SUY HÔ HẤP MẠN TÍNH LÀ GÌ

 1. Suy hô hấp mạn tính là gì?

Suy hô hấp là một tình trạng mà hệ hô hấp không thực hiện được một hoặc cả hai chức năng trao đổi khí: hấp thụ oxy và loại bỏ carbon dioxide. Khi hệ hô hấp không thể thải trừ carbon dioxide khỏi máu, nó sẽ tích tụ trong cơ thể. Ngược lại, nếu hệ hô hấp không hấp thụ đủ oxy, lượng oxy trong máu thấp sẽ gây ra nguy hiểm. Từ đó, nó có thể được phân loại thành suy hô hấp thiếu oxy máu, suy hô hấp tăng CO2 máu hoặc hỗn hợp.

Suy hô hấp còn được phân loại thành cấp tính hoặc mạn tính. Trong khi suy hô hấp cấp tính là một trường hợp cấp cứu, xảy ra đột ngột, phát triển trong vài phút đến vài giờ, đặc trưng bởi sự thay đổi trong khí máu động mạch và pH nhỏ hơn 7,3; thì suy hô hấp mạn tính là một tình trạng cần điều trị lâu dài, ít kịch tính hơn, phát triển trong vài ngày hoặc lâu hơn, có thể không rõ ràng và độ pH thường chỉ giảm nhẹ.

Suy hô hấp mạn tính thường xảy ra khi hệ hô hấp, tim mạch hoặc thần kinh bị tổn thương, có thể gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim…dẫn đến giảm oxy trong máu và tăng CO2 trong máu. Vi vậy, suy hô hấp mạn tính được phân loại thành suy hô hấp thiếu oxy máu hoặc suy hô hấp tăng CO2 máu. 

 
Suy hô hấp là một tình trạng nguy hiểm

2. Các triệu chứng của suy hô hấp mạn tính là gì?

Suy hô hấp là một tình trạng phổ biến, đe dọa tính mạng cần được chẩn đoán, đánh giá nhanh chóng và điều trị thích hợp. Suy hô hấp mạn tính thường là hậu quả của một bệnh lý tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không được điều trị phù hợp. Suy hô hấp mạn tính phát triển dần theo thời gian, vì vậy ở giai đoạn đầu có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào, phải chú ý mới phát hiện được. Khi suy hô hấp mạn tính tiến triển có thể gặp các triệu chứng như:

- Khó thở hoặc thở gấp, nhất là khi hoạt động mạnh

- Thở nhanh, nông hoặc thở cực kỳ chậm

- Thở khò khè

- Hụt hơi

- Móng tay, da và môi chuyển màu hơi xanh

- Ho ra chất nhầy

- Dễ lo lắng hoặc dễ bị kích thích

- Đau đầu hàng ngày

- Mệt mỏi

Suy hô hấp mạn tính rất nguy hiểm và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhịp tim bất thường, ngừng thở hoặc hôn mê.

3. Nguyên nhân nào gây ra suy hô hấp mạn tính?

 
Hen suyễn có thể dẫn đến suy hô hấp mạn tính

Suy hô hấp có thể phát sinh do bất thường ở bất kỳ thành phần nào của hệ hô hấp, bao gồm đường thở, phế nang, hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại vi, cơ hô hấp và thành ngực. 

Suy hô hấp cũng có thể do giảm khả năng thông khí hoặc tăng nhu cầu thở (hoặc cả hai). Khả năng thông khí có thể bị giảm bởi một số tình trạng ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của não, cơ, xương hoặc các mô xung quanh hỗ trợ hô hấp. 

Một số nguyên nhân của suy hô hấp thiếu oxy máu là:

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

- Viêm phổi

- Phù phổi

- Xơ phổi

- Hen suyễn

- Tràn khí màng phổi

- Thuyên tắc động mạch phổi

- Tăng áp động mạch phổi

- Bệnh bụi phổi (bụi trong phổi)

- Bệnh phổi u hạt (còn gọi là bệnh sarcoidosis)

- Bệnh tim bẩm sinh có tím

- Giãn phế quản

- Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS)

- Hội chứng thuyên tắc mỡ

- Kyphoscoliosis (chứng gù vẹo cột sống)

- Xơ cứng teo cơ một bên (còn gọi là ALS hoặc bệnh Lou Gehrig)

Một số nguyên nhân của suy hô hấp tăng CO2 máu là:

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

- Hen suyễn nặng

- Dùng thuốc quá liều (ví dụ thuốc giảm đau nhóm opioid)

- Ngộ độc

- Bệnh nhược cơ

- Bệnh viêm đa dây thần kinh

- Viêm tủy xương

- Rối loạn nội tiết và chuyển hóa porphyria

- Hội chứng giảm thông khí

- Phù phổi

Ngoài ra, một số yếu tố sau đây có thể khiến một người dễ bị suy hô hấp mạn tính hơn:

- Từng bị chấn thương ở ngực hoặc xương sườn

- Sử dụng ma túy

- Lạm dụng rượu

- Hút thuốc lá, thuốc lào

- Béo phì

- Có tiền sử gia đình bị các vấn đề về hô hấp

4. Suy hô hấp mạn tính được chẩn đoán như thế nào?

a. Tiền sử bệnh

Kiểm tra tiền sử bệnh lý, bệnh phổi đang hoặc đã từng mắc phải.

b. Kiểm tra thể chất

Kiểm tra chỉ số BMI, huyết áp, dùng ống nghe lắng nghe tim và phổi.

c. Thử nghiệm đo oxy xung

Đo oxy xung là một biện pháp đơn giản và không gây đau đớn để đánh giá mức độ vận chuyển oxy trong cơ thể. Bác sĩ sẽ đặt một cảm biến nhỏ trên đầu ngón tay hoặc vành tai để xác định mức độ oxy.

d. Kiểm tra khí máu động mạch

Xét nghiệm máu kiểm tra khí máu động mạch giúp xác định lượng oxy và carbon dioxide trong máu. Đồng thời, nó cũng cho biết nồng độ pH, hàm lượng axit trong máu và thành phần hóa học của máu.

e. Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang hoặc CT cho ra hình ảnh về phổi, giúp phát hiện nguyên nhân gây ra suy hô hấp mạn tính.

Ngoài ra, có thể bao gồm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác như đo điện tim hoặc nội soi phế quản, sinh thiết…

5. Điều trị suy hô hấp mạn tính như thế nào?

 
Suy hô hấp mạn tính cần được điều trị tích cực

Suy hô hấp mạn tính cần được theo dõi, chăm sóc và điều trị lâu dài tùy thuộc vào nguyên nhân của nó. Đối với trường hợp nhẹ có thể điều trị ngoại trú. Nhưng với trường hợp nghiêm trọng thì phải điều trị nội trú để kiểm soát tình trạng bệnh.

Việc điều trị nhằm mục đích điều trị nguyên nhân gây ra suy hô hấp, loại bỏ carbon dioxide dư thừa và làm tăng nồng độ oxy trong máu.

Tùy thuộc vào tình trạng suy hô hấp của mỗi người mà có một số lựa chọn điều trị bao gồm điều trị các triệu chứng, tiêu đờm, thuốc giãn phế quản, thuốc cải thiện trao đổi khí oxy, liệu pháp oxy và thở máy.

Ngoài ra, cần phải thay đổi lối sống để loại bỏ yếu tố nguy cơ của suy hô hấp như:

- Bỏ thuốc lá hoàn toàn và vĩnh viễn

- Không uống rượu

- Tránh môi trường ô nhiễm không khí do tự nhiên hoặc do nghề nghiệp

- Giảm cân

6. Các biến chứng của suy hô hấp mạn tính là gì?

Các biến chứng của suy hô hấp phổi mạn tính có thể do suy hô hấp hoặc xảy ra trong quá trình điều trị. Một số biến chứng của suy hô hấp thường gặp là:

Biến chứng phổi: thuyên tắc phổi, chấn thương phổi, xơ phổi, viêm phổi.

Biến chứng tim mạch: tụt huyết áp, giảm cung lượng tim, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc và nhồi máu cơ tim.

Biến chứng tiêu hóa: xuất xuyết, chướng bụng, tắc ruột, tiêu chảy và tràn khí màng bụng.

Bệnh suy hô hấp mạn tính thường không có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng các triệu chứng hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng cách chăm sóc và điều trị. Triển vọng cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân chính xác của suy hô hấp, sức khỏe tổng thể và đáp ứng điều trị của mỗi người. 

ThS. BS Vũ Trần Thiên Quân