BỆNH CROHN LÀ GÌ?

Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính, gây tổn thương các đoạn ống tiêu hóa và tiến triển từng đợt. Bệnh Crohn cần được điều trị để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về bệnh Crohn.

 


Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột (IBS)

1. Crohn là bệnh gì?

Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính gây viêm đường tiêu hóa. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn, nhưng các vị trí tổn thương thường gặp nhất là hồi tràng, đại tràng và hậu môn (hồi tràng là phần cuối cùng của ruột non nối với ruột già). 

Một loại bệnh viêm ruột khác là viêm loét đại trực tràng chảy máu. Khác với viêm loét đại tràng gây ra đoạn tổn thương liền mạch trên trực tràng và đại tràng, Crohn gây ra các tổn thương không đồng đều, xen lẫn các đoạn niêm mạc lành.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh Crohn

Nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn vẫn chưa rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh Crohn là do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm và phá hủy các mô cơ thể khỏe mạnh.

Bệnh Crohn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp hơn ở người trong độ tuổi từ 15-35 tuổi. 

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn như:

- Tiền sử gia đình có cha mẹ, con cái hoặc anh chị em mắc bệnh Crohn.

- Hút thuốc lá.

- Một số loại thuốc như: thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc chống viêm không steroid.

- Chế độ ăn nhiều chất béo.

3. Cách nhận biết và triệu chứng của bệnh Crohn

Bệnh Crohn có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người tùy vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các triệu chứng chính thường gặp là:

- Tiêu chảy, có thể có máu.

- Đau quặn bụng (hạ sườn phải, hố chậu phải).

- Mệt mỏi.

- Sốt.

- Chán ăn và sút cân.

- Cảm giác muốn đi đại tiện mặc dù ruột đã trống rỗng.

 
Bệnh Crohn gây ra cơn đau bụng ở hạ sườn phải

Các triệu chứng khác của bệnh Crohn là:

- Thiếu máu.

- Táo bón.

- Đau khớp.

- Mắt đỏ hoặc đau.

- Biểu hiện da: loét miệng, sưng nướu, ban đỏ nút, viêm mủ da.

- Khối u hố chậu trái.

4. Bệnh Crohn có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh Crohn là gì?

Bệnh Crohn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

- Viêm đại tràng nặng.

- Hẹp, rò và áp xe.

- Chèn ép vào cơ quan lân cận.

- Xuất huyết tiêu hóa, thủng, teo đại tràng.

- Vết nứt hậu môn.

- Vết loét hở trong miệng, ruột, hậu môn hoặc đáy chậu.

- Suy dinh dưỡng.

- Viêm ở các vùng trên cơ thể như khớp, mắt, da.

Bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và ung thư ruột. Nguy cơ tăng lên khi bạn mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại trực tràng chảy máu trên 8 năm. Lúc này bạn nên làm các xét nghiệm để tầm soát ung thư.

5. Cách chẩn đoán bệnh Crohn

Bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh Crohn.

Một số xét nghiệm dùng để chẩn đoán như:

- Xét nghiệm máu.

- Xét nghiệm phân.

- Nội soi đường tiêu hóa trên và dưới.

- Chụp CT hoặc chụp X-quang đường tiêu hóa.

- MRI vùng bụng.

 
Nội soi đường tiêu hóa dưới trong chẩn đoán bệnh Crohn

6. Cách điều trị bệnh Crohn

Bệnh Crohn là bệnh mạn tính, không có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị được. Việc điều trị có thể làm giảm tình trạng viêm, giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ được áp dụng cho từng cá nhân cụ thể dựa trên vị trí, mức độ nghiêm trọng của bệnh, đặc điểm cá nhân và tình trạng sức khỏe tổng thể. Nhưng nhìn chung, điều trị bệnh Crohn sẽ bao gồm thay đổi lối sống, điều trị nội khoa và phẫu thuật.

Thuốc điều trị bệnh Crohn bao gồm các loại giúp giảm đau, chống viêm, chống tiêu chảy, kháng sinh trong trường hợp có nhiễm trùng hoặc các loại thuốc khác theo tình trạng bệnh.

Đối với trường hợp Crohn gây bệnh nặng hơn bạn có thể cần phải nằm viện để điều trị. Lúc này ưu tiên để cho ruột nghỉ ngơi, tức là bạn chỉ nhận chất dinh dưỡng thông qua truyền dịch. Thời gian nằm viện sẽ phụ thuộc vào khả năng hồi phục, có thể vài ngày hoặc lên đến vài tuần.

Phẫu thuật thường được chỉ định để điều trị bệnh Crohn trong trường hợp điều trị nội khoa không có kết quả hoặc Crohn đã gây ra biến chứng. Phẫu thuật sẽ giúp điều trị biến chứng, ví dụ hẹp, rò ruột, tắc ruột, chảy máu nghiêm trọng, nhiễm trùng…

 
Điều trị bệnh Crohn để ngăn ngừa biến chứng

Bên cạnh đó, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống. Đó là một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, cung cấp đầy đủ calo, protein và chất dinh dưỡng từ nhiều nhóm thực phẩm.
Mặc dù thức ăn và đồ uống không gây ra bệnh Crohn nhưng một số loại thực phẩm có thể khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Để giảm bớt triệu chứng, hãy thử:

- Tránh đồ uống có ga

- Tránh thực phẩm giàu chất xơ. 

- Tránh thức ăn béo, dầu mỡ và các loại nước sốt

- Tránh thực phẩm sinh khí như bắp cải, bông cải xanh, súp lơ trắng…

- Tránh thức ăn cay và gia vị kích thích.

- Hạn chế sữa và sản phẩm từ sữa nếu bạn gặp vấn đề về tiêu hóa chất béo từ sữa.

- Nên uống nhiều nước (uống một lượng nhỏ thường xuyên trong ngày).

- Chia nhỏ các bữa ăn. 

Thực phẩm kích thích bệnh Crohn ở mỗi người có thể khác nhau. Vì vậy, tốt nhất là hãy lưu ý và ghi chú lại các loại thực phẩm mà khi ăn nó gây kích thích bệnh của bạn.
Bên cạnh đó hãy hỏi bác sĩ một số loại vitamin và khoáng chất mà bạn có thể cần bổ sung.

Ngoài ra, cảm xúc căng thẳng, lo lắng được xem là một yếu tố kích thích bệnh Crohn. Hãy học cách quản lý và giảm thiểu các tình huống gây căng thẳng.

7. Cách phòng ngừa bệnh Crohn

Nguyên nhân gây ra bệnh Crohn vẫn chưa được xác định, vì vậy mà không có cách để ngăn chặn hoàn toàn bệnh Crohn. Nhưng một lối sống lành mạnh luôn có ích. Bao gồm:

- Giữ cân nặng hợp lý.

- Không hút thuốc.

- Hạn chế căng thẳng.

- Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng với nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế muối, đường, thực phẩm giàu chất béo không lành mạnh.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Không lạm dụng thuốc, chỉ nên sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh Crohn hoặc bạn bị đau bụng, táo bón, tiêu chảy hay các rối loạn tiêu hóa khác kéo dài, không thuyên giảm, tái phát liên tục hoặc trở nên nghiêm trọng thì bạn nên đi khám. Các rối loạn tiêu hóa có thể chỉ là tình trạng thông thường nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng khác. Việc điều trị sớm bất kỳ tình trạng nào đều đem lại kết quả và cơ hội tốt hơn so với việc điều trị trong giai đoạn muộn