8 XÉT NGHIỆM CÁC CẶP ĐÔI CẦN LÀM TRƯỚC KHI KẾT HÔN

1. Tại sao cần khám sức khoẻ trước khi kết hôn

Khám sức khỏe trước khi kết hôn (khám sức khoẻ tiền hôn nhân) là việc làm cần thiết để có một cuộc sống vợ chồng lành mạnh và là nền tảng để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm các xét nghiệm tương tự như khám sức khỏe định kỳ, nhưng bổ sung thêm một số xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe tổng quát và sinh sản, cũng như phát hiện các vấn đề di truyền.

 
Các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân

Khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng nhằm phát hiện bệnh lý tiềm ẩn mà ta có thể điều trị được. Bên cạnh đó là phát hiện, điều trị và dự phòng các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và lây truyền cho con.

2. 08 Xét các cặp đôi cần làm trước khi kết hôn:

a. Đánh giá sức khỏe chung

Các cặp đôi sẽ được đánh giá: chỉ số khối cơ thể (chỉ số BMI tính từ cân nặng và chiều cao), chỉ số huyết áp, chức năng hô hấp, chức năng tim mạch, khám bụng, khám vú cho nữ. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn hướng điều trị và dự phòng.

b. Xét nghiệm nhóm máu

Xét nghiệm nhóm máu hệ ABO và hệ Rh.

Biết nhóm máu trước khi mang thai cũng rất quan trọng vì một số nhóm máu không tương thích với nhau có thể dẫn đến biến chứng trong quá trình mang thai và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Một trong số đó là bệnh Rhesus (bệnh tán huyết) – tình trạng các kháng thể trong máu của người mẹ phá hủy các tế bào máu của em bé.

c. Xét nghiệm công thức máu

Một trong những hạng mục quan trọng của xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) là tầm soát bệnh lý thiếu máu tán huyết bẩm sinh (thalassemia).
Đây là bệnh lý di truyền gen bệnh từ cha mẹ sang con cái, có tỷ lệ phổ biến trong các bệnh di truyền bẩm sinh. Trên thế giới có khoảng 7% người mang gen tan máu bẩm sinh. 

Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp kiểm tra các cặp đôi có bị mắc bệnh thalassemia thể nhẹ hay không. Mặc dù thalassemia thể nhẹ không gây ra vấn đề gì lớn, nhưng khi hai người cùng mắc thalassemia thể nhẹ kết hôn thì đứa con sinh ra có khả năng cao bị thalassemia thể nặng. 

Thalassemia thể nặng rất nguy hiểm vì nó gây ra tình trạng thiếu máu mạn tính và sau đó là thừa sắt, có thể gây ra các biến chứng trên tất cả các cơ quan và cuối cùng dẫn đến tử vong.

d. Xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) khác

 
Xét nghiệm máu giúp phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) không có triệu chứng nên cần xác nhận bằng xét nghiệm y tế. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục không nên giấu, bởi chúng không chỉ ảnh hưởng đến cặp đôi mà còn có thể truyền bệnh cho con cái. 

HIV, viêm gan B mạn tính (HBV) và viêm gan C mạn tính (HCV) là những bệnh có thể kéo dài suốt đời, cần được phát hiện và kiểm soát sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng. 

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như bệnh lậu, giang mai, viêm âm đạo và mụn cóc có thể điều trị được. Tuy nhiên, việc điều trị không thể phục hồi được những tổn thương do bệnh gây ra, cần điều trị sớm để hạn chế nguy cơ vô sinh và xảy thai.

e. Kiểm tra khả năng sinh dục và sinh sản

Hầu hết các cặp vợ chồng đều có kế hoạch sinh con sau khi kết hôn, dù sớm hay muộn. Vì vậy, việc kiểm tra khả năng sinh dục và sinh sản là rất cần thiết tránh những tổn thương không cần thiết về sinh học, tâm lý xã hội và tình cảm.

Nếu tất cả bình thường, đó là điều đáng mừng. Nhưng nếu không, các cặp đôi có thể chăm sóc sức khỏe, chuẩn bị tinh thần, tài chính để đối mặt với các trở ngại trong tương lai như khả năng hiếm muộn hoặc có kế hoạch thực hiện những kỹ thuật y tế giúp thụ thai (thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm…).

Kiểm tra khả năng sinh sản cho phụ nữ bao gồm xét nghiệm huyết trắng, siêu âm kiểm tra tử cung, buồng trứng có khối u hay bất thường không. 

f. Xét nghiệm bệnh mạn tính và tầm soát ung thư

 
Khám sức khỏe tiền hôn nhân vì hạnh phúc tương lai

Khám lâm sàng, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh giúp kiểm tra các dấu hiệu của ung thư, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, các bệnh về tim, gan, thận,… Một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản, nguy cơ xảy thai và sức khỏe của thai nhi. 

Tùy thuộc vào tiền sử gia đình và độ tuổi, các cặp đôi có thể được khuyến nghị làm thêm các xét nghiệm ung thư chuyên sâu. Một số bệnh ung thư có thể không có triệu chứng, việc phát hiện sớm dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị và khả năng chữa khỏi.

g. Kiểm tra tình trạng sức khỏe tâm thần

Các vấn sức khỏe tâm thần đang ngày càng được quan tâm hơn. Ngay cả bản thân bạn đôi khi khó có thể tự nhận ra tình trạng sức khỏe tâm thần mà mình đang mắc phải. Một số tình trạng như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, stress sau sang chấn… có thể ảnh hưởng đến tình cảm của các cặp đôi. 

Một vấn đề khá phổ biến có thể gặp là trầm cảm trong và sau khi sinh con. Cả cha và mẹ đều có khả năng gặp phải tình trạng này, đặc biệt là nếu đã có vấn đề sức khỏe tâm thần trước đó.

Phát hiện các vấn đề này sớm để điều trị là rất quan trọng để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, đặc biệt là khi bạn đang đứng trước các quyết định quan trọng là kết hôn và sinh con. 

h. Xét nghiệm di truyền 

Một số vấn đề di truyền như mù màu, máu khó đông, Down, bệnh tim bẩm sinh, hở hàm ếch… có thể xảy ra do đột biến gen, do yếu tố di truyền và môi trường. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh di truyền hoặc mang gen bệnh di truyền thì em bé cũng có nguy cơ mắc bệnh. Thông qua tìm hiểu tiền sử bệnh lý của gia đình và các xét nghiệm tiền hôn nhân có thể xác định nguy cơ, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý và chú ý hơn trong quá trình mang thai. 

Hiện nay, việc theo dõi và sàng lọc gen có thể nâng cao khả năng mang thai em bé khỏe mạnh. Tất nhiên, trước đó bạn cần biết rõ các yếu tố di truyền có thể truyền sang cho con bạn.