BỆNH BASEDOW(GRAVES) LÀ GÌ?

Basedow (Graves) là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây ra tình trạng cường giáp hay tuyến giáp hoạt động quá mức. Điều trị bệnh Basedow không phức tạp, nhưng nếu không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn các thông tin cần biết về bệnh Basedow.

 
Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp

1. Bệnh Basedow là gì?

Bệnh Basedow còn được gọi là bệnh Graves hay bướu giáp lan tỏa nhiễm độc. Đây là một rối loạn tự miễn dịch dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá mức, gây phì đại tuyến giáp và đôi khi là các vấn đề về mắt. 

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức và gây dư thừa hormone tuyến giáp dẫn đến một loạt các triệu chứng. Cường giáp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Và bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp. 

Tuy nhiên, có một số ít người mắc bệnh Basedow nhưng không có triệu chứng cường giáp mà chỉ có triệu chứng mắt.

2. Triệu chứng của bệnh Basedow là gì?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết hình con bướm nằm ở phía trước cổ. Các hormone do tuyến giáp sản xuất tham gia vào nhiều quá trình hoạt động của cơ thể như tiêu hóa, điều hòa nhiệt độ, nhịp tim và sự tăng trưởng. Bệnh Basedow khiến tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây ra một loạt các triệu chứng nhau tùy theo độ tuổi.

Các triệu chứng của bệnh Basedow ở người trẻ là:

- Bướu giáp to lan tỏa (thường là đối xứng), bướu nhỏ chỉ có thể phát hiện khi khám lâm sàng hoặc siêu âm tuyến giáp

- Tăng động, lo lắng, bồn chồn, hồi hộp, dễ kích thích

- Rối loạn giấc ngủ

- Vú to ở nam giới

- Khó tập trung

- Mệt mỏi

- Thường xuyên bị tiêu chảy

- Rụng tóc

- Không chịu được nóng

- Tăng tiết mồ hôi

- Tăng cảm giác thèm ăn mặc dù giảm cân, một số trường hợp có thể tăng cân

- Yếu cơ, thường ở hông và vai 

- Tâm trạng thất thường, dễ cáu kỉnh, tức giận

- Đánh trống ngực

- Nhịp tim nhanh và không đều

- Run tay

- Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, thiếu kinh hoặc mất kinh

- Nam giới bị rối loạn cương dương

Người lớn tuổi thường gặp các triệu chứng:

- Nhịp tim nhanh hoặc không đều

- Đau ngực

- Mất trí nhớ, lú lẫn

- Yếu, mệt mỏi

- Chán ăn

 
Bệnh Basedow gây ra triệu chứng mắt lồi

Basedow có thể gây ra các triệu chứng về mắt ở 25-30% các trường hợp mắc bệnh. Và đôi khi một người bị Basedow chỉ có triệu chứng mắt (bệnh mắt Graves) mà không có các triệu chứng cường giáp khác:

- Mắt lồi ở một hoặc cả hai mắt

- Co kéo cơ mi trên

- Mắt khó chịu, đau, ngứa hoặc chảy nước mắt

- Phù quanh hốc mắt

- Nhìn đôi

- Giảm thị lực và tổn thương giác mạc

Một số người bị Basedow có triệu chứng mắt còn phát triển tình trạng phù niêm trước xương chày. Đây là tình trạng vùng da ở cẳng chân và mặt trên của bàn chân bị đỏ, dày và sưng lên.

3. Nguyên nhân của bệnh Basedow

Basedow là bệnh tự miễn, tức là hệ thống miễn dịch thay vì bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh thì quay sang kích thích nhầm tuyến giáp. 

Đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh Basedow vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nghiên cứu cho rằng Basedow xảy ra do kết hợp yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh có thể xảy ra sau những căng thẳng về thể chất và tinh thần, nhiễm trùng hoặc sau khi sinh con.

 
Phụ nữ mắc bệnh Basedow nhiều hơn nam giới

4. Ai có nguy cơ bị bệnh Basedow

Bệnh Basedow có thể ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, nhưng nó phổ biến hơn ở người lớn từ 20-50 tuổi. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng phụ nữ có nguy cơ cao hơn nhiều so với nam giới, gấp 7-8 lần.

Ngoài ra, một người có nguy cơ bị Basedow cao hơn nếu trong gia đình có người bị tình trạng này.

Một số nghiên cứu cho rằng các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị Basedow (cần nghiên cứu thêm):

- Có thai gần đây

- Mắc một bệnh tự miễn khác. Vd: đái tháo đường type 1, viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm khớp dạng thấp…

- Căng thẳng nghiêm trọng. Vd: rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

- Tiêu thụ nhiều iod

- Sử dụng một số loại thuốc

- Tổn thương tuyến giáp

Những người hút thuốc lá khi mắc bệnh Basedow sẽ có nguy cơ cao bị các vấn đề về mắt và tình trạng mắt cũng nghiêm trọng hơn ngay cả khi đã điều trị cường giáp.

5. Cách chẩn đoán bệnh Basedow

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng để kiểm tra nhịp tim và bướu cổ. Nếu nghi ngờ mắc bệnh Basedow, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như:

- Xét nghiệm: hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone tuyến giáp (T3, T4 hoặc FT3, FT4), globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI), kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp (TPO Ab), kháng thể kháng thụ thể TSH (TrAb), kháng thể kháng thyroglobulin (TgAb)…

- Xét nghiệm hấp thu iod phóng xạ

- Siêu âm tuyến giáp

- Xạ hình tuyến giáp

Bệnh Basedow cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý tuyến giáp và tâm thần kinh khác.

 
Siêu âm tuyến giáp chẩn đoán bệnh Basedow

6. Điều trị bệnh Basedow như thế nào

Tình trạng tự miễn dịch tiềm ẩn không thể chữa khỏi, nhưng bệnh Basedow có thể điều trị và kiểm soát được. Mục tiêu điều trị bệnh Basedow là kiểm soát triệu chứng cường giáp, đưa tuyến giáp về bình giáp và phòng ngừa các biến chứng.

Mỗi phương pháp điều trị có ưu và nhược điểm riêng. Việc áp dụng phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp ưu tiên hơn để điều trị basedow.

Các phương pháp điều trị bệnh Basedow bao gồm:

- Thuốc: Thuốc chẹn beta giúp điều trị các triệu chứng như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, lo lắng. Thuốc kháng giáp làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp, là phương pháp điều trị lâu dài hoặc sử dụng trước phẫu thuật, trước liệu pháp iod phóng xạ.

- Điều trị bằng iod đồng vị phóng xạ: Uống iod đồng vị phóng xạ 131 kết hợp điều trị nội khoa hoặc trong trường hợp chống chỉ định phẫu thuật. Iod phóng xạ sẽ phá hủy tuyến giáp trong nhiều tháng đến nhiều năm.

- Phẫu thuật cắt tuyến giáp: Được chỉ định trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Trước khi phẫu thuật cần điều trị bằng thuốc kháng giáp để ổn định cường giáp. 

Với phương pháp điều trị bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật, sau đó sẽ phải tái khám thường xuyên và cần dùng hormone tuyến giáp bổ sung trong suốt cuộc đời.

Các tình trạng mắt do Basedow gây ra thường có thể cải thiện sau khi điều trị bằng thuốc, xạ trị hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên ở người được điều trị bằng iod phóng xạ hoặc người hút thuốc, các vấn đề về mắt có thể trầm trọng hơn.

 
Bệnh Basedow có thể điều trị được

7. Bệnh Basedow có nguy hiểm không?

Bệnh Basedow có thể điều trị được và phần lớn các trường hợp đáp ứng tốt với điều trị. 

Nếu người mắc bệnh Basedow không điều trị hoặc điều trị kém hiệu quả thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tăng nguy cơ gãy xương do xướng xốp và yếu, bệnh tim mạch, đột quỵ và cơn bão giáp trạng. Bệnh mắt Basedow có thể gây giảm hoặc mất thị lực.

Phụ nữ mang thai bị Basedow có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Vì vậy, trước khi mang thai cần khám, kiểm soát tốt bệnh Basedow và hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi lập kế hoạch mang thai.

Phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc điều trị bằng iod phóng xạ sẽ dẫn đến tuyến giáp hoạt động kém hoặc suy giáp. Đó là lý do mà sau khi điều trị xong cần phải sử dụng hormone thay thế tuyến giáp. Nhưng thực tế thì suy giáp dễ quản lý hơn và cũng ít gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài hơn so với cường giáp. 

Quan trọng là người bệnh không được tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều sử dụng mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Vì nếu không nhận được hormone tuyến giáp đúng liều lượng, suy giáp có thể dẫn đến:

- Trầm cảm

- Suy nhược thể chất và tinh thần

- Tăng cân

- Da khô

- Táo bón

- Không chịu được lạnh

- Kinh nguyệt thất thường ở phụ nữ

- Bệnh tim mạch, chuyển hóa

- Hôn mê myxedema coma

8. Bệnh Basedow và Hashimoto có giống nhau không?

Không. Bệnh Basedow và bệnh Hashimoto tuy đều là tình trạng tự miễn dịch, nhưng Basedow dẫn đến cường giáp, còn Hashimoto là tình trạng gây viêm tuyến giáp và thường dẫn đến suy giáp. Bệnh Hashimoto phổ biến hơn so với Basedow.

Nhìn chung, bệnh Basedow gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, nhưng bệnh dễ điều trị và sẽ ít để lại hậu quả xấu lâu dài cho sức khỏe nếu được theo dõi và điều trị kịp thời, đúng cách.