Xét nghiệm sắt huyết thanh là phương pháp đo lượng sắt trong máu để kiểm tra tình trạng thiếu sắt hoặc thừa sắt. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh giúp chẩn đoán và điều trị bất kỳ tình trạng sức khỏe nào có thể dẫn đến thiếu máu.
Sắt là một thành phần thiết yếu của cơ thể
1. Xét nghiệm sắt huyết thanh là gì?
Sắt là một thành phần thiết yếu trong cơ thể, có chức năng vận chuyển oxy tới các mô và tham gia gián tiếp vào quá trình hô hấp. Cơ thể có quá nhiều sắt hoặc thiếu sắt đều có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Xét nghiệm sắt huyết thanh là một xét nghiệm định lượng sắt có trong huyết thanh. Huyết thanh là huyết tương đã loại bỏ các chất chống đông.
Thông qua xét nghiệm sắt huyết thanh có thể biết được nồng độ sắt trong máu thấp hoặc cao bất thường. Xét nghiệm này thường được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng thiếu máu hoặc một xét nghiệm khác (như công thức máu toàn phần) cho kết quả bất thường.
2. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh
a. Kết quả bình thường
Nồng độ sắt huyết thanh bình thường sẽ khác nhau tùy theo giới tính, độ tuổi và thời điểm lấy máu. Phạm vi tham khảo là:
- Nam: 70-190 μg/dL (hay 12,5 – 34,1 μmol/L).
- Nữ: 60-190 μg/dL (hay 10,7 – 34,1 μmol/L).
Tùy vào phương pháp thử nghiệm và đơn vị đo mà giá trị tham chiếu tại các phòng thí nghiệm có thể khác nhau.
b. Kết quả bất thường
Nồng độ sắt huyết thanh tăng có thể liên quan đến một số tình trạng sau:
- Thiếu máu tán huyết hay bệnh tan máu tự miễn;
- Bệnh lý gan như viêm gan, xơ gan, suy gan;
- Bệnh hemosiderosis.
- Ngộ độc sắt (sử dụng quá liều chất bổ sung sắt);
- Truyền máu thường xuyên.
- Bệnh thiếu máu bất sản.
- Ngộ độc chì.
- Thiếu máu ác tính Biermer.
- Bệnh đa hồng cầu.
Nồng độ sắt huyết thanh giảm có thể do một số nguyên nhân sau:
- Chế độ ăn thiếu sắt.
- Rối loạn chuyển hóa sắt.
- Chảy máu đường tiêu hóa.
- Chảy máu kinh nguyệt nhiều.
- Đang mang thai.
- Hội chứng viêm (viêm khớp dạng thấp…).
- Nhiễm trùng.
-Ung thư.
- Bỏng rộng.
- Hội chứng tăng ure máu.
Sử dụng vitamin B12, bệnh phẩm vỡ hồng cầu, tăng lipid máu hay tình trạng viêm là các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm sắt huyết thanh, làm cho nồng độ sắt tăng hoặc giảm.
3. Cách thực hiện xét nghiệm sắt huyết thanh
Xét nghiệm sắt huyết thanh được thực hiện như những xét nghiệm máu thông thường. Kỹ thuật viên sẽ sử dụng một kim tiêm nhỏ đâm vào tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay để lấy máu. Mẫu máu sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm.
Đây là một xét nghiệm an toàn, bạn có thể cảm thấy đau nhẹ hoặc cảm giác như kiến chích.
Thời điểm tốt nhất để làm xét nghiệm sắt huyết thanh là buổi sáng. Xét nghiệm yêu cầu nhịn ăn, tốt nhất là 12 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm. Ngoài ra, không sử dụng sắt bổ sung trong vòng 1-2 ngày trước đó để tránh ảnh hưởng đến kết quả.
4. Lợi ích của xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh
Thiếu sắt có thể gây mệt mỏi mạn tính
Xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh thường được sử dụng cùng một số xét nghiệm khác để chẩn đoán thiếu máu và xác định nguyên nhân thiếu máu như:
- Xét nghiệm hemoglobin và hematocrit.
- Xét nghiệm Ferritin: Đánh giá dữ trữ sắt của cơ thể.
- Xét nghiệm TIBC: Đánh khá khả năng gắn sắt toàn phần.
- Độ bão hòa transferrin: Transferrin là một loại protein có vai trò vận chuyển sắt đến các cơ quan trong cơ thể.
Với những bệnh nhân đang điều trị thiếu máu do thiếu sắt, xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh giúp đánh giá đáp ứng điều trị và để theo dõi nồng độ sắt huyết thanh định kỳ.
Xét nghiệm sắt huyết thanh cũng được sử dụng trong một số bệnh lý, mà đặc biệt là xơ gan để chẩn đoán hoặc loại trừ nguyên nhân gây bệnh là do bệnh huyết sắc tố hemochromatosis – một rối loạn di truyền chuyển hóa sắt.
Xét nghiệm cũng được có thể được chỉ định để thăm dò các tình trạng suy nhược hoặc theo dõi ở phụ nữ mang thai.
Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng thừa sắt hoặc thiếu sắt mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Việc điều trị có thể bao gồm bổ sung sắt, thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc và điều trị các tình trạng hiện có.