NHỮNG ĐIỀU PHỤ NỮ CẦN BIẾT VỀ SOI VÀ SINH THIẾT CỔ TỬ CUNG

1. Soi cổ tử cung là gì?

Soi cổ tử cung là một phương pháp kiểm tra cổ tử cung, âm đạo và âm hộ bằng một máy soi có kính hiển vi phóng đại hình ảnh lên 10-30 lần để quan sát những tổn thương tại cổ tử cung mà mắt thường không thể thấy được.

Soi cổ tử cung kết hợp sinh thiết giúp phát hiện và chẩn đoán tế bào cổ tử cung bất thường, tiền ung thư, ung thư cổ tử cung và các tình trạng bệnh lý phụ khoa khác. Hiểu rõ về thủ thuật này và những gì sẽ xảy ra có thể giúp bạn bớt lo lắng. Trong quá trình soi cổ tử cung, nếu phát hiện vị trí bất thường nào, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô (sinh thiết) để gửi đến khoa giải phẫu bệnh lý để kiểm tra. Thủ thuật lấy mẫu mô từ bên trong lỗ mở của cổ tử cung được gọi là nạo kênh cổ tử cung (ECC).

2. Tại sao phải thực hiện soi cổ tử cung?


Soi cổ tử cung giúp phát hiện ung thư cổ tử cung

Bạn có thể được chỉ định soi cổ tử cung trong các trường hợp bác sĩ nhận thấy có tế bào bất thường. Việc soi cổ tử cung sẽ giúp bác sĩ có thêm thông tin để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng bệnh. Các trường hợp cần soi cổ tử cung là:

- Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung ( Pap smear) cho kết quả là bất thường.

- Bị chảy máu âm đạo không rõ lý do

- Khí hư ra nhiều, có mùi hôi hoặc màu sắc bất thường

- Đau khi quan hệ vợ chồng

- Có sự phát triển bất thường có thể nhìn thấy trên cổ tử cung, âm hộ hoặc âm đạo

- Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ

Soi cổ tử cung được sử dụng để chẩn đoán:

- Mụn cóc sinh dục

- Viêm cổ tử cung

- Tế bào tăng sinh lành tính – polyp cổ tử cung

- Dấu hiệu tiền ung thư

- Ung thư cổ tử cung, âm đạo hoặc âm hộ

3. Soi cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

 
Thiết bị mỏ vịt sử dụng khi soi cổ tử cung

Về cơ bản, xét nghiệm soi cổ tử cung diễn ra nhanh chóng và không gây nhiều khó chịu. Quá trình thường được thực hiện trong 10 đến 20 phút, không cần gây mê. Các bước thực hiện như sau:

- Bước 1: Bệnh nhân nằm giống như khi khám phụ khoa, nằm ngửa trên bàn, hai chân nâng lên, dạng kiềng.

- Bước 2: Đặt mỏ vịt vào âm đạo để giữ thành âm đạo mở, nhờ đó bác sĩ có thể nhìn thấy cổ tử cung.

- Bước 3: Đặt máy soi cổ tử cung cách âm hộ khoảng 30cm.

- Bước 4:  Làm sạch âm đạo và cổ tử cung bằng gòn và dung dịch lugol hoặc acid acetic. Việc này nhằm loại bỏ chất nhờn và giúp làm nổi bật các tế bào bất thường. 

- Bước 5:  Máy soi tử cung sẽ không chạm vào bệnh nhân. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ chụp ảnh và sinh thiết bất kỳ vị trí nào nghi ngờ bất thường.

Việc chèn mỏ vịt hoặc dung dịch làm sạch có thể khiến bạn thấy không thoải mái. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy tập trung hít thở chậm và sâu để thư giãn.

4. Sinh thiết khi soi cổ tử cung

a. Sinh thiết cổ tử cung

Soi cổ tử cung sẽ không gây đau, nhưng sinh thiết cổ tử cung có thể gây khó chịu và chảy máu ở một số phụ nữ.

b. Sinh thiết âm đạo

Hầu hết trường hợp sẽ không cảm thấy đau khi sinh thiết âm đạo. Nhưng phần dưới âm đạo sẽ có nhiều cảm giác hơn, bác sĩ có thể gây tê cục bộ vùng đó trước khi tiến hành sinh thiết.

5. Điều gì xảy ra sau khi soi cổ tử cung?

Một số phụ nữ lo ngại về việc soi cổ tử cung và sinh thiết sẽ khó mang thai hơn. Nhưng thực tế thủ thuật này không ảnh hưởng tới khả năng mang thai của bạn.

Soi và sinh thiết cổ tử cung là phương pháp an toàn, gần như không gây ra biến chứng gì. Đôi khi bạn có thể gặp phải một số vấn đề như: dịch âm đạo sẫm màu trong tối đa 03 ngày, âm đạo rát, chảy một ít máu. 

Nếu bạn làm sinh thiết thì cần lưu ý: tránh thụt rửa âm đạo, đặt thuốc âm đạo và quan hệ tình dục trong vòng một tuần sau khi làm thủ thuật.

Nếu bạn gặp các triệu chứng bất thường sau khi sinh thiết hãy gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện tái khám ngay lập tức.

6. Chuẩn bị gì trước khi soi cổ tử cung?

- Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai;

- Chỉ thực hiện soi cổ tử cung vào thời điểm không có kinh nguyệt;

- Không thụt rửa, sử dụng băng vệ sinh, kem bôi, thuốc đặt âm đạo hoặc quan hệ tình dục trong vòng 48 giờ trước khi đến khám;

- Hãy đi vệ sinh trước khi làm thủ thuật để bạn cảm thấy thoải mái hơn;

- Hãy trao đổi với bác sĩ về việc có nên sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc tê để sinh thiết hay không.