XÉT NGHIỆM ĐO HOẠT ĐỘ LDH LÀ GÌ?

Đo hoạt độ LDH là xét nghiệm đo nồng độ LDH trong máu để kiểm tra tổn thương mô. Xét nghiệm LDH giúp chẩn đoán và theo dõi một số tình trạng tổn thương cơ tim, gan, thận, huyết học và một số bệnh lý khác.

 
Xét nghiệm LDH đo lượng enzym lactate dehydrogenase trong máu

1. Xét nghiệm đo hoạt độ LDH là gì?

Xét nghiệm đo hoạt độ LDH là xét nghiệm kiểm tra nồng độ enzyme Lactate dehydrogenase (LDH) trong máu.

LDH là một loại enzym có mặt trong hầu hết các mô cơ thể như: cơ vân, gan, thận, cơ tim, hạch bạch huyết, lách, não, dạ dày, tụy, hồng cầu, bạch cầu… có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng cung cấp cho tế bào.

Khi có tình trạng hủy tế bào do bệnh lý hoặc chấn thương, LDH được giải phóng vào máu, do đó xét nghiệm LDH giúp tìm kiếm dấu hiệu tổn thương mô.

2. Mục đích của xét nghiệm đo hoạt độ LDH?

LDH có trong nhiều loại tế bào, do đó LDH có vai trò trong xác định nhiều bệnh lý như:

- Bệnh lý tim và cơ: LDH tăng trong một số bệnh lý cơ tim hay cơ vân. LDH thường tăng cùng transaminase và creatine phosphokinase (CPK).

- Bệnh lý gan: LDH tăng cao trong các trường hợp tổn thương tế bào gan do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, do thuốc, do rượu, u di căn…

- Thuyên tắc phổi: LDH là xét nghiệm hữu ích chẩn đoán tắc mạch phổi. LDH thường tăng cùng bilirubin và các sản phẩm thoái biến của fibrin.

- Dịch màng phổi, cổ chướng: xét nghiệm LDH giúp phân biệt dịch thấm với dịch tiết.

- Phân biệt các tình trạng thiếu máu: LDH giúp phân biệt trường hợp thiếu máu Biermer và thiếu máu tan máu.

- LDH cũng thường được sử dụng trong quá trình điều trị một số loại ung thư để theo dõi phản ứng của cơ thể.

3. Quy trình thực hiện xét nghiệm đo hoạt độ LDH

Xét nghiệm LDH lấy một mẫu máu ở tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay, mẫu máu được gửi tới phòng thí nghiệm để phân tích. Xét nghiệm đo hoạt động LDH được tiến hành trên huyết thanh. Xét nghiệm này không yêu cầu nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm. 

Khi lấy máu, bạn có thể bị nhói nhẹ và bầm tím tại vị trí đâm kim tiêm, nhưng các triệu chứng này thường biến mất nhanh chóng. 

4. Giải thích kết quả xét nghiệm đo hoạt độ LDH

 
Hoạt độ LDH tăng khi tế bào gan bị tổn thương

Chỉ số LDH bình thường ở người trưởng thành khỏe mạnh là 110-210 IU/L hay 1,83-3,59 µkat/L. Giá trị tham chiếu này có thể thay đổi theo độ tuổi và từng phòng thí nghiệm. Thông thường, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có mức LDH bình thường cao hơn so với người lớn.

Mức độ LDH trong máu cao cho thấy đang có tổn thương mô xảy ra. Tăng hoạt độ LDH có thể xảy ra do một số nguyên nhân thường gặp là:

- Nhồi máu cơ tim.

- Hội chứng vùi lấp.

- Viêm da cơ, viêm đa cơ.

- Loạn dưỡng cơ Duchene.

- Viêm gan nhiễm khuẩn (viêm gan A, viêm gan B, nhiễm cytomegalovirus, nhiễm toxoplasma).

- Viêm gan nhiễm độc.

- Viêm gan do thuốc.

- Viêm gan do rượu.

- Di căn gan.

- Thiếu máu tan máu.

- Van tim nhân tạo.

- Thiếu máu Biermer hay thiếu acid folic.

- Bệnh lơ-xê-mi dòng hạt.

- Nhồi máu thận.

- Suy thận cấp.

- Ghép thận.

- Viêm tụy cấp.

- Nhồi máu phổi, tắc mạch phổi.

Bởi vì LDH có trong nhiều mô khắp cơ thể, vì vậy chỉ riêng chỉ số LDH tăng không đủ để xác định vị trí tổn thương. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm LDH cùng các xét nghiệm khác như GOT, GPT hay CPK:

- Cả LDH, GOT, GPT và CPK đều tăng gợi ý bệnh lý cơ hay tim. 

- LHD, GOT, GPT tăng nhưng CPK không tăng gợi ý bệnh gan, tụy. 

- Tăng LDH đơn lẻ gợi ý: thiếu máu tan máu, thiếu máu do thiếu vitamin B12 hay acid folic, van tim nhân tạo, tắc mạch phổi, nhồi máu thận, suy thận cấp, di căn gan hay nhồi máu cơ tim bán cấp.

Ngoài ra, có thể đo trực tiếp các loại LDH trong máu được gọi chung là isoenzyme. LDH có 5 loại isoenzyme là: LDH-1, LDH-2, LDH-3, LDH-4, LDH-5. Mỗi loại được tìm thấy với số lượng khác nhau ở các mô trong cơ thể. Đo loại isoenzyme được giải phóng ra máu sẽ giúp xác định vị trí và nguyên nhân gây ra tổn thương mô.

Giảm hoạt động LDH hiếm khi xảy ra, thường gặp do đột biến di truyền gây mức LDH thấp hoặc sử dụng một lượng lớn vitamin C.

5. Các yếu tố có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm đo hoạt độ LDH

Kết quả xét nghiệm LDH có thể thay đổi do các yếu tố dưới đây:

- Sai sót trong quá trình lấy mẫu máu làm bệnh phẩm vỡ hồng cầu.

- Hoạt động gắng sức quá mức trước khi lấy máu.

- Một số thuốc làm tăng LDH: rượu, steroid chuyển hóa, thuốc gây mê, kháng sinh, aspirin, thuốc chẹn beta giao cảm, clofibrat, diltiazem, fluor, itraconazol, levodopa, mocphin, thuốc chống viêm không phải steroid, nifedipin, paroxetin, procainamid, propylthiouracil, sulfasalazin, verapamil.

- Một số thuốc làm giảm LDH: vitamin C, oxalat.

Nhìn chung, đo hoạt độ LDH là một xét nghiệm cận lâm sàng rất hữu ích, giúp các bác sĩ đánh giá và điều trị nhiều bệnh lý. Bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên triệu chứng và tình trạng bệnh của từng người để chỉ định xét nghiệm LDH. Phạm vi bình thường của LDH sẽ thay đổi theo độ tuổi.