VIÊM CƠ TIM: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÀN VÀ ĐIỀU TRỊ

Viêm cơ tim là một tình trạng nghiêm trọng mặc dù hiếm gặp, trong đó cơ tim bị viêm, xảy ra chủ yếu là do nhiễm trùng hoặc cũng có thể do một số nguyên nhân khác. Viêm cơ tim thường gặp hơn ở người trẻ, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim hoặc tử vong.

 
Viêm cơ tim là một bệnh nghiêm trọng

1. Viêm cơ tim là gì?

Viêm cơ tim là tình trạng cơ tim bị viêm, dẫn đến thoái hóa hoặc hoại tử mô. Viêm xảy ra khu trú hoặc lan tỏa ở tế bào cơ tim, khoảng kẽ và mạch máu ở tim. 

Viêm cơ tim có thể là tình trạng cấp tính hay mạn tính, ít khi xảy ra đơn độc mà thường kèm theo viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim.

Viêm cơ tim thường xảy ra ở những người trẻ tuổi.

2. Nguyên nhân viêm cơ tim

Có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim như: virus, vi khuẩn, xoắn khuẩn, nấm, ký sinh trùng, thuốc, hóa chất, bức xạ…

a. Nguyên nhân nhiễm trùng

- Viêm cơ tim do virus: Adenovirus, arbovirus, coxsackievirus, parvovirus B19, cytomegalovirus, echovirus, hepatitis (viêm gan B, C), HIV, cúm, quai bị, bại liệt, dại, rubella, sốt vàng, vi rút Epstein-Barr,…

- Viêm cơ tim do vi khuẩn: Streptococcus (liên cầu), staphylococcus (tụ cầu), pneumococcus (phế cầu), meningococcus (màng não cầu), gonococcus (lậu cầu), salmonella (thương hàn), tuberculosis (lao), brucellisis, hemophilus, tularemia, shigella, legionella,…

- Viêm cơ tim do xoắn khuẩn: Leptospira, borrelia burgdorferi (gây bệnh Lyme), giang mai.

- Viêm cơ tim do nấm: Aspergillosis, actinomycosis, blastomycosis, candida.

- Viêm cơ tim do ký sinh trùng: Trypanosoma cruzi (gây bệnh Chagas), Toxoplasma gondii, trichinosis (giun xoắn), sán ấu trùng, sốt rét, trùng roi.

b. Nguyên nhân không nhiễm trùng

- Viêm cơ tim do hóa chất: Tiếp xúc với kim loại nặng, phospho vô cơ, khí CO, thủy ngân, sulfamid…

- Viêm cơ tim do thuốc: Thuốc chống ung thư, cocain, emetin, choloroquin, phenothiazine…

- Viêm cơ tim do bức xạ: Khi tiếp xúc với liều bức xạ quá 400 Rad trong điều trị bằng tia xạ hoặc tai nạn với chất phóng xạ.

- Viêm cơ tim do các nguyên nhân khác: 03 tháng cuối thai kỳ hoặc 03 tháng đầu sau đẻ, do các tế bào khổng lồ (Giant cell myocarditis), do bệnh mạch máu, bệnh hệ thống hoặc bệnh tổ chức liên kết.

- Một số trường hợp bị viêm cơ tim không tìm được nguyên nhân chính xác.

Các tác nhân trên có thể gây viêm cơ tim khi xâm nhập trực tiếp vào cơ tim, khi tiết ra độc tố gây hại cơ tim hoặc phá hủy cơ tim qua cơ chế miễn dịch của cơ thể.

 
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cơ tim

3. Triệu chứng viêm cơ tim

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm cơ tim mà người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau. Đôi khi có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng tương tự như bệnh cúm.

Phần lớn các trường hợp viêm cơ tim là do nhiễm khuẩn. Dưới đây là triệu chứng của viêm cơ tim do bệnh viêm nhiễm:

- Sốt cao 39-41 độ C

- Mệt mỏi

- Đau cơ khớp

- Hạ huyết áp

- Nhịp tim nhanh

- Hồi hộp, đánh trống ngực

- Thở nhanh, hụt hơi

- Đau tức ngực

- Khó thở khi gắng sức, đôi khi khó thở cả khi nghỉ ngơi

Khi viêm cơ tim lan rộng có thể gây ra các triệu chứng suy tim: sưng phù ở chân, tay, bàn chân hoặc mất cá nhân; tăng cân nhanh do giữ nước; cảm giác lâng lâng, mất ý thức đột ngột.

4. Viêm cơ tim có nguy hiểm không?

Viêm cơ tim có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng sức khỏe tổng thể của một người. Một số người có thể phục hồi hoàn toàn, trong khi người khác có thể phải uống thuốc tim mạch kéo dài hoặc thậm chí ghép tim.
Viêm cơ tim có thể gây ra biến chứng:

- Suy tim.

- Tắc động mạch do cục máu đông từ thành tim đưa tới (động mạch vành, động mạch não, động mạch thân, động mạch mạc treo…)

- Rối loạn nhịp tăng, nhất là rối loạn nhịp thất.

Ban đầu, viêm cơ tim thường chỉ gây triệu chứng nhẹ khiến người bệnh chủ quan dễ bỏ qua. Khi viêm cơ tim tiến triển có thể gây tử vong do suy tim.

Các trường hợp viêm cơ tim thường diễn tiến nặng là:

- Viêm cơ tim do bạch hầu, toxoplasma, trypanosoma cruzi, do các tế bào khổng lồ.

- Trẻ em và phụ nữ mang thai bị viêm cơ tim do virus.

- Viêm cơ tim có suy tim, blốc nhĩ-thất các loại, loạn nhịp tim và tắc mạch.

Đáng chú ý là viêm cơ tim do bạch hầu. Có khoảng 20% bệnh nhân bạch hầu bị viêm cơ tim, bệnh thường nặng và có tỷ lệ tử vong cao (80-90%).

 
Viêm cơ tim gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

5. Chẩn đoán viêm cơ tim 

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm cơ tim dựa trên triệu chứng, khám tim phổi và các xét nghiệm cận lâm sàng.

Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được sử dụng để chẩn đoán viêm cơ tim là:

- Chụp X-quang

- Điện tim

- Siêu âm tim

- Xét nghiệm công thức máu, tốc độ máu lắng, chức năng gan thận…

- Xét nghiệm tìm hiệu giá kháng thể với vi khuẩn, virus (nếu nghi ngờ viêm cơ tim do nhiễm khuẩn)

- Sinh thiết màng trong tim

Viêm cơ tim có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng thường giống với các bệnh tim và phổ khác. Một số tình trạng khác có thể bị nhầm lẫn với viêm cơ tim là: Viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, viêm màng ngoài tim, các bệnh van tim, bệnh cơ tim thể giãn, thiếu máu cơ tim, bệnh tim – phổi mạn tính hoặc cấp tính, nhiễm độc giáp trạng.

6. Cách điều trị bệnh viêm cơ tim

Việc điều trị viêm cơ tim sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó, mục đích là điều trị nguyên nhân và triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng.

Trong trường hợp viêm cơ tim do vi khuẩn, ký sinh trùng thì cần dùng thuốc đặc trị để diệt khuẩn, ký sinh trùng.Trong trường hợp viêm cơ tim do tiếp xúc với hóa chất, thuốc hay tia xạ thì cần ngừng tiếp xúc, ngừng sử dụng thuốc, dùng thuốc chống độc.

Điều trị các triệu chứng và biến chứng bao gồm điều trị tình trạng viêm, các rối loạn nhịp, suy tim, dự phòng tắc mạch, thở oxy… Một số trường hợp hiếm gặp có thể cần phải ghép tim.

Ngoài ra, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, ăn giảm muối. Đối với trường hợp viêm cơ tim do bạch hầu, thấp tim thì cần nằm bất động để tránh tai biến.

Sau đó, cần thay đổi lối sống lành mạnh để trái tim được nghỉ ngơi và phục hồi. Tránh tập thể dục hay chơi thể thao trong một khoảng thời gian (tùy trường hợp cụ thể) để ngăn ngừa tổn thương tim thêm. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu hay caffein. Hãy trao đổi với bác sĩ về những điều này.

7. Cách phòng ngừa bệnh viêm cơ tim

Không có cách thay đổi lối sống hay phương pháp y tế nào có thể phòng ngừa hoàn toàn bệnh viêm cơ tim. Để giảm nguy cơ viêm cơ tim, cần phải điều trị kịp thời và kiểm soát các tình trạng gây viêm cơ tim.