XÉT NGHIỆM CEA TRONG UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Xet-nghiem-cea-trong-ung-thu-dai-truc-trang 

1. CEA là gì?

Xét nghiệm CEA, tên đầy đủ là Carcinoembryonic Antigen, là một loại protein được sản xuất trong mô đường tiêu hóa của thai nhi và giảm dần sau khi trẻ ra đời.

Một số loại ung thư có thể tạo ra kháng nguyên CEA và giải phóng một phần vào máu, do đó CEA được sử dụng như một chất chỉ điểm khối u trong ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư vú, ung thư phổi... 

Chất chỉ điểm khối u CEA rất có ý nghĩa trong chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi trước và sau điều trị ung thư đại trực tràng.

Độ nhạy của CEA với ung thư đại trực tràng dao động từ 65%-74%.

cea-la-chat-chi-diem-ung-thu-dai-truc-trang
CEA là chất chỉ điểm ung thư đại trực tràng

2. Mục đích của xét nghiệm chất chỉ điểm khối u CEA

Khi ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, việc điều trị kết hợp các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật mang lại nhiều khả năng chữa khỏi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của ung thư đại trực tràng sau 5 năm không cao, mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi ung thư đã ở giai đoạn sau.

Hiện nay đã có nhiều phương pháp sàng lọc để phát hiện khối u đại trực tràng sớm, chẳng hạn như xét nghiệm máu, nội soi và chụp cắt lớp vi tính.

CEA là một chất chỉ điểm khối u được sử dụng phổ biến để hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi điều trị và phát hiện ung thư tái phát:

- Xét nghiệm này có thể được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng ở những đối tượng nguy cơ cao như có hội chứng di truyền gia đình (ví dụ: hội chứng Lync, hội chứng đa polyp có tính chất gia đình,…). CEA kết hợp cùng CA 19-9 và CA 125 làm tăng độ nhạy của CEA như một phương thức sàng lọc.

- Khi được chẩn đoán ung thư, xét nghiệm CEA giúp xác định giai đoạn, tiên lượng và đánh giá hiệu quả điều trị, từ đó điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nhất.

- Sau điều trị ung thư đại trực tràng, xét nghiệm CEA được chỉ định để theo dõi, giúp phát hiện khối u còn sót lại sau phẫu thuật, ung thư tái phát hoặc di căn.

CEA hữu ích nhất để theo dõi điều trị bệnh nhân ung thư đại trực tràng, nhưng nó cũng là chất chỉ điểm khối u được sử dụng trong ung thư buồng trứng, cổ tử cung, đường mật, tuyến tụy,…

3. Cách thực hiện xét nghiệm định lượng CEA trong máu?

Xét nghiệm CEA được thực hiện bởi nhân viên y tế, tương tự như những xét nghiệm máu thông thường khác, mẫu máu được gởi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Người bệnh có thể cảm thấy đau nhói, chảy một ít máu hoặc bầm nhẹ ở vị trí lấy máu. 

4. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm CEA

 xet-nghiem-cea-la-xet-nghiem-rat-co-y-nghia-trong-ung-thu-dai-truc-trang
Xét nghiệm CEA là một xét nghiệm rất có ý nghĩa trong ung thư đại trực tràng

Mức CEA bình thường có thể khác nhau tùy theo đối tượng và giá trị tham chiếu riêng của từng phòng xét nghiệm. Nhưng nhìn chung hầu hết người khỏe mạnh có mức CEA dưới 3ng/mL. 

Kết quả CEA trong máu tăng cần được diễn giải cùng với hỏi bệnh, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh khác vì CEA cũng có thể tăng trong một số tình trạng khác không phải ung thư.

Ở một người được chẩn đoán ung thư, nồng độ CEA trong máu không phản ánh chính xác kích thước khối u. Tuy nhiên những bệnh nhân có khối u nhỏ ở giai đoạn đầu có khả năng có nồng độ CEA thấp hoặc bình thường. Trong khi bệnh nhân có khối u tiến triển hoặc di căn sẽ có nồng độ CEA cao hơn. Mức độ CEA tăng lên trong các giai đoạn tiến triển của ung thư đại trực tràng.

Ở người bị ung thư thì mức độ CEA thường sẽ trở lại bình thường trong 1-4 tháng sau khi điều trị thành công. Khi mức CEA lớn hơn 20 ng/mL được coi là rất cao, gợi ý ung thư chưa được loại bỏ hoàn toàn, ung thư đã phát triển hoặc đã di căn đến vị trí khác trong cơ thể.

Mức độ CEA tương quan với tiên lượng. Trong ung thư đại trực tràng, nồng độ CEA trước phẫu thuật cao có liên quan đến tỷ lệ tái phát và tử vong cao hơn. CEA giảm sau phẫu thuật dự đoán thời gian sống thêm được cải thiện và giảm nguy cơ tái phát.

Sau khi điều trị ung thư đại trực tràng, CEA thường được kiểm tra định kỳ trong 3-5 năm và CEA tăng trở lại là một dấu hiệu gợi ý ung thư tái phát. 

5. Các tình trạng liên quan đến mức kháng nguyên CEA cao

Mức CEA cao liên quan đến một số loại ung thư như:

- Đại trực tràng

- Buồng trứng

- Cổ tử cung

- Phổi

- Thực quản

- Dạ dày

- Ruột non

- Gan mật

- Tuyến tụy

- Vú

- Tủy

Các khối u khác có biểu hiện CEA:

- Ung thư đường mật

- U xương

- U nguyên bào võng mạc

- U gan

- U ác tính

- Lymphoma

- Ung thư biểu mô tế bào thận, tuyến tiền liệt và bàng quang tiết niệu,…

Ngoài ra, CEA cũng có thể tăng trong các tình trạng lành tính không phải ung thư:

- Hút thuốc 

- Viêm loét dạ dày

- Viêm đại tràng

- Viêm tụy

- Viêm túi mật

- Khí phổi thủng

- Xơ gan, viêm gan

- Bệnh vú lành tính,…

 

Tư vấn chuyên môn: BS CKI Trần Hữu Lợi