Loét dạ dày và loét tá tràng là hai loại của viêm loét dạ dày tá tràng. Loét có thể xảy ra ở niêm mạc dạ dày gọi là loét dạ dày, hoặc đoạn đầu của ruột non gọi là loét tá tràng. Một người có thể bị một hoặc cả hai loại cùng lúc. Vậy giữa loét dạ dày và loét tá tràng có gì khác biệt?
1. Triệu chứng của loét dạ dày và loét tạ tràng khác nhau như thế nào?
Loét dạ dày và loét tá tràng có triệu chứng khá giống nhau. Thời điểm các triệu chứng xảy ra thường là khi đói bụng, một số khác có thể xảy ra khi đang ăn và ăn xong.
Theo lý thuyết thì có thể nhận biết vị trí vết loét theo vị trí đau. Tuy nhiên, vị trí cơn đau không phải lúc nào cũng trùng với vị trí vết loét. Ở một số người, vị trí đau có thể cách xa vết loét thực sự.
Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Buồn nôn;
- Nôn mửa;
- Khó đi đại tiện;
- Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng;
- Đầy hơi.
Nhiều người bị loét dạ dày hoặc tá tràng nhưng không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào bởi những vết loét này không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Khi các biến chứng nghiêm trọng hơn xuất hiện có thể bao gồm các triệu chứng:
- Đi phân có lẫn tia máu, hoặc phân có màu đen hoặc nâu sẫm;
- Thở nặng nhọc hoặc khó thở khi vận động;
- Ngất xỉu hoặc mất ý thức;
- Nôn ra máu;
- Mệt mỏi.
Hãy đến bệnh viện để khám bệnh nếu bị đau dạ dày hoặc có một trong những triệu chứng trên.
Loét dạ dày và loét tá tràng nằm ở vị trí khác nhau
2. Nguyên nhân nào gây ra loét dạ dày và tá tràng?
Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)
H. pylori hay HP là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra loét dạ dày và tá tràng. Vi khuẩn HP ảnh hưởng xấu đến chất nhầy bảo vệ dạ dày và ruột non, tạo điều kiện cho axit dạ dày làm hỏng lớp niêm mạc.
Vi khuẩn HP được cho là có khả năng lây lan qua thức ăn, thức uống và dụng cụ ăn uống không được làm sạch. HP cũng có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt.
Thuốc men
Những người thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen, có nhiều khả năng bị loét dạ dày tá tràng. Sử dụng nhóm thuốc NSAID là nguyên nhân chính thứ hai gây ra loét dạ dày tá tràng sau vi khuẩn HP.
NSAID gây kích ứng và làm hỏng niêm mạc dạ dày và ruột non. Một số loại thuốc giảm đau khác không thuộc nhóm NSAID có thể được sử dụng thay thế để hạn chế tác hại đến dạ dày tá tràng.
3. Ai có thể bị loét dạ dày tá tràng?
Sử dụng nhóm thuốc NSAID thường xuyên gây loét dạ dày tá tràng
a. Những người sử dụng các nhóm thuốc sau trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, bao gồm:
- Nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không có cấu trúc steroids NSAID;
- Thuốc điều trị loãng xương, ví dụ: alendronate (Fosamax) và risedronate (Actonel);
- Thuốc chống đông máu, ví dụ: warfarin (Coumadin) hoặc clopidogrel (Plavix);
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI);
- Một số loại thuốc hóa trị liệu.
b. Nhóm đối tượng sau sẽ có nguy cơ phát triển loét dạ dày và tá tràng cao hơn:
- Những người trên 70 tuổi;
- Uống nhiều rượu;
- Hút nhiều thuốc;
- Người thường xuyên chịu áp lực công việc hoặc căng thẳng với các vấn đề trong cuộc sống;
- Người ăn uống không điều độ: bỏ bữa, ăn quá ít hoặc ăn quá no, ăn không đúng bữa, thói quen ăn khuya, ăn nhanh, không nhai kĩ…;
- Nhóm người dễ bị kích ứng dạ dày do thức ăn cay, nóng, chua…
4. Biến chứng của loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày hoặc tá tràng kéo dài, nếu không được điều trị có thể phát triển thành một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt nếu nó kèm theo một số bệnh lý nền.
Các biến chứng phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng là:
- Chảy máu: Vết loét làm mòn dạ dày hoặc tá tràng, làm đứt các mạch máu ở đó gây chảy máu.
- Thủng dạ dày: Vết loét ăn mòn xuyên qua niêm mạc và thành dạ dày tạo thành lỗ thủng.
- Viêm phúc mạc: Khi bị thủng dạ dày, vi khuẩn có thể tràn qua lỗ rò, gây viêm và nhiễm trùng khoang bụng. Đây là một tình trạng ngoại khoa rất nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời.
- Tắc nghẽn: Mô sẹo có thể hình thành tại vết loét gây hẹp lòng dạ dày - tá tràng, khiến thức ăn không thể di chuyển xuống ruột, gây tắc nghẽn.
- Ung thư: Trong một vài trường hợp, tình trạng loét có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị đúng cách nếu có bất kỳ triệu chứng nào của loét dạ dày hoặc tá tràng.
Ngay cả khi đã điều trị xong, người bệnh cũng nên kiểm tra lại thường xuyên để xác nhận vết loét không bị tái phát và không xuất hiện thêm vết loét nào khác.
5. Làm thế nào để điều trị loét dạ dày tá tràng?
Việc điều trị loét dạ dày tá tràng phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc nhằm giảm lượng axit và bảo vệ niêm mạc dạ dày, với các biến chứng nặng hơn có thể cần phải phẫu thuật.
Nếu bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HP, ngoài các thuốc hỗ trợ bảo vệ dạ dày, bác sĩ sẽ kê thêm kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét.
Đối với các trường hợp bị loét do sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn, giảm bớt hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác hạn chế gây hại cho dạ dày.
Phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp vết loét chảy máu nhiều, tái phát, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị.
6. Có cách phòng ngừa loét dạ dày tá tràng không?
Sử dụng riêng dụng cụ ăn uống để tránh lây nhiễm HP
Thay đổi một số thói quen sống có thể không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng có thể làm giảm nguy cơ loét dạ dày tá tràng:
- Giảm lượng thuốc NSAID hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ về việc thay thế một loại thuốc khác nếu đã sử dụng NSAID trong một thời gian dài.
- Hạn chế các chất kích thích, bao gồm rượu bia, thuốc lá, cà phê và nước ngọt.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, mỗi tuần tập ít nhất 5 ngày.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay hoặc xà phòng với nước để tránh nhiễm HP.
- Ăn chín uống sôi và tránh sử dụng chung dụng cụ ăn uống với người khác.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng: hạn chế thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ; tăng cường rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc, trứng…
Tư vấn chuyên môn: Thầy thuốc ưu tú BS CKII Trần Nhựt Thị Ánh Phượng