XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG KHÁNG THỂ COVID-19

1. Xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 là gì?

Xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 là tìm kiếm kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể để xác định xem một người có thể từng bị nhiễm Covid-19 hoặc đã đáp ứng miễn dịch với vaccine Covid-19 hay chưa.

2. Xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 khác với xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 như thế nào?

Xét nghiệm Covid-19 hay xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 bao gồm hai loại là test nhanh kháng nguyên và test Realtime RT-PCR để xác định xem một người có đang bị mắc bệnh hay không. Trong khi đó, xét nghiệm kháng thể Covid-19 không kiểm tra sự tồn tại của virus mà kiểm tra phản ứng của hệ thống miễn dịch với nhiễm trùng. Xét nghiệm này giúp xác định trước đây bạn có bị nhiễm Covid-19 hay không và hiện tại đã có kháng thể với virus này chưa. 

Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ miễn dịch để chống lại bệnh nhiễm trùng do một loại virus nhất định gây ra, và nếu lần sau virus đó xuất hiện, kháng thể có thể ngay lập tức nhận ra và tiêu diệt nó. 

Kháng thể Covid-19 có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để phát triển trong cơ thể sau khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, và vẫn chưa rõ có thể tồn tại bao lâu. Điều tương tự cũng xảy ra sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19.

3. Cách làm xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19

Xét nghiệm định lượng kháng thể (Antibody Tests) với Covid-19 được xác định bằng sự hiện diện của kháng thể trong máu. Kỹ thuật viên sẽ lấy một ít máu của bạn và phân tích tại phòng thí nghiệm để xác định định lượng kháng thể IgG đối với virus SARS-CoV-2. 

Thời điểm tốt nhất để đi xét nghiệm là sau 14 ngày kể từ khi các triệu chứng bắt đầu, lúc này hầu hết mọi người đã có kháng thể IgG. Còn để xác định đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vaccine Covid-19, thời điểm tốt nhất để xét nghiệm là 28 ngày sau khi tiêm mũi 1 và 14 ngày sau khi tiêm mũi 2.

4. Kết quả xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 có ý nghĩa gì?

a. Kết quả dương tính 

Kết quả xét nghiệm kháng thể IgG dương tính cho thấy bạn đã có kháng thể sau khi nhiễm bệnh hoặc sau khi tiêm chủng Covid-19. 

Kết quả dương tính cũng có thể xảy ra khi bạn bị nhiễm Covid-19 không triệu chứng. Tức là bạn bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không xuất hiện triệu chứng nào, do đó không phát hiện ra mình bị bệnh.

Đôi khi một người có thể có kết quả dương tính với kháng thể SARS-CoV-2 mặc dù trong cơ thể họ không có kháng thể. Nó có thể bị nhầm kháng thể IgG từ các virus khác, ví dụ như cảm cúm thông thường. Trường hợp này gọi là dương tính giả. 

Lưu ý kết quả dương tính không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bị Covid-19 một lần nữa, hoặc vaccine đã hoàn toàn bảo vệ được bạn. Tuy nhiên với những người đã có kháng thể sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh hoặc triệu chứng nặng.

b. Kết quả âm tính

Kết quả âm tính tức là trong cơ thể bạn không có kháng thể với virus SARS-CoV-2. Nó có thể xảy ra trong một vài trường hợp:

+ Bạn chưa từng bị nhiễm virus gây ra Covid-19;

+ Bạn chưa được chủng ngừa Covid-19;

+ Bạn mới bị nhiễm bệnh hoặc mới tiêm vaccine, cơ thể vẫn chưa tạo ra kháng thể. Ở một số người, kháng thể có thể xuất hiện muộn hơn, dao động từ 1 - 4 tuần.

Một phần nhỏ những người đã bị nhiễm bệnh hoặc đã tiêm chủng nhưng không phát hiện được kháng thể thông qua xét nghiệm. Trường hợp này cho ra kết quả âm tính giả.

5. Ai nên làm xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19?

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 cung cấp dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 trong trường hợp:

+ Bạn đã tiêm chủng đầy đủ và muốn kiểm tra đáp ứng miễn dịch thông qua SARS-CoV-2 IgG định lượng.

+ Bạn nghi ngờ mình từng bị nhiễm Covid-19 không triệu chứng, hoặc bạn bị nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh hoàn toàn.

+ Bạn muốn theo dõi mức kháng thể theo thời gian.

Xét nghiệm định lượng kháng thể Covid-19 chỉ được sử dụng để xác định bạn đã bị nhiễm bệnh và kiểm tra đáp ứng miễn dịch với vaccine. Bạn không nên thực hiện xét nghiệm này nếu nếu đang bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: Covid-19, cảm lạnh, cảm cúm…; đã tiếp xúc với virus Covid-19 trong 14 ngày gần đây; hoặc muốn biết mình có đang bị nhiễm Covid-19 hay không.