1.Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình dạng như con bướm, gồm hai thùy, nằm ở trước cổ, chịu trách nhiệm điều tiết nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm sự trao đổi chất và tăng trưởng.
Tuyến giáp sản xuất hai loại hormone chính là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), được điều hòa tiết bởi hormone TSH từ tuyến yên trên não. Hormone do tuyến giáp sản xuất hoạt động trên tế bào trong hầu hết mọi mô của cơ thể.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là một loạt xét nghiệm máu được sử dụng để đo mức độ hoạt động của tuyến giáp. Trong đó, 3 xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất là: TSH, FT4, FT3.
- TSH: Thyroid stimulating hormone là hormone kích thích tuyến giáp, chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng hormone do tuyến giáp tiết ra. Định lượng TSH là xét nghiệm rất hiệu quả để xác định tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.
- FT4: Hầu hết T4 trong cơ thể liên kết với protein huyết tương. Một phần nhỏ không liên kết được gọi là Free T4. FT4 thường được ưu tiên hơn xét nghiệm T4 toàn phần vì không bị ảnh hưởng bởi các tình trạng gây tăng nồng độ protein huyết tương. Kết quả của FT4 thường được xem xét cùng TSH.
- FT3: Free T3 là T3 tự do, không liên kết với protein. FT3 thường được chỉ định ở bệnh nhân có triệu chứng của cường giáp, có TSH giảm nhưng FT4 ở ngưỡng bình thường.
Một số xét nghiệm chức năng tuyến giáp khác là: Định lượng T3 toàn phần, T4 toàn phần, TBG, các tự kháng thể, thyroglobulin (Tg)…
Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp
2. Khi nào cần làm xét nghiệm chức năng tuyến giáp?
Thông thường khi bác sĩ nghi ngờ bệnh lý tuyến giáp sẽ yêu cầu xét nghiệm hormone TSH và FT4. Xét nghiệm huyết thanh chức năng tuyến giáp đặc biệt nhạy và đặc hiệu trong chẩn đoán hai rối loạn phổ biến là suy giáp và cường giáp.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá ít hormone, gây ra các triệu chứng như: hạ thân nhiệt, giảm trao đổi chất, tăng trưởng chậm, nhịp tim chậm, nhu cầu sinh lý giảm, trầm cảm.
Ngược lại, cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone gây ra các triệu chứng như: tăng cảm giác thèm ăn, giảm cân, không chịu được thời tiết nóng, tim đập nhanh, lo lắng, khó ngủ. Ở bệnh nhân nghi ngờ cường giáp song nồng độ FT4 bình thường hoặc ở mức ranh giới, sẽ cần xét nghiệm FT3 để đánh giá chức năng tuyến giáp và chẩn đoán cường giáp do hormone T3.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, mà đặc biệt là TSH huyết thanh được khuyến cáo sàng lọc cho tất cả nam giới trên 65 tuổi và phụ nữ trên 35 tuổi mỗi 5 năm. Những người có yếu tố nguy cơ bệnh lý tuyến giáp cần xét nghiệm thường xuyên hơn, đó là:
- Người trên 70 tuổi.
- Có tiền sử mắc bệnh tự miễn.
- Tiền sử mắc bệnh tuyến giáp.
- Gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc sinh con trong 06 tháng.
Tuyến giáp đóng vai trò trong sự phát triển mô não và mô sinh trưởng ở bào thai và trẻ sơ sinh. Do đó, xét nghiệm TSH và FT4 thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tình trạng suy giáp hoặc cường giáp ở người mẹ có thể dẫn đến hậu quả xấu cho cả người mẹ và thai nhi. Tình trạng suy giáp bẩm sinh ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến trẻ bị khuyết tật phát triển trí tuệ và thể chất.
3. Lợi ích của xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Xét nghiệm hormone tuyến giáp tầm soát bệnh lý tuyến giáp
Ngoài việc hữu ích để chẩn đoán các rối loạn chức năng tuyến giáp thì xét nghiệm chức năng tuyến giáp, mà đặc biệt là TSH còn giúp xác định nguồn gốc gây ra rối loạn chức năng tuyến giáp.
- Suy giáp có nguồn gốc tuyến giáp: TSH tăng
- Suy giáp có nguồn gốc tuyến yên hay dưới đồi: TSH thấp
- Cường giáp có nguồn gốc tuyến giáp: TSH thấp
- Cường giáp có nguồn gốc tuyến yên hay dưới đồi: TSH tăng
Ngoài ra, xét nghiệm chức năng tuyến giáp giúp theo dõi tiến triển bệnh tuyến giáp và đánh giá đáp ứng điều trị rối loạn chức năng tuyến giáp.
4. Cách thực hiện xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Xét nghiệm định lượng hormone tuyến giáp được tiến hành trên huyết thanh. Nhân viên y tế sử dụng một kim tiêm để lấy máu từ tĩnh mạch trên cánh tay hoặc bàn tay của bệnh nhân. Mẫu máu được thu thập vào một ống nghiệm và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp không bắt buộc bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu dừng một số loại thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
5. Kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp có ý nghĩa gì?
Phạm vi bình thường của kết quả xét nghiệm có thể khác nhau tùy vào các đối tượng khác nhau và phương pháp phân tích của từng phòng thí nghiệm.
a. Xét nghiệm TSH
Trị số tham chiếu của TSH khoảng từ 0,27 – 4,31 μUI/mL.
TSH cao là bằng chứng gợi ý suy giáp. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone T3,T4, tuyến yến sẽ tiết nhiều TSH hơn nhằm kích thích tuyến giáp sản xuất hormone. TSH thấp có thể là dấu hiệu của cường giáp. Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone T3,T4, tuyến yên sẽ sản xuất ít TSH hơn nhờ cơ chế điều hòa ngược.
Nồng độ TSH có thể tăng trong các trường hợp.
- Suy giáp nguồn gốc tại tuyến giáp.
- Cường giáp nguồn gốc tại tuyến yên.
- Sử dụng thuốc gây suy giáp: thuốc kháng giáp trạng, amiodaron, lithium.
- Có kháng thể kháng TSH.
- Có tình trạng kháng hormone giáp.
- Sản xuất TSH lạc chỗ (vd: trong tình trạng ung thư phổi, ung thú vú)
- Viêm tuyến giáp.
- Sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp.
- Suy tuyến thượng thận tiên phát.
- Giảm thân nhiệt.
- 10% người trên 60 tuổi có TSH tăng.
- Trẻ mới sinh có TSH cao, sẽ trở lại bình thường trong 5 ngày.
Nồng độ TSH có thể giảm trong các trường hợp:
- Cường giáp nguồn gốc tại tuyến giáp.
- Suy giáp nguồn gốc tại tuyến yên hay dưới đồi.
- Tuyến giáp đa nhân.
- Dùng thuốc điều trị tuyến giáp: tinh chất giáp, amiodaron, chế phẩm chứa iod, propranolol.
- 1% bệnh nhân bình giáp có TSH thấp.
- Hội chứng não thực thể.
Xét nghiệm TSH, FT4 kiểm tra chức năng tuyến giáp
b. Xét nghiệm FT4
Trị số tham chiếu của FT4 từ 0,82 – 1,85 ng/dL.
Nồng độ FT4 có thể tăng trong các trường hợp:
- Cường chức năng tuyến giáp (bệnh nhiễm độc giáp Basedow, cường giáp do iod).
- Bệnh Hashimoto ở giai đoạn sớm.
- Sản xuất T4 lạc chỗ.
- Bướu giáp độc.
- Viêm tuyến giáp.
Nồng độ FT4 có thể giảm trong các trường hợp:
- Suy chức năng tuyến giáp.
- Bướu cổ đơn thuần.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto.
- Nhiễm thiết huyết tố (hemochromatoses).
- Xơ cứng bì.
c. Xét nghiệm FT3
Trị số tham chiếu của FT3 từ 2,1 – 3,8 pg/mL.
Nồng độ FT3 thường tăng trong tình trạng:
- Cường giáp.
- Nhiễm độc giáp do T3.
- Ung thư tuyến giáp.
- Viêm tuyến giáp.
Nồng độ FT3 có thể giảm trong các trường hợp:
- Suy giáp.
- Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp.
- Đang bị một bệnh lý cấp tính.
- Bị một bệnh lý mạn tính.
- Thiếu hụt globulin gắn thyroxin (TBG) bẩm sinh.
Kết quả TSH, FT4 và FT3 được xem xét cùng nhau để phân biệt cường giáp, nhược giáp và nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi nồng độ các hormone này.
Tùy vào kết quả của xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán xác định như siêu âm tuyến giáp hay chọc hút tế bào tuyến giáp (FNA).