Sốt siêu vi là nhóm bệnh thường gặp, chiếm đa số các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp. Phần lớn các trường hợp sốt siêu vi có thể tự khỏi, nhưng một số trường hợp có thể nghiêm trọng đến mức cần nhập viện. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết về sốt siêu vi.
Sốt siêu vi thường gặp ở trẻ em
1. Sốt siêu vi là gì?
Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn nhiệt độ bình thường (37oC). Bản thân sốt không phải là bệnh mà là phản ứng của cơ thể khi chống lại một tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Sốt siêu vi hay sốt virus là thuật ngữ để chỉ tình trạng sốt cấp tính do nhiễm các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau.
Sốt siêu vi thường gặp vào mùa đông xuân hoặc mùa mưa, khi thời tiết lạnh ẩm ướt thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kéo dài 2-5 ngày hoặc lên đến vài tuần.
2. Các triệu chứng của sốt siêu vi
Trong giai đoạn khởi phát bệnh, hầu hết các trường hợp sốt siêu vi có biểu hiện giống nhau. Bao gồm sốt cao từ 38-39oC, thậm chí 40-41oC, đau đầu, đau nhức mình mẩy và mệt mỏi. Ngoài ra, có thể gặp các triệu chứng:
- Họng sưng tấy, đỏ, rát họng
- Ho khan
- Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi
- Đau nhức hốc mắt, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mắt
- Phát ban, thường xuất hiện sau khi sốt
- Đau nhức cơ, khớp
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
- Nôn, buồn nôn
- Xuất hiện hạch vùng đầu, mặt, cổ
Các triệu chứng chứng xuất hiện tùy vào từng loại virus gây bệnh. Các triệu chứng có thể biến mất sau đó 1 tuần, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài vài tuần.
3. Nguyên nhân gây ra sốt siêu vi
Virus là nguyên nhân gây ra sốt siêu vi. Nhiều nhóm virus có thể gây sốt như Rhinovirus, Coronavirus, virus hợp bào, virus á cúm, Adenovirus, virus cúm A, virus cúm B, Enterovirus, virus Herpes Simplex... Ở thể nhẹ, chúng chỉ gây ra sốt nhẹ và các triệu chứng đường hô hấp trên. Ở thể nặng, có thể dẫn đến sốt cao kéo dài, viêm phế quản, viêm khớp, viêm phổi và thậm chí là tử vong ở người có nguy cơ cao.
Virus có thể lây truyền qua các con đường:
- Hít phải giọt bắn do người đang bị nhiễm virus ho hoặc hắt hơi.
- Ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm virus.
- Bị côn trùng hoặc động vật mang virus đốt, cắn.
- Quan hệ tình dục với người đang bị nhiễm virus.
4. Ai dễ bị sốt siêu vi?
Sốt siêu vi phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn tuổi. Ngoài ra, những người dễ bị sốt siêu vi là:
- Tiếp xúc gần hoặc ở chung nhà với người nhiễm bệnh.
- Sống trong khu vực dịch bệnh đang hiện hành.
- Người chăm sóc người bị nhiễm bệnh.
- Quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh.
- Sử dụng chung kim tiêm.
- Tiếp xúc với động vật mang mầm bệnh hoặc nhiễm bệnh.
Sốt siêu vi dễ lây từ người này sang người khác
5. Cách chẩn đoán sốt siêu vi
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng và yếu tố dịch tễ. Khi cần thiết, có thể chỉ định các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm dịch mũi, hầu, họng.
- Xét nghiệm đờm.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- X-quang phổi
Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán phân biệt hoặc xác định tổn thương. Vì thế, không phải lúc nào cũng cần phải làm xét nghiệm để chẩn đoán sốt siêu vi. Bác sĩ có thể xem xét các triệu chứng để đưa ra chẩn đoán này.
Sốt siêu vi cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh sốt khác như: sốt xuất huyết Dengue, sốt nhiễm trùng, sốt rét, sốt thương hàn, lao.
6. Cách điều trị sốt siêu vi
Trong nhiều trường hợp sốt siêu vi có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần. Hầu hết các sốt siêu vi do virus gây ra chưa có thuốc đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là điều trị các triệu chứng như:
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước, nước điện giải.
- Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa.
- Bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng.
- Lau mát bằng nước ấm.
- Mặc quần áo thoáng mát.
- Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol.
- Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng như giảm ho, giảm đau cơ, giảm đau đầu.
Một lưu ý là sốt siêu vi do virus gây ra, sử dụng kháng sinh không có tác dụng. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi có nhiễm khuẩn thứ phát.
Việc điều trị sốt siêu vi chủ yếu là điều trị triệu chứng
7. Sốt siêu vi có nguy hiểm không? Khi nào cần đi khám?
Mặc dù hầu hết các trường hợp sốt siêu vi không nguy hiểm, không cần điều trị đặc biệt. Nhưng mức độ nặng nhẹ của bệnh còn tùy thuộc vào loại virus, mức độ nhiễm bệnh và sức khỏe cá nhân. Một số trường hợp sốt siêu vi nặng có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Mất nước nghiêm trọng do nôn, tiêu chảy nhiều.
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Viêm gan
- Viêm não, màng não
- Suy đa tạng
- Sốc nhiễm trùng
- Tử vong
Khi bị sốt siêu vi, cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đi khám kịp thời:
- Sốt cao trên 39oC không đáp ứng thuốc
- Sốt kéo dài trên 2 ngày
- Da tím tái
- Tức ngực, khó thở
- Đau đầu liên tục, tăng dần
- Nôn mửa nhiều
- Li bì, lơ mơ, sảng
- Co giật
- Hôn mê
8. Cách phòng ngừa sốt siêu vi
Phòng ngừa sốt siêu vi bằng cách tiêm vaccine, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa lây nhiễm virus. Như:
- Tiêm đầy đủ các vaccine bệnh cúm, sởi, rubella, quai bị…
- Có chế ăn cân bằng dinh dưỡng, bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất từ trái cây, rau củ.
- Cần rửa sạch và chế biến thực phẩm đúng cách, ăn chín uống sôi.
- Thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay sát khuẩn hoặc với xà phòng và nước. Nhất là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi với thú cưng hoặc đi từ bên ngoài trở về.
- Thường xuyên lau chùi, dọn dẹp, làm thông thoáng nhà cửa, sân vườn; giặt giũ chăn, gối, nệm, đồ chơi, thú nhồi bông…
- Thường xuyên tập thể dục.
- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh nhiễm virus.
- Nếu đang bị sốt siêu vi, cần đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền và người lớn tuổi.
Hầu hết các loại sốt siêu vi có thể tự khỏi nhờ các biện pháp nghỉ ngơi, uống nhiều nước, tăng cường sức đề kháng và uống thuốc điều trị triệu chứng khi cần. Tuy nhiên, nếu sốt quá cao hoặc các triệu chứng kéo dài hoặc các triệu chứng trầm trọng hơn, người bệnh nên đi khám