TẠI SAO CẦN KHÁM SỨC KHOẺ TRƯỚC KHI MANG THAI?

Để có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra những em bé chẳng những khỏe mạnh mà còn thông minh, bạn cần khám sức khỏe trước khi mang thai. Khám trước khi mang thai bao gồm kiểm tra và chẩn đoán các tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến việc có thai, thai kỳ, sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

 
Khám sức khỏe trước khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai

1. Tại sao khám sức khỏe trước khi mang thai lại cần thiết?

Khám sức khỏe trước khi mang thai có thể giúp bạn đánh giá tình trạng sức khỏe, khả năng sinh sản, tật di truyền hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục và lây sang em bé như viêm gan B, HIV, giang mai, rubella, thủy đậu. Trong đó giang mai, rubella và thủy đậu có thể gây dị tật cho con. Khám sức khỏe để có kế hoạch điều trị hoặc phòng tránh (tiêm vaccine) làm tăng khả năng mang thai và giảm nguy cơ sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh. 

Một số tình trạng bệnh lý như thừa cân béo phì, trầm cảm, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn, tuyến giáp… có thể ảnh hưởng đến việc mang thai. Khám sức khỏe trước khi mang thai giúp bạn nhận được tư vấn về các tình trạng bệnh lý và thực hiện thay đổi trong lối sống để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

2. Ai nên khám sức khỏe trước khi mang thai?

Mọi phụ nữ khi muốn có con cần lên lịch kiểm tra sức khỏe trước vài tháng hoặc một năm trước khi có thai để đảm bảo rằng bạn khỏe mạnh khi mang thai. Nam giới cũng là đối tượng được khuyến nghị khám sức khỏe sinh sản.

Ngay cả khi lần mang thai trước đó hoàn toàn bình thường, bạn cũng nên đi khám lại khi muốn mang thai lần nữa vì sức khỏe của bạn có thể đã thay đổi đáng kể so với trước đó.

Khám sức khỏe trước khi mang thai đặc biệt quan trọng nếu gia đình bạn có người bị bệnh di truyền, bạn đã từng bị sảy thai, sinh non hoặc trẻ bị dị tật bẩm sinh.

3. Khám sức khỏe trước khi mang thai bao gồm những gì?

Đo chỉ số BMI (cân nặng, chiều cao) và huyết áp. Nếu bạn đang bị béo phì, bạn nên giảm cân để tăng tỷ lệ thụ thai và đảm bảo sức khỏe khi mang thai.

Khám phụ khoa. Việc này bao gồm kiểm tra âm đạo, cổ tử cung, tử cung và buồng trứng, để đảm bảo chức năng của các cơ quan này hoạt động tốt. Nếu bạn có bất kỳ bất thường nào thì việc điều trị trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề trong thai kỳ. Điều này cũng rất cần thiết nếu bạn khó mang thai. 

Làm xét nghiệm Pap’s. Đây là xét nghiệm tầm soát kiểm tra bất thường cổ tử cung phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm bệnh lây truyền. Một số bệnh lây truyền như chlamydia, lậu, giang mai, HIV, Rubella, viêm gan B và một số bệnh khác có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, sức khỏe của bạn và thai nhi, hoặc lây nhiễm cho trẻ khi sinh ra. Việc phát hiện bệnh để điều trị trước khi mang thai sẽ làm tăng khả năng thụ thai và hạn chế biến chứng trong quá trình mang thai và sinh con.

Xét nghiệm máu để kiểm tra nhóm máu ABO, hệ Rh và kiểm tra có thiếu máu bẩm sinh di truyền không.

Kiểm tra bệnh lý hiện có. Một số bệnh lý như động kinh, trầm cảm, hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn tuyến giáp… có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Ngoài ra, một số loại thuốc để điều trị những tình trạng này có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai kỳ. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng để bác sĩ xem xét tác dụng phụ, và đề xuất cho bạn một loại thuốc thay thế khác nếu cần thiết.

Tiêm phòng vaccine. Phụ nữ trước khi mang thai đều nên tiêm vaccine, bao gồm: sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm gan B, HPV, cúm.

 
Bạn cần tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai

Bạn cũng nên làm giám định di truyền nếu bạn đã có con mắc chứng rối loạn di truyền, hoặc có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn di truyền từ lịch sử gia đình hoặc bản thân bạn. Nếu bạn mang gen bệnh tiềm ẩn, bản thân bạn không có biểu hiện, nhưng con bạn có thể bị bệnh. Nếu cả vợ chồng đều mang cùng một tình trạng bệnh thì nguy cơ con bạn mắc bệnh sẽ tăng lên. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về gen và cách thức di truyền, từ đó đưa ra giải pháp cho việc mang thai và sinh con.

4. Bạn cần chuẩn bị gì trước khi mang thai?

Ngoài khám sức khỏe và tiêm phòng vaccine, có một số việc bạn nhất định phải làm để nâng cao sức khỏe, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh:

- Bỏ hoàn toàn thuốc lá;

- Bỏ rượu bia;

- Hạn chế sử dụng caffein (cà phê, trà, socola, nước có ga, nước tăng lực…);

- Giữ cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì;

- Bổ sung acid folic bằng chế phẩm thuốc ít nhất 1 tháng trước khi có thai. Bổ sung canxi, sắt và vitamin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ;

- Chuẩn bị tâm lý vững vàng;

- Đi khám nha khoa (nếu cần).