LIQUI-PREP: PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Phương pháp xét nghiệm tế bào cổ tử cung Liqui-Prep

1. Có những kỹ thuật xét nghiệm tế bào cổ tử cung nào?

Ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa phổ biến ở phụ nữ và có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Vì vậy mà việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên được coi trọng và thực hiện định kỳ.

Một trong những phương pháp được sử dụng rộng rãi để tầm soát và chẩn đoán ung thư cổ tử cung là xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear). Mục tiêu của tầm soát là xác định các tế bào tiền ung thư để loại bỏ, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.

Có 3 kỹ thuật để xét nghiệm tế bào cổ tử cung là: Pap thông thường (Papanicolaou), Thin Prep và Liqui-Prep. 

Thin Prep và Liqui-Prep là hai kỹ thuật có giá trị cao để chẩn đoán bởi ưu điểm cho ra hình ảnh mô học đẹp, dễ đọc, nhờ đó tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào biểu mô bất thường. Trong đó, Liqui-Prep có nhiều ưu điểm hơn so với Thin Prep.

2. Những ưu điểm của Liqui-Prep trong tầm soát ung thư cổ tử cung

Kể từ năm 1950 khi xét nghiệm Pap được đưa vào để tầm soát ung thư cổ tử cung, số ca mắc mới và tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm xuống đáng kể. 

Như bất kỳ xét nghiệm nào khác trong phòng thí nghiệm, xét nghiệm tế bào học không phải lúc nào cũng chính xác. Đôi khi nó cho ra kết âm tính giả hoặc dương tính giả. Do đó mà các kỹ thuật xét nghiệm luôn được phát triển để nâng cao hiệu quả chẩn đoán. Mà Liqui-Prep là phương pháp được cải tiến mới nhất hiện nay.

So với Pap thông thường có sự dao động trong độ nhạy thì Liqui-Prep có độ nhạy cao và ổn định hơn, nhờ đó kết quả có tỷ lệ chính xác cao, có giá trị dự đoán dương tính.

Cả Thin Prep và Liqui-Prep đều là phương pháp xét nghiệm tế bào học dựa trên chất lỏng. Nhưng Liqui-Prep là phương pháp tế bào học chất lỏng thế hệ 2. So với Thin Prep đòi hỏi thiết bị tự động đắt tiền và chi phí cho mỗi lần xét nghiệm cao, thì Liqui-Prep chỉ cần thiết bị phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, giảm chi phí cho người bệnh nhưng vẫn đảm bảo được độ chính xác cần phải có.

Nhờ những ưu điểm đó mà Liqui-Prep rất phù hợp để áp dụng rộng rãi cho cộng đồng phụ nữ để tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên.

Nhìn chung, kỹ thuật xét nghiệm tế bào cổ tử cung Liqui-Prep có những ưu điểm sau:

- Quy trình thực hiện đơn giản.

- Số lượng tế bào cổ tử cung được lấy để xét nghiệm nhiều hơn.

- Bảo tồn đầy đủ cấu trúc tế bào để đánh giá hình thái học.

- Ít bị nhiễu bởi các thành phần không phải tế bào (hồng cầu, chất nhầy, viêm).

- Các tế bào không bị chồng chất lên nhau, cấu trúc và nền tế bào rõ ràng.

- Giảm đáng kể tỷ lệ dương tính giả so với Pap thông thường.

- Có tính ứng dụng cao trong sàng lọc ung thư cổ tử cung nhờ độ chính xác cao và chi phí thấp.

3. Quy trình thực hiện xét nghiệm Liqui-Prep

 
Sử dụng mỏ vịt khi thực hiện xét nghiệm Liqui-Prep

Quy trình lấy mẫu Liqui-Prep rất dễ thực hiện và diễn ra nhanh chóng. Điều quan trọng là người bệnh cần thả lỏng, tránh căng thẳng hay cựa quậy cản trở quá trình lấy mẫu.

Dưới đây là quy trình thực hiện xét nghiệm Liqui-Prep:

- Bệnh nhân nằm trên bàn khám theo hướng dẫn, hai chân nâng lên, dạng kiềng, thả lỏng người.

- Sử dụng mỏ vịt để mở âm đạo.

- Chùi sạch dịch tiết ở cổ tử cung bằng que bông gòn (nếu cần).

- Đưa chổi tế bào cổ tử cung (Cervix brush) vào để quét lấy mẫu tế bào ở khu vực cổ tử cung. 

- Rút chổi ra, nhúng vào lọ chứa dung dịch cố định tế bào.

- Lấy cán chổi ra và đậy kín nắp lọ.

- Bảo quản mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm.

- Tại phòng thí nghiệm, mẫu được làm sạch, ly tâm và pha loãng với dung dịch chất dính (Cell base), sau đó được phết lên lam kính để tiến hành nhuộm và phân tích.
Nếu Liqui-Prep cho ra kết quả bất thường, bệnh nhân có thể cần soi cổ tử cung, đồng thời lấy mẫu sinh thiết nếu phát hiện vị trí bất thường.

4. Ai cần làm xét nghiệm Liqui-Prep để tầm soát ung thư cổ tử cung?

 
Phụ nữ từ 21 tuổi nên làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung định kỳ

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là kỹ thuật gần như không gây hại và mang lại rất nhiều lợi ích. Do đó, xét nghiệm này được khuyến khích thực hiện định kỳ ở mọi phụ nữ từ 21 tuổi trở đi (đã quan hệ tình dục) để tầm soát ung thư cổ tử cung.

Phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung ít nhất mỗi 3 năm 1 lần. Với những phụ nữ có yếu tố nguy cơ dưới đây nên tầm soát thường xuyên hơn: 

- Nhiễm virus HPV (không phải ai nhiễm HPV cũng bị ung thư, nhưng hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra).

- Có kết quả xét nghiệm phụ khoa trước đó bất thường.

- Đã được chẩn đoán tiền ung thư cổ tử cung.

- Trước đây từng bị ung thư cổ tử cung.

- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: HIV, chlamydia, giang mai, bệnh lậu hoặc herpes simplex.

- Hút thuốc lá.

- Quan hệ tình dục sớm.

- Quan hệ tình dục với nhiều người.

- Mang thai trước 17 tuổi.

- Sinh con nhiều lần (trên 3 lần).

Để biết chính xác tần suất thực hiện Pap smear phù hợp với bạn, trong lần khám phụ khoa gần nhất hãy hỏi bác sĩ bao lâu sau bạn cần làm lại xét nghiệm này.

Xét nghiệm Pap ít khi được chỉ định thực hiện ở nhóm phụ nữ:

- Dưới 21 tuổi hoặc chưa quan hệ tình dục (không thực hiện xét nghiệm ở phụ nữ độc thân trừ khi có yêu cầu).

- Đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cổ tử cung.

- Trên 65 tuổi (nhóm phụ nữ này hiếm khi có kết quả Pap bất thường).

5. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Liqui-Prep tầm soát ung thư cổ tử cung

Khi thực hiện xét nghiệm Liqui-Prep, bạn cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo độ chính xác của xét nghiệm:

- Không xét nghiệm trong kỳ kinh nguyệt, đợi ít nhất 5-7 ngày sau ngày kinh cuối cùng. Thời điểm tốt nhất để làm Liqui-Prep là ngày 10-14 của chu kỳ kinh.

- Hai ngày trước đó, không: quan hệ tình dục, thụt rửa âm đạo, sử dụng dung dịch vệ sinh, kem bôi, thuốc đặt âm đạo.