09 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ UNG THƯ PHỔI


1. Chỉ những người hút thuốc mới bị ung thư phổi

Thuốc lá gây ra 80-90% các trường hợp ung thư phổi. Nhưng có 10-20% những người bị ung thư phổi nhưng chưa bao giờ hút thuốc. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác bao gồm hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc lá từ những người hút thuốc lá), tiếp xúc với bụi phóng xạ, radon, amian, các hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, nhiễm khuẩn và đột biến di truyền.

2. Phụ nữ ít khi bị ung thư phổi 

Theo thống kê của Globocan năm 2020, tại khu vực Đông Nam Á có thêm 123.309 ca mắc ung thư phổi, trong đó 85.795 trường hợp là nam giới và 37.514 trường hợp là nữ giới.

Tại Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới chỉ sau ung thư vú. Từ đó có thể thấy ung thư phổi ở nữ không phải hiếm mà còn rất phổ biến.


Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ

3. Không có cách giảm nguy cơ ung thư phổi nếu đã hút thuốc lá

Thực tế là ngay khi bạn bỏ thuốc lá, bạn sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe gần như ngay lập tức:

- Sau 20 phút: Nhịp tim và huyết áp giảm xuống. 

- Sau 12 giờ: Mức carbon monoxide trong máu giảm xuống mức bình thường. 

- Sau 2-12 tuần: Tuần hoàn được cải thiện và chức năng phổi tăng lên.

- Sau 1-9 tháng: Tình trạng ho và khó thở giảm dần. 

- Sau 5-15 năm: Nguy cơ đột quỵ giảm xuống mức của người không hút thuốc.

- Sau 10 năm: Nguy cơ tử vong do ung thư phổi giảm một nửa so với người hút thuốc. 

- Sau 15 năm: Nguy cơ mắc bệnh tim chỉ như những người không hút thuốc.

Kể cả khi bạn đã hút thuốc lá trong một thời gian dài dẫn đến phổi đã bị một số tổn thương vĩnh viễn, thì việc bỏ thuốc lá vẫn giúp giảm nguy cơ ung thư phổi nhờ không gây thêm tổn thương cho phổi.

Nhưng nếu bạn đã hút thuốc trong một thời gian dài, bạn nên tầm soát ung thư phổi định kỳ. Điều này giúp phát hiện ung thư phổi (nếu có) trong giai đoạn sớm, nhờ đó giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.

4. Chỉ những người lớn tuổi mới bị ung thư phổi

 
Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo tuổi tác

Hầu hết những người mắc ung thư phổi trên 60 tuổi. Tuy nhiên, có những người bị ung thư phổi khi còn rất trẻ từ 30-45 tuổi. Thời gian hút thuốc lá càng sớm thì nguy cơ ung thư phổi khi tuổi còn trẻ càng cao. 

5. Phẫu thuật khiến ung thư phổi di căn

Ung thư phổi nếu không được kiểm soát, các tế bào khối u có thể phát triển rồi di căn đến các mô lân cận hoặc các mô ở xa. Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn nhằm mục đích chữa khỏi ung thư phổi trong giai đoạn sớm khu trú tại chỗ, tại vùng. Phẫu thuật đem lại kết quả sống 5 năm từ 60-80% ở ung thư phổi giai đoạn 1 và 40-50% ở ung thư phổi giai đoạn 2.

Vì vậy, phẫu thuật là một phương pháp điều trị chứ không làm cho ung thư phổi di căn.

6. Bị ung thư phổi chắc chắn sẽ tử vong

Ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ sống sau 5 năm thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do ung thư phổi giai đoạn sớm không có triệu chứng, triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác, nên người bệnh chủ quan không đi khám. Đa phần các trường hợp ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sau, ung thư đã di căn, không thể chữa khỏi mà chỉ có thể điều trị mang tính giảm nhẹ, tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.

Cũng như bất kỳ loại ung thư nào khác, ung thư phổi nếu được điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn, kéo dài thời gian sống sau 5 năm.

7. Thuốc lá điện tử không gây ung thư phổi

Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử (vape) đang ngày càng phổ biến. Nhiều người tin rằng thuốc lá điện tử ít độc hại và không gây ung thư phổi. 

Thực tế, bên cạnh thuốc lá, thuốc lào, xì gà thì thuốc lá điện tử cũng có thể gây ung thư phổi vì có chứa nhiều chất độc có thể gây ung thư. Không chỉ vậy, thuốc lá điện tử còn có thể gây viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh đó, có nghiên cứu cho thấy nhóm thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử thì sẽ có nhiều khả năng chuyển sang sử thuốc lá truyền thống hơn so với nhóm chưa bao giờ sử dụng thuốc lá.

8. Đã bị ung thư phổi, bỏ thuốc lá hay không không quan trọng

Bỏ thuốc lá vào bất kỳ thời điểm nào đều có lợi cho sức khỏe của bạn. Thậm chí, nếu bạn đã được chẩn đoán ung thư phổi thì việc bỏ thuốc lá sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn. Bên cạnh đó, bỏ thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ ung thư tái phát sau khi điều trị.

9. Có thể phát hiện sớm ung thư phổi qua triệu chứng 

Như đã nêu ở trên, ung thư phổi giai đoạn khu trú thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và ở một số người hoàn toàn không có triệu chứng. Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi giai đoạn đầu là ho khan kéo dài. Nhưng triệu chứng này thường bị bỏ qua, hoặc nhầm lẫn thành các bệnh lý khác như viêm họng hay lao.

Do đó, việc tầm soát ung thư phổi ở những người có nguy cơ là rất quan trọng, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao và trung bình:

- Nhóm nguy cơ cao: Người từ 50 tuổi, hút thuốc nặng trên 30 năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.

- Nhóm nguy cơ trung bình: Người nghiện thuốc lá nặng, đã bỏ thuốc nhưng chưa bỏ quá 15 năm; người không hút thuốc nhưng sinh hoạt làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá một cách thụ động.

Tầm soát ung thư phổi cũng giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư. Từ đó, người bệnh sẽ được theo dõi định mỗi 3 đến 12 tháng (tùy theo ước lượng nguy cơ ác tính) nhằm can thiệp kịp thời trước khi tổn thương phát triển thành ung thư.