POLYP TÚI MẬT: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Polyp túi mật (GBP) là những tổn thương bất thường dạng u xuất hiện trong túi mật. Phần lớn các trường hợp polyp túi mật lành tính chỉ cần theo dõi, không cần điều trị. Nhưng các trường hợp polyp lớn, polyp gây triệu chứng hoặc có nguy cơ ung thư túi mật thì cần điều trị để dự phòng.


Trong túi mật có thể phát triển các polyp

1. Túi mật là gì?

Túi mật là một cơ quan hình quả lê nằm dưới gan. Túi mật lưu trữ mật – do gan sản xuất rồi giải phóng nó vào ruột non để giúp phân hủy chất béo.

2. Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật là tổn thương dạng u phát triển trên niêm mạc túi mật. Trong hầu hết trường hợp, những polyp này không phải ung thư.

Polyp túi mật thường gặp ở người trưởng thành, đa phần là polyp kích thước nhỏ hơn 10mm. Polyp kích thước lớn có thể lên đến 40mm. Một người có thể có một hoặc nhiều polyp (đa polyp).

Hầu hết tổn thương dạng polyp trong túi mật là sự lắng đọng triglyceride, cholesterol ester và tiền chất trong lớp đệm của túi mật. Một số phát triển từ các cấu trúc lớp lót của túi mật. Khoảng 5-10% khác là dạng mô sẹo do viêm túi mật mạn tính.
Các tổn thương dạng polyp có nguồn gốc từ biểu mô túi mật được xác định ác tính gọi là ung thư túi mật. 

3. Nguyên nhân gây polyp túi mật

Khối u polyp thực sự là sự phát triển bất thường của tế bào. Và người ta vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra điều này.
Còn các trường hợp polyp cholesterol là do nhiễm cholesterol,  polyp dạng mô sẹo là do viêm túi mật. Hai loại này chiếm phần lớn các trường hợp polyp túi mật.

 
Polyp túi mật thường gặp ở người béo phì

4. Đối tượng có nguy cơ bị polyp túi mật

Khoảng 4-7% người trưởng thành có thể bị polyp túi mật. Chỉ 5% các trường hợp này có khả năng trở thành ung thư. 

Polyp túi mật là bệnh phổ biến nhất của túi mật ở cả nam và nữ. Nguy cơ cao hơn ở các đối tượng:

- Người trên 40 tuổi

- Sỏi mật

- Viêm túi mật

- Viêm đường mật

- Thừa cân béo phì

- Cholesterol cao

- Tăng huyết áp

- Đái tháo đường

- Hạ đường huyết lúc đói

- Bệnh viêm gan B/C

5. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết polyp túi mật

Hầu hết các polyp túi mật không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Do đó người bệnh thường được phát hiện bị polyp túi mật khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh vì một nguyên nhân y tế khác. 

Một số trường hợp hiếm gặp, chúng có thể gây triệu chứng viêm và đau nếu nằm ở vị trí gây tắc nghẽn một trong các ống dẫn từ túi mật.

Các triệu chứng có thể gặp là:

- Đau bụng

- Sốt

- Buồn nôn và ói mửa

- Khó tiêu

- Vàng da

 
Hầu hết polyp túi mật không có triệu chứng

6. Cách chẩn đoán polyp túi mật

Polyp túi mật thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm bụng. Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh lý túi mật, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để kiểm tra. 

Đến nay, siêu âm vẫn là phương pháp kiểm tra tốt nhất để chẩn đoán polyp túi mật nhờ độ chính xác cao, dễ dàng tiếp cận và chi phí thấp.

Việc kiểm tra này không cho biết loại polyp túi mật là dạng nào, vì vậy có thể cần thêm các chẩn đoán hình ảnh chi tiết hơn.

Thế nhưng để biết chắc chắn polyp có phải ung thư hay không, cách duy nhất là cắt bỏ chúng. Và hiện nay để điều trị polyp túi mật, người ta phải cắt bỏ hoàn toàn túi mật.

7. Cách điều trị polyp túi mật

Tùy vào từng trường hợp, việc điều trị polyp túi mật sẽ được cân nhắc dựa trên kích thước, hình dạng, triệu chứng, nguy cơ ung thư của polyp và cả tuổi tác của người bệnh.

a. Theo dõi

Với những polyp nhỏ hơn 10mm, không có triệu chứng thì chỉ cần theo dõi bằng siêu âm định kỳ trong 6-12 tháng để phát hiện bất kỳ sự phát triển nhanh nào.

Ở những người trẻ nếu bị polyp không gây triệu chứng, polyp nhỏ hơn 15mm và có ít nguy cơ tiến triển thành ung thư thì thường ưu tiên theo dõi hơn là cắt túi mật vì những ảnh hưởng của cắt túi mật trong suốt quãng đời còn lại. Nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu phát hiện các biểu hiện của ác tính qua xét nghiệm máu và cận lâm sàng khác, hoặc polyp gây ra triệu chứng sốt, đau tái phát thì có thể cần phẫu thuật sớm.

 
Siêu âm định kỳ để theo dõi polyp túi mật

b. Phẫu thuật

Trong quá trình theo dõi, nếu polyp phát triển quá lớn, quá nhanh hoặc gây ra các triệu chứng thì cần cắt bỏ túi mật để dự phòng.

Nếu polyp kèm theo viêm túi mật hoặc sỏi mật, bác sĩ có thể đề nghị cắt túi mật để ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn. 

Polyp kèm theo viêm đường mật xơ cứng nguyên phát là một trong những yếu tố nguy cơ ác tính ở polyp túi mật, thường xem xét cắt túi mật bất kể kích thước của polyp. Nếu không phẫu thuật thì cần phải theo dõi cẩn thận.

Với trường hợp polyp ở người trên 60 tuổi; hình thái polyp lớn hơn 10mm, đơn độc, không cuống có khả năng tiến triển thành ung thư hoặc polyp lớn hơn 15mm thì có thể được đề nghị cắt bỏ túi mật ngay để dự phòng.

8. Polyp túi mật có nguy hiểm không?

Phần lớn polyp túi mật không có gì phải lo lắng. Chỉ một số rất ít trường hợp có khả năng tiến triển thành ung thư và bạn nên điều trị. Bởi vì ung thư túi mật tiến triển và có tiên lượng xấu nên việc phát hiện sớm và có biện pháp dự phòng thích hợp là rất quan trọng.

 
Điều trị polyp túi mật bằng cách cắt túi mật

9. Cắt túi mật để điều trị polyp có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

Ung thư túi mật ít gặp nhưng polyp túi mật thì khá phổ biến. Có một số ít polyp túi mật sẽ tiến triển thành ung thư và việc cắt túi mật là lựa chọn điều trị để dự phòng ung thư.

Cắt túi mật không gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, nhưng dù sao túi mật cũng là một cơ quan có vai trò tham gia điều hòa tiết mật và tiêu hóa chất béo, việc cắt túi mật sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa. Mặc dù ảnh hưởng này không lớn,

Sau khi cắt túi mật, hệ thống tiêu hóa vẫn tiếp tục hoạt động bình thường mà không cần đến túi mật. Gan sẽ gửi mật trực tiếp vào ruột non thay vì lưu trữ trong túi mật như trước. Bệnh nhân đã cắt túi mật được khuyên hạn chế ăn chất béo.

Hiện nay, phẫu thuật cắt túi mật thường được thực hiện nội soi, ít xâm lấn, ít biến chứng và hồi phục nhanh. Tuy nhiên, một số ít các trường hợp có thể bị chảy máu, biến chứng do gây mê hoặc tổn thương cơ quan lân cận. Nhưng nhìn chung, các rủi ro này là nhỏ so với nguy cơ ung thư túi mật tiềm ẩn.