MỀ ĐAY MẠN TÍNH, CÓ PHẢI DO GAN YẾU?

Mề đay mạn tính

1. Mề đay (mày đay) mạn tính là gì?
Mề đay mạn tính là một dạng phát ban trên da, có thương tổn là một quầng đỏ (hồng ban) hơi phù nề, gồ lên mặt da (sẩn phù), và gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu, thường lặn mất trong vòng 24 giờ. Đôi khi, mày đay còn đi kèm với triệu chứng phù quanh hốc mắt hay phù môi, lưỡi, mà từ chuyên môn gọi là phù mạch, không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ rất nhiều.

Trong các tình trạng nặng hơn, mề đay có thể là một triệu chứng của phản ứng phản vệ, hoặc sốc phản vệ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo một số nghiên cứu, khoảng 10-20% người trong dân số bị mề đay ít nhất một lần trong đời.

Đa số các mề đay đều tự hết trong vòng 6 tuần (mề đay cấp tính), một số trường hợp có thể tái đi tái lại hơn 6 tuần gọi là mề đay mạn tính. Tình trạng mề đay mạn tính gây khó chịu rất nhiều cho người bệnh, gây mất tập trung, ảnh hưởng đến học tập, công việc, ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm cho chất lượng cuộc sống giảm đi rất nhiều.

2. Nguyên nhân gây bệnh mề đay mạn tính
Trong dân gian hay truyền miệng với nhau rằng, mề đay là do suy giảm chức năng gan hoặc do nhiễm ký sinh trùng gây ra, nhưng thực ra, quan điểm đó chưa chính xác. Mề đay mạn tính có thể có nguyên nhân rõ ràng trong 20-30% các trường hợp, thường là do các yếu tố ngoại cảnh gây ra.

Có rất nhiều yếu tố gây bệnh như: mề đay do nhiệt độ (nóng quá, hoặc lạnh quá), mày đay do áp lực, mề đay do ánh nắng mặt trời, mày đay giao cảm (khi thay đổi cảm xúc, khi tập thể thao, khi tắm…), mề đay do rung lắc, mày đay tiếp xúc hay mày đay do nước.

Đại đa số, khoảng 70-80% các trường hợp mề đay mạn tính không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng, gọi là mày đay mạn tính tự phát. Tuy nhiên, các bệnh nội khoa tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây ra loại mề đay này, ví dụ như nhiễm Helicobacter pylori, nhiễm trùng mạn tính, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh tự miễn trong đó có bệnh tuyến giáp, hoặc hiếm gặp hơn là các bệnh ung thư.

Vậy mề đay mãn tính có phải do gan yếu?
Với những thông tin ở trên thì có rất nhiều nguyên nhân gây mày đay, chứ không phải do gan hoặc do nhiễm ký sinh trùng. Nếu tất cả các nguyên nhân được loại trừ, thì có thể do một yếu tố nội sinh chưa được biết đến gây ra tình trạng mày đay mạn tính tự phát.

3. Phương pháp sàng lọc và điều trị mề đay mạn tính
Theo TS.BS Phạm Lê Duy – Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 cho biết mề đay mạn tính không hiếm gặp, không chỉ ảnh hưởng đến công việc, học tập, giấc ngủ, còn khiến người bệnh lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều.

Người bị mề đay mạn tính nên được các bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh sử kỹ càng và được tiến hành các xét nghiệm cần thiết để sàng lọc và tìm ra nguyên nhân, nếu có, để điều trị triệt để.

Hiện nay, các thuốc điều trị mày đay đã được cải tiến rất tốt, nhiều loại thuốc an toàn, không ảnh hưởng gan, thận và hầu như không có tương tác khi sử dụng chung các loại thuốc khác.

Tại Phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, thuộc Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, các bệnh nhân mày đay cấp hay mạn tính sẽ được các bác sĩ thăm khám kỹ càng, tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu và điều trị với các phác đồ được cập nhật mới nhất.

Tài liệu tham khảo:
1. Zuberbier T, Aberer W, Asero R, et al. The EAACI/GA2LEN/EDF/WAO guideline for the definition, classification, diagnosis and management of urticarial. Allergy 2018; 73:1393-1414.
2. Kaplan PA. Chronic spontaneous urticarial: Pathogenesis and treatment considerations. Allergy, Asthma & Immunology Research. 2017; 9:477-482.
3. Schaefer P. Acute and chronic urticarial: evaluation and treatment. American Family Physician. 2017; 95:717-724.