4 TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT BỆNH HEN SUYỄN BẠN CẦN BIẾT

Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh hô hấp ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em và là bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Biết các triệu chứng hen suyễn giúp bạn được chẩn đoán, điều trị, kiểm soát bệnh sớm và hiệu quả.

 
Biết triệu chứng hen suyễn để điều trị

I. Bệnh hen suyễn

Hen suyễn còn gọi hen phế quản là bệnh không lây nhiễm, xảy ra khi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí làm tăng phản ứng của phế quản với các tác nhân kích thích. Tình trạng viêm, sưng, co thắt, hẹp đường thở và tăng tiết đờm gây ra các triệu chứng hen. 

Không phải ai bị hen suyễn cũng gặp các triệu chứng giống nhau. Triệu chứng hen ở một người cũng có thể khác nhau trong các đợt khởi phát. Triệu chứng hen suyễn có thể xảy ra mỗi ngày hoặc thỉnh thoảng mới xảy ra.

II. Triệu chứng bệnh hen suyễn

Dưới dây là 4 triệu chứng điển hình thường gặp nhất ở bệnh nhân hen suyễn:

1. Ho

Bệnh nhân hen suyễn thường bị ho dai dẳng do đường thở viêm, co thắt. Ho có thể có đờm hoặc không có đờm.

Cơn ho thường xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm. Ho nhiều hơn khi chơi thể thao hoặc khi hoạt động mạnh. Ho xảy ra khi có cảm xúc dữ dội: cười to, khóc, sợ hãi, phấn khích...

2. Thở khò khè

Thở khò khè là tình trạng có tiếng huýt sáo, cò cứ hoặc tiếng rít khi thở ra và đôi khi khi hít vào. Điều này xảy ra do đường thở bị sưng, co thắt thu hẹp lại.

 
Hen suyễn thường gây ra cơn ho về đêm

3. Nặng ngực hoặc đau tức ngực

Bệnh nhân hen suyễn có thể cảm thấy bị tức ngực như có thứ gì đè ép lên ngực, cảm giác khó thở sâu. Điều này xảy ra khi các cơ phế quản co thắt lại. Tức ngực có thể nhẹ hoặc nặng gây đau. 

4. Khó thở

Khó thở hay cảm giác hụt hơi thường gặp ở người hen suyễn trong giai đoạn cấp tính, xảy ra do đường thở bị thu hẹp, không có đủ không khí ra vào phổi để cung cấp oxy cho cơ thể.

Đặc điểm của cơn khó thở hen suyễn là:

- Cơn khó thở tăng dần, lúc đầu khó thở nhẹ khi thở ra, có tiếng cò cứ, sau đó khó thở nhiều.

- Bệnh nhân vã mồ hôi.

- Bệnh nhân nói từng chữ, nói ngắt quãng, không nói liên tục được cả câu.

- Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, nhưng có khi kéo dài hàng giờ, hàng ngày.

- Cuối cùng, cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm.

Một số người có thể bị khó thở nhưng không cảm nhận được mà chỉ có cảm giác mệt mỏi. Ở những trường hợp này, đo lưu lượng đỉnh sẽ giúp kiểm tra xem đường thở có đang bị thu hẹp hay không.

 
Hen suyễn gây triệu chứng khó thở

5. Các triệu chứng khác

Ngoài ho, thở khò khè, khó thở, đau tức ngực, cơn hen nặng có thể gây ra các triệu chứng khác là: mệt mỏi, thở nhanh, tăng nhịp tim, đổ mồ hôi, chóng mặt, cảm giác kiệt sức, lú lẫn, môi hoặc móng tay xanh, ngất xỉu.

Ở trẻ em, các triệu chứng hen có thể khó phát hiện hơn. Một phần vì trẻ em không phải lúc nào cũng nói cho cha mẹ về những triệu chứng mà họ gặp phải. Một số trẻ em có thể quen với các triệu chứng mà không biết đó là điều bất thường. Do đó, cha mẹ nên quan sát kỹ con mình để kịp thời phát hiện sự thay đổi trong cách thở của con. Ví dụ:

- Con bạn đang thở bằng miệng thay vì mũi.

- Con bạn đang thở nhanh hơn bình thường.

- Có âm thanh phát ra khi con bạn thở.

- Khi thở con bạn phải sử dụng cơ thể để thở dễ dàng hơn, ví dụ như nâng vai lên.

- Con bạn bị hụt hơi khi chơi.

- Con bạn né tránh các hoạt động vì khó thở.

- Con bạn trở nên im lặng hay cáu kỉnh hơn bình thường.

- Con bạn bị ho liên tục, dai dẳng, chỉ xảy ra vào ban đêm hoặc sáng sớm.

- Con bạn bị ho khi vận động, khi cười hoặc khi phấn khích.

- Con bạn nói bị đau bụng, cảm thấy mệt mỏi do tức ngực gây ra.

III. Các yếu tố gây ra triệu chứng hen suyễn

Các triệu chứng hen suyễn kể trên thường khởi phát hoặc nặng hơn khi gặp các tác nhân kích thích là:

- Nhiễm trùng đường hô hấp: cảm lạnh, cảm cúm, coivd-19, viêm phổi.

- Thời tiết thay đổi: trời trở lạnh, độ ẩm thấp.

- Khói thuốc lá.

- Khói, bụi.

- Mạt nhà.

- Hóa chất, chất tẩy rửa, nước hoa.

- Lông động vật

- Cỏ, phấn hoa.

- Thức ăn gây dị ứng.

- Một số loại thuốc.

- Tập thể dục hoặc hoạt động gắng sức.

- Tiếp xúc ô nhiễm không khí.

- Cảm xúc dữ dội: cười lớn, khóc lóc, la hét, lo lắng, phấn khích, căng thẳng...

Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc con mình có thể mắc bệnh hen suyễn, hãy đến gặp bác sĩ hô hấp để được thăm khám. Kiểm soát bệnh sớm giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển và giúp bạn có một cuộc sống chất lượng hơn.