NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ XUẤT HUYẾT TIÊU HOÁ

Xuất huyết tiêu hóa là triệu chứng đáng lo ngại trong nhiều bệnh lý tiêu hóa như loét dạ dày, loét đại trực tràng… và còn là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng nguy hiểm hơn như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng.

 
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu đường tiêu hóa 

1. Xuất huyết tiêu hóa là gì?

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa (còn gọi là ống tiêu hóa), có thể chia thành hai loại chính là xuất huyết trên và xuất huyết dưới.

Trong đó đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng. Đường tiêu hóa dưới bao gồm ruột non, đại tràng, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn.

Xuất huyết đường tiêu hóa trên phổ biến hơn so với xuất huyết đường tiêu hóa dưới. Tỷ lệ mắc tình trạng này tăng theo độ tuổi.

2. Triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa

Tình trạng chảy máu ít có thể khó phát hiện và chỉ xét nghiệm phân mới có thể phát hiện. 

Các dấu hiệu chảy máu trong đường tiêu hóa sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ chảy máu. Bạn có thể nhận ra các triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa qua việc quan sát phân và chất nôn.

Dấu hiệu chảy máu ở đường tiêu hóa trên bao gồm:

- Nôn ra máu hoặc máu lẫn trong chất nôn

- Chất nôn giống như bã cà phê

- Phân đen hoặc sệt như hắc ín

- Phân có lẫn máu sẫm, đỏ bầm hoặc nâu sậm

Dấu hiệu chảy máu ở đường tiêu hóa dưới bao gồm:

- Phân đen hoặc sệt như hắc ín

- Phân có lẫn máu sẫm, đỏ bầm hoặc nâu sậm

- Phân có lẫn máu đỏ tươi 

- Máu đỏ trong bồn cầu hoặc giấy vệ sinh

Khi mất nhiều máu, bạn có thể có biểu hiện của thiếu máu như gầy sút, xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, hụt hơi.

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

 
Nôn ra máu cảnh báo xuất huyết đường tiêu hóa trên

3. Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa không phải là bệnh mà là một triệu chứng của bệnh. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này.

a. Nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa trên

Xuất huyết đường tiêu hóa trên xảy ra ở thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Một số nguyên nhân thường gặp là:

- Loét dạ dày: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây xuất huyết dạ dày. Loét dạ dày xảy ra thứ phát do dư thừa axit dạ dày, nhiễm vi khuẩn H. pylori và lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

- Giãn tĩnh mạch thực quản: Tình trạng này khiến tĩnh mạch bị rách và chảy máu. Giãn tĩnh mạch thực quản thường do xơ gan.

- Hội chứng Mallory-Weiss: Là vết rách niêm mạc do nôn mửa nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại. Tình trạng này hay gặp ở người uống rượu quá mức.

- Viêm thực quản: Tình trạng thực quản bị viêm thường do bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra.

- Viêm dạ dày hoặc viêm tá tràng.

- Nuốt phải dị vật.

- Ung thư: Ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư trực tràng có thể gây chảy máu.

- Chảy máu sau phẫu thuật (vd: sau cắt polyp, sau cắt cơ vòng).

b. Nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa dưới

Xuất huyết đường tiêu hóa dưới xảy ra ở ruột non, đại tràng, trực tràng hoặc hậu môn. Một số nguyên nhân thường gặp là

- Viêm loét đại trực tràng chảy máu và Crohn: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu đường tiêu hóa dưới.

- Bệnh trĩ: Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết tiêu hóa. Trĩ xảy ra ở phía trong trực tràng hoặc hậu môn. Nó khiến tĩnh mạch phồng, vỡ và chảy máu.

- Nứt hậu môn: Thường do táo bón hoặc phân cứng.

- Túi thừa: Tình trạng vách đại tràng lồi ra ở vị trí mạch máu xuyên qua, theo thời gian có thể khiến các mạch máu bị vỡ và chảy máu.

- Viêm đại tràng, viêm trực tràng.

- Polyp đại tràng.

- Ung thư đại trực tràng.

- Chảy máu sau phẫu thuật (vd: sau cắt polyp, sau sinh thiết).

 
Xuất huyết tiêu hóa là triệu chứng của nhiều loại bệnh tiêu hóa

4. Cần làm gì khi có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa

Dù bạn bị chảy máu ít hay nhiều thì bạn cũng cần đi khám, nhất là khi bạn bị nôn hay đại tiện ra máu nhiều.

Tùy vào nguyên nhân và mức độ chảy máu mà bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp. 

Ví dụ: Một số trường hợp bị trĩ nhẹ thì chỉ cần sử dụng các phương pháp điều trị không kê đơn, nặng hơn thì cần phẫu thuật. Hay như chảy máu do túi thừa thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị xâm lấn.  Một số tình trạng gây viêm loét thì cần uống thuốc để giảm đau, giảm viêm và hạn chế triệu chứng. Nghiêm trọng hơn thì cần phẫu thuật.

Các trường hợp ung thư đường tiêu hóa cần phát hiện sớm và điều trị tích cực. Ung thư đường tiêu hóa trong giai đoạn sớm thường có thể điều trị khỏi bằng phẫu thuật.

5. Làm sao để xác định được nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa

Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. Sau đó bạn cần làm một số xét nghiệm để chẩn đoán. Không phải bất kỳ ai cũng cần làm tất cả các xét nghiệm dưới đây, mà tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định thích hợp.

- Xét nghiệm máu

- Xét nghiệm phân

- Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng

- Nội soi đại trực tràng

- Sinh thiết

- Chụp X-quang có chất cản quang

Chụp CT

-
 
Nội soi là phương pháp hiệu quả để tìm nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa

6. Biến chứng của xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Các biến chứng có thể xảy ra là:

- Suy hô hấp

- Nhồi máu cơ tim

- Sự nhiễm trùng

- Sốc

- Tử vong

Theo một nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do xuất huyết tiêu hóa trên ở bệnh viện là khoảng 10%. Theo dõi lâu dài sau 3 năm, tỷ lệ này tăng lên 37% do mọi nguyên nhân. Tử vong thường liên quan đến việc phải nhập viện nhiều lần vì xuất huyết tiêu hóa, chảy máu do giãn tĩnh mạch và ung thư.

Cũng theo nghiên cứu này, đối với tình trạng xuất huyết tiêu hóa dưới, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện dưới 4%. Nguyên nhân tử vong do chính tình trạng xuất huyết là hiếm gặp, chủ yếu là do các bệnh kèm theo khác và thiếu máu cục bộ đường ruột. Các bệnh lý lành tính như trĩ, nứt hậu môn hay polyp đại tràng sẽ có nguy cơ tử vong thấp nhất.

7. Các hạn chế tình trạng xuất huyết tiêu hóa

Để hạn chế tình trạng xuất huyết tiêu hóa, bạn nên:

- Hạn chế sử dụng thuốc chống viêm không steroid.

- Hạn chế sử dụng rượu bia.

- Không hút thuốc lá.

- Tích cực điều trị các bệnh lý tiêu hóa hiện có.