VIÊM TAI GIỮA MẠN TÍNH: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG, CÁCH ĐIỀU TRỊ

Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa kéo dài trên 3 tháng với biểu hiện thủng màng nhĩ, chảy mủ, phù nề niêm mạc tai giữa và xương chũm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm tai giữa mạn tính.

 
Tác nhân gây viêm tai giữa thường gặp là virus và vi khuẩn

1. Viêm tai giữa mạn tính là gì?

Viêm tai giữa là tình trạng niêm mạc tai giữa bị viêm. Khi tình trạng này kéo dài trên 3 tháng không biến mất, màng nhĩ bị thủng, chảy mủ, phù nề niêm mạc trong tai giữa và xương chũm, được gọi là viêm tai giữa mạn tính. Các triệu chứng thường bao gồm giảm thính lực, đầy tai, đau tai, chảy dịch tai và đôi khi là chóng mặt.

Viêm tai giữa phổ biến ở trẻ em hơn nhiều so với người lớn vì cấu trúc vòi nhĩ (ống eustachian) ngắn, hẹp và nằm ngang hơn so với người lớn. 

Viêm tai giữa mạn tính ít gặp hơn viêm tai giữa cấp tính.

2. Nguyên nhân của viêm tai giữa mạn tính

Các tác nhân gây viêm tai giữa thường là do virus, vi khuẩn và nấm. 

Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất. Ngoài ra, còn có vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis và Streptococcus pyogenes. Các loại virus gây bệnh cảm lạnh, cúm như adenovirus, rhovirus, enterovirus, parainfluenza, hoặc virus hợp bào hô hấp RSV cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa.

Nấm cũng được báo cáo trong một số trường hợp viêm tai giữa, nhưng vai trò gây bệnh vẫn không quá rõ ràng.

Viêm tai giữa cấp nếu không được điều trị và theo dõi tốt sẽ dẫn đến viêm tai giữa mạn tính.

3. Triệu chứng của viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính thường có hai loại chính là viêm tai giữa tiết nhầy mủ và viêm tai giữa có mủ. Trong đó viêm tai giữa tiết nhầy mủ là tình trạng viêm khu trú ở niêm mạc tai giữa, còn viêm tai giữa có mủ đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng vượt khỏi niêm mạc và làm tổn thương đến xương. Loại sau nặng hơn loại trước.

Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính tiết nhầy mủ:

- Chảy dịch tai từng đợt, tăng lên theo đợt viêm VA.

- Mủ chảy ra màu vàng nhạt hoặc trong, nhầy, dính, không có mùi hôi.

- Thính lực gần như bình thường.

Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính có mủ:

- Chảy mủ tai kéo dài.

- Mủ đặc hoặc loãng có vón cục, màu vàng hoặc xám xanh, có mùi hôi.

- Nghe kém ngày càng tiến triển.

- Cảm giác nặng hoặc váng đầu phía bên tai bị viêm

Các triệu chứng trên có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai.

 
Chảy dịch mủ tai là triệu chứng của viêm tai giữa

Khi viêm tai giữa mạn trở thành hồi viêm (bội nhiễm bộc phát) thì sẽ gây ra các triệu chứng:

- Sốt cao kéo dài.

- Thể trạng: chán ăn, thiếu ngủ, sút cân, suy nhược.

- Ở trẻ em: sốt cao co giật, rối loạn tiêu hóa.

- Nghe kém tăng lên.

- Đau tai dữ dội, đau thành từng đợt, đau sâu trong tai.

- Cơn đau lan ra phía sau vùng xương chũm hay lan ra cả vùng thái dương.

- Nhức đầu, ù tai, chóng mặt.

Viêm tai giữa mạn bị đau nhức là triệu chứng báo hiệu cần được lưu ý, nhất là khi có cả chóng mặt và mất thăng bằng.

4. Ai dễ bị viêm tai giữa mạn tính

Những đối tượng dễ bị viêm tai giữa mạn tính là:

- Trẻ em dưới 2 tuổi.

- Trẻ em suy dinh dưỡng.

- Người lớn suy nhược cơ thể.

- Người bị suy giảm hệ miễn dịch.

- Chấn thương ảnh hưởng đến màng nhĩ.

- Viêm tai giữa cấp thường xuyên.

- Điều trị kháng sinh không đầy đủ.

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xuyên.

5. Biến chứng của viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính tiết nhầy mủ ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhưng viêm tai giữa mạn tính có mủ nguy hiểm hơn, thường kéo dài gây giảm thính lực, có thể dẫn đến các biến chứng nặng như:

- Viêm xương chũm.

- Lỗ thủng màng nhĩ không lành.

- Tạo nên khối cholesteatoma trong tai giữa (cholesteatoma là một khối sừng hóa của các tế bào biểu mô vảy ở tai giữa hoặc xương chũm, khi to dần có khả năng ăn mòn xương xung quanh).

- Xơ hóa màng nhĩ và niêm mạc tai giữa.

- Phá hủy chuỗi xương con và dẫn đến điếc truyền âm.

- Tổn thương dây thần kinh số VII dẫn đến liệt mặt.

- Áp xe ngoài màng cứng.

- Áp xe đại não, tiểu não.

- Tổn thương hệ thống tiền đình gây chóng mặt.

Ở trẻ em, viêm tai giữa mạn tính gây mất thính lực, dẫn đến rối loạn phát triển ngôn ngữ và khó khăn trong học tập, nhất là khi cả hai tai đều bị tổn thương.

Viêm tai giữa mạn tính ít khi gây mất thính lực vĩnh viễn nếu được điều trị, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu tình trạng này lặp đi lặp lại và kéo dài.

6. Cách chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính

Bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính bằng cách kiểm tra tai và thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng như: 

- Cấy dịch tai: Xác định vi khuẩn gây bệnh để có phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp.

- Chụp CT Scan đầu hoặc xương chũm: Xác định phạm vi, mức độ nhiễm trùng.

- Đo thính lực: Đánh giá khả năng nghe.

- Chụp MRI: Trong trường hợp nghi ngờ có biến chứng sọ não hoặc thái dương.

Viêm tai giữa mạn tính cần được chẩn đoán phân biệt với các tình trạng:

- Nhọt, viêm ống tai ngoài.

- Viêm tấy hạch hoặc tổ chức liên kết sau tai.

- Viêm tai giữa cấp tính.

- Viêm tai giữa sau lao phổi.

- Viêm tai giữa do xoắn khuẩn bệnh giang mai.

 
Nhỏ thuốc điều trị viêm tai giữa mạn tính

7. Điều trị viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính nếu không điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe. Vì vậy nếu bị viêm tai giữa mạn tính thì cần phải điều trị, theo dõi để phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng.

Điều trị bao gồm điều trị nội khoa và phẫu thuật. Việc điều trị nội khoa sẽ giúp kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, loại bỏ dịch ứ đọng trong tai, bao gồm vệ sinh tai tích cực, dùng thuốc nhỏ kháng sinh, đồng thời điều trị các bệnh ở mũi, họng kèm theo viêm tai giữa.

Một số trường hợp cần phẫu thuật là khi viêm tai giữa kèm theo viêm xương chũm mạn tính, kèm theo cholesteatoma, có biến chứng, có hồi viêm hoặc để bảo tồn thính lực.

8. Phòng ngừa viêm tai giữa mạn tính

Để phòng ngừa viêm tai giữa mạn tính, cần: 

- Điều trị tích cực viêm tai giữa cấp tính, vì viêm tai giữa cấp có thể trở thành viêm tai giữa mạn tính. 

- Tránh việc dùng thuốc kháng sinh không đúng liều lượng.

- Điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây ra viêm tai giữa như sâu răng, viêm mũi, viêm xoang, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn lưỡi, VA, amydan…