VAI TRÒ CỦA MRI TRONG CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH

 

1. Chụp MRI là gì?

Chụp cộng hưởng từ MRI (Magnetic Resonance Imaging) sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để gửi tín hiệu đến máy tính. Máy tính sẽ xử lý thông tin và tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể từ não đến mạch máu. Một ưu điểm của chụp MRI là kỹ thuật này gần như không gây hại cho cơ thể vì không sử dụng bức xạ giống như chụp X-quang hay CT.

Hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) được quan sát lần đầu vào cuối những năm 1930 và đến những năm 1970 được đưa vào ứng dụng trong y học để tạo ra MRI. 

Những năm 1970, Nhà hóa học Paul Lauterbur đã phát hiện thông tin từ tín hiệu NMR có thể tạo ra hình ảnh của cơ thể. Nhà vật lý học Peter Mansfield đã phát triển các quy trình toán học biến MRI thành một kỹ thuật hình ảnh nhanh hữu ích. 

Năm 1971, bác sĩ Raymond Damadian đã chứng minh quét cộng hưởng từ hạt nhân có thể phân biệt các khối u ung thư với các mô khỏe mạnh. Ông cũng đã chế tạo ra máy quét MRI toàn thân đầu tiên vào năm 1977, đặt tên “Indomitable”, nghĩa là “Sự bất khuất”.

Kể từ đó, kỹ thuật chụp MRI liên tục cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng hình ảnh, tốc độ và sự thoải mái cho bệnh nhân. Trong suốt 45 năm qua, vượt qua mục tiêu ban đầu là phát hiện ung thư, MRI đã trở thành một thiết bị được sử dụng rộng rãi trong y học ngày nay, đem lại những lợi ích to lớn trong chăm sóc sức khỏe. 

MRI cho phép Bác sĩ phát hiện ra những thay đổi nhỏ của cấu trúc bên trong cơ thể. Nhiều bệnh lý, bao gồm ung thư có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Vì vậy mà công nghệ tạo máy MRI thực sự đã đem lại cơ hội sống cho nhiều người.


Chụp cộng hưởng từ (MRI)

2. Vai trò của máy MRI trong chẩn đoán và điều trị bệnh

MRI cung cấp hình ảnh chi tiết và chính xác về các cấu trúc trong cơ thể với độ phân giải cao. Nó được sử dụng cho cả chẩn đoán, theo dõi và điều trị nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. 

Sử dụng thuốc tương phản từ trong MRI giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán hình ảnh. MRI có thể được chỉ định có hoặc không có thuốc tương phản từ tùy vào mục đích chụp.

a. Phát hiện và chẩn đoán bệnh

Chụp MRI có thể được chỉ định sau khi các xét nghiệm cận lâm sàng khác không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán bệnh. 

MRI thường được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán:

- Tình trạng não và tủy sống như bệnh đa xơ cứng (MS), đột quỵ, phình động mạch não, khối u, chấn thương đầu, rối loạn tủy sống hoặc các bệnh lý bắt nguồn hoặc ảnh hưởng đến não và tủy sống.

- Ung thư hoặc khối u bất thường ở các cơ quan như gan, lá lách, tuyến tụy, tử cung, buồng trứng, thận, tuyến tiền liệt, đường mật, bàng quang, đường tiêu hóa,...

- Các vấn đề về cấu trúc tim và mạch máu tổn thương do đau tim hoặc bệnh tim, tắc nghẽn mạch máu, viêm màng ngoài tim, bệnh tim bẩm sinh, chứng phình động mạch và các vấn đề về tim khác.

- Các bệnh đường tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.

- Các bệnh về gan như xơ gan.

- Các vấn đề khớp như chấn thương, khối u, viêm, nhiễm trùng.

- Tầm soát ung thư vú cho những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú.

- Đánh giá đau vùng chậu ở phụ nữ do u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,…

MRI đặc biệt hữu ích cho các tình trạng não và tủy sống. MRI có thể phân biệt khối u với các mô bình thường, giúp quan sát kích thước, mức độ nghiêm trọng và sự lây lan của ung thư. 

Ngoài ra, MRI luôn được mở rộng về phạm vi và mục đích sử dụng cho nhiều bệnh lý khác nhau.

b. Theo dõi và điều trị bệnh

MRI cung cấp hình ảnh chi tiết các cơ quan bên trong cơ thể, cũng như thông tin về cấu trúc của khớp, mô mềm và xương. Nhờ đó nó rất hữu ích để đánh giá và định hướng trước phẫu thuật.

Trong xạ trị, MRI tạo ra hình ảnh giúp phân biệt khối u ác tính và mô khỏe mạnh để từ đó tính toán liều lượng và hướng dẫn hình ảnh trước khi điều trị. 
MRI không chỉ có thể cung cấp thông tin với độ tương phản mô mềm cao, mà còn cung cấp thông tin để đánh giá sự tiến triển của bệnh và đánh giá đáp ứng điều trị.

3.Hạn chế của MRI

 
MRI não cung cấp hình ảnh có độ tương phản tốt

Chụp MRI và chụp cắt lớp vi tính (CT) không giống nhau. Mặc dù cả hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh này đều ghi lại hình ảnh các cấu trúc trong cơ thể, nhưng chụp MRI hiệu quả hơn để hiển thị độ tương phản và chi tiết của mô mềm như não, cơ, gân, dây chằng, dây thần kinh và tủy sống; trong khi chụp CT hiệu quả hơn khi chụp hình ảnh xương và mạch máu.

Đối với các tình trạng cần chụp thường xuyên thì MRI là lựa chọn tốt nhất vì nó không sử dụng tia bức xạ, đặc biệt là các bệnh lý về não. Đối với các trường hợp khẩn cấp thì CT là lựa chọn tốt hơn vì thời gian chụp nhanh chóng.

MRI có một số hạn chế như:

- Chuyển động cơ thể dẫn đến hình ảnh mờ, chất lượng thấp, vì vậy người bệnh cần nằm yên hoàn toàn và nín thở khi được yêu cầu. 

- MRI sử dụng từ trường tác động lên các vật bằng sắt, vì vậy vài trường hợp vì tính an toàn không thể chụp MRI, ví dụ đặt máy tạo nhịp tim.

- MRI phát ra tiếng ồn lớn.

- Không gian máy chụp MRI khá kín có thể gây khó chịu cho người bị hội chứng sợ không gian kín.

- Chụp MRI mất nhiều thời gian hơn và chi phí cao hơn so với các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp CT hoặc X-quang.

4. Các lựa chọn thay thế cho chụp MRI

Tùy vào vị trí tổn thương và mục đích mà bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI hay sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp mà không có phương pháp thay thế nào đem lại hiệu quả tốt hơn MRI. Các chẩn đoán hình ảnh có thể sử dụng mà không cần hoặc cần phải kết hợp cùng MRI là:

- Siêu âm

- Chụp X-quang

- Chụp cắt lớp vi tính (CT)

- Chụp PET/CT

- Nội soi

Thông tin chung về MRI:

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng từ trường, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh về cấu trúc cơ thể.

- Chụp MRI là một kỹ thuật không đau, không xâm lấn, không tiếp xúc với bức xạ tia X.

- MRI là một phát minh cực kỳ có giá trị đối với y học, được sử dụng rộng rãi để phát hiện, chẩn đoán, theo dõi và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.

- MRI cung cấp hình ảnh chi tiết, có độ phân giải cao về: sọ não; cột sống các đoạn: cổ, ngực, thắt lưng và toàn bộ cột sống; bụng; vùng chậu; các loại mạch máu; vú; các khớp, xương và mô mềm chi trên, chi dưới.

- MRI vượt trội hơn hẳn các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác trong việc chẩn đoán bệnh lý não và tủy sống.

- MRI có một số hạn chế đối với thiết bị kim loại trong cơ thể, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và người bị hội chứng sợ không gian kín. Những đối tượng này cần báo cho nhân viên y tế trước khi chụp MRI.