KHI NÀO CẦN NỘI SOI DẠ DÀY

Nội soi dạ dày là phương pháp đưa ống nội soi mềm vào đường tiêu hóa giúp kiểm tra, tầm soát và chẩn đoán các bệnh lý thực quản, dạ dày và tá tràng.

1. Nội soi dạ dày để làm gì? 

Nội soi dạ dày là phương pháp sử dụng ống nội soi mềm đưa vào bên trong đường tiêu hóa của người bệnh để kiểm tra, quan sát dạ dày, thực quản, tá tràng và hành tá tràng. Đây là phương pháp nội soi an toàn, hiệu quả cao trong việc chẩn đoán các tổn thương đường tiêu hóa trên. Khi thực hiện nội soi dạ dày, bác sĩ có thể dùng một số dụng cụ chuyên dụng để sinh thiết, cắt polyp, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản, nong phần bị hẹp …

Nội soi dạ dày ít khi gây biến chứng. Thông thường, các biến chứng có thể đến từ việc đường tiêu hóa có tình trạng dọa thủng hay đã bị thủng từ trước. Việc người bệnh không hợp tác hay có bệnh lý nền về phổi hay tim mạch nguy hiểm cũng có thể là nguyên nhân gây biến chứng khi thực hiện nội soi dạ dày.

Chảy máu, nhiễm trùng, xây xác niêm mạc, biến chứng hô hấp và tim mạch … là một số biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện nội soi dạ dày. 

2. Các bước nội soi dạ dày

Tùy theo từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi cho bệnh nhân theo các bước cần thiết, đảm bảo cho ra kết quả có giá trị chẩn đoán cao. Tuy nhiên, dưới đây là các bước nội soi dạ dày cơ bản, bác sĩ có thể áp dụng như:

a. Chuẩn bị trước khi nội soi dạ dày

- Bác sĩ nội soi sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra tiền sử ngoại khoa, nội khoa của người bệnh, có đang sử dụng các loại thuốc nào hay không. Người bệnh cũng có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm bổ sung khi cần thiết. Có thể nói đây là bước bắt buộc thực hiện trước khi nội soi. Điều này giúp phát hiện các bệnh nền nghiêm trọng nếu có hay sự tồn tại của các loại thuốc chống đông máu, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm khi can thiệp nội soi. 

- Trước khi thực hiện nội soi dạ dày, người bệnh cần nhịn ăn từ 6 đến 8 tiếng để dạ dày sạch giúp quá trình nội soi dễ dàng và chính xác hơn. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn và tránh ảnh hưởng đến kết quả nội soi, người bệnh cũng nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể ngưng sử dụng một số loại thuốc nhất định.

b. Tiến hành nội soi dạ dày

- Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn nằm đúng tư thế khi tiến hành nội soi. Các thiết bị theo dõi mạch, nhịp tim, huyết áp sẽ được gắn trực tiếp lên người bệnh nhân, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình nội soi. Nếu nội soi có thực hiện gây mê, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ truyền lượng thuốc mê vừa đủ thông qua tĩnh mạch trên cánh tay của người bệnh.

 
Các bước nội soi dạ dày

- Bắt đầu nội soi dạ dày, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi mềm đi qua thực quản, sau đó xuống tá tràng và dạ dày. Lúc này, hình ảnh trong đường tiêu hóa của người bệnh được camera thu lại, hiển thị trên màn hình TV. Căn cứ vào hình ảnh nội soi, bác sĩ có thể nhận định chính xác các vùng tổn thương, từ đó, đưa ra chẩn đoán bệnh.

- Khi thực hiện nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu sinh thiết nếu cần thiết cho việc xét nghiệm mô bệnh học hay tiến hành điều trị như cầm máu, cắt polyp, nong hẹp, lấy dị vật …

- Thông thường, quá trình nội soi dạ dày diễn ra trong khoảng từ 10 đến 20 phút, tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh.

c. Sau khi nội soi dạ dày

- Nếu có gây mê trong quá trình nội soi dạ dày, bệnh nhân sẽ được bác sĩ đưa ra vị trí để nghỉ ngơi và hồi tỉnh khoảng 30 phút.

- Một số triệu chứng người bệnh có thể gặp phải sai khi nội soi dạ dày bao gồm nôn, buồn nôn, khó nuốt, đau mũi nếu nội soi dạ dày qua đường mũi, chảy máu miệng, đau họng nếu nội soi dạ dày qua đường miệng. Các triệu chứng này có thể hoàn toàn bình thường và dần biến mất, không cần thăm khám hay điều trị.

- Kết quả nội soi dạ dày có thể có ngay sau khi thực hiện. Bác sĩ sẽ trả kết quả cho người bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, kê đơn thuốc và chỉ định tái khám khi cần theo dõi thêm.

3. Khi nào người bệnh cần thực hiện nội soi dạ dày?

Ở hầu hết các trường hợp, người bệnh nội soi dạ dày khi có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần nội soi khi gặp phải các vấn đề sau:

- Người bệnh xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đau thượng vị, khó nuốt, ợ chua, ợ hơi, chán ăn, chướng bụng, khó tiêu, đi ngoài phân đen, buồn nôn …

- Người bệnh cần thực hiện sinh thiết (lấy mẫu mô để chẩn đoán) hay cần điều trị một số tình trạng cụ thể như cắt bỏ polyp, giãn thực quản, loại bỏ dị vật …

- Người bệnh cần được đánh giá, xem xét lại kết quả sau điều trị bệnh lý dạ dày – thực quản – tá tràng.

- Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh lý đường tiêu hóa như người béo phì, thừa cân, nghiện thuốc lá, người có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa hay người bị viêm loét dạ dày mãn tính …

Phương pháp nội soi dạ dày ít khi có chống chỉ định tuyệt đối do đây là thủ thuật khá an toàn. Tuy nhiên, ở người bị thủng dạ dày hay các cơ quan khác trong ống tiêu hóa, bác sĩ có thể không chỉ định thực hiện nội soi cho người bệnh. 

 
Nội soi dạ dày gây mê có ảnh hưởng gì không?

Tương tự đối với người bị bỏng do uống acid, người bị thiếu máu cơ tim thấp, bị suy tim, bị suy hô hấp hay người có túi thừa Zenker, có túi phình lớn ở động mạch chủ, người mới ăn no và các trường hợp cụ thể khác cũng có thể không được thực hiện nội soi dạ dày.

Bên cạnh các trường hợp được bác sĩ chỉ định, người không có triệu chứng, không thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao hay người khỏe mạnh cũng có thể tự nguyện tiến hành nội soi dạ dày. Điều này giúp tầm soát và phát hiện sớm các vấn đề bất thường của hệ tiêu hóa. 

Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, không nên nội soi dạ dày khi chưa thật sự cần thiết. Mặc dù nội soi dạ dày được đánh giá an toàn nhưng vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Qúa trình nội soi dạ dày có thể gây nôn ói, khó chịu, nặng hơn có thể bị nhiễm trùng, xước, bị thủng thực quản, dạ dày ảnh hưởng đến việc ăn uống và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. 

Ngoài ra, mẹ bầu không nên thực hiện phương pháp nội soi có gây mê do thuốc mê có thể tăng nguy cơ sinh non, quái thai, dị dạng ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ở một số trường hợp cấp cứu cần thiết, bác sĩ vẫn có thể thực hiện nội soi trên thai phụ.