phương pháp đo của cơ sở y tế khác nhau.
Không phải lúc nào kết quả bất thường cũng cho thấy có bệnh lý cần điều trị. Một số yếu tố có thể làm cho tốc độ máu lắng cao hơn như:
- Tuổi tác cao
- Có kinh nguyệt
- Mang thai
- Thiếu máu
- Sử dụng một số loại thuốc như: thuốc tránh thai, aspirin, vitamin A, cortisone hoặc quinine.
Xét nghiệm tốc độ máu lắng VS chỉ cho biết có tình trạng viêm trong cơ thể nhưng không cho biết vị trí hay nguyên nhân gây ra nó. Do đó, cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu và hình ảnh khác để đưa ra chẩn đoán cụ thể.
4. Cách thực hiện xét nghiệm tốc độ máu lắng VS
Xét nghiệm tốc độ máu lắng là một xét nghiệm đơn giản, thực hiện bằng cách lấy máu từ tĩnh mạch trên cánh tay. Máu được chứa trong lọ thủy tinh và đưa vào phòng thí nghiệm để đo tốc độ lắng của máu.
Đây là một xét nghiệm an toàn có rất ít rủi ro, các vấn đề thường gặp là có cảm giác châm chích, đau, sưng nhẹ, bầm tím và chảy máu. Quá trình lấy máu mất ít hơn 5 phút và không cần nhịn ăn.