Chụp CT cắt lớp tim là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh các bệnh lý tim mạch qua các hình ảnh có độ tin cậy, chính xác, được đánh giá cao bởi giới chuyên môn.

1. Chụp CT tim chẩn đoán bệnh lý tim mạch là gì?
Các bệnh lý tim mạch được xem như “những kẻ giết người thầm lặng” do bệnh thường diễn tiến âm thầm đến khi phát hiện thì các triệu chứng đã nghiêm trọng, điều trị khó khăn và khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Vì thế, việc áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp điều trị kịp thời và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Chụp cắt lớp tim (hay còn gọi là chụp CT tim) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại có sử dụng tia X-quang quét theo chiều cắt ngang qua tim. Theo đó, vị trí khoanh vùng chính của các tia X là tim.
Các tín hiệu tia X sẽ được máy tính tái tạo hình ảnh 2 chiều và 3 chiều của cấu trúc tim như mạch vành tim, màng tim, van tim và cơ tim. Từ đó, các bác sĩ có thể đánh giá và chẩn đoán chính xác bệnh lý tim mạch liên quan thông qua hình ảnh nhận được.
2. Chụp CT tim có cần tiêm thuốc cản quang không?
So với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác, chụp CT tim có tiêm thuốc cản quang được đánh giá cao bởi giới chuyên môn do tính hiệu quả trong việc chẩn đoán sớm các bệnh lý trước khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.
Từ đó, bác sĩ có thể hỗ trợ điều trị cho người bệnh kịp thời và phòng ngừa các trường hợp nguy hiểm.
Chụp CT tim cho phép các chuyên gia có thể “khảo sát” chi tiết lòng mạch vành, căn cứ vào vị trí và mức độ tích tụ của các mảng bám trong động mạch vành. Đặc biệt, ngay cả ở các vị trí động mạch có đường kính rất nhỏ chỉ khoảng 1mm, các chuyên gia vẫn có thể đánh giá hiệu quả mức độ hẹp mạch vành lên đến 97% thông qua kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính tim.
Vì thế, chụp CT tim đã trở thành công cụ đáng tin cậy giúp:
- Loại trừ các bệnh lý ở động mạch vành.
- Đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, hỗ trợ người bệnh giảm các triệu chứng đau thắt ngực, phòng tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Đánh giá nguy cơ và lên kế hoạch điều trị tích cực / phòng ngừa hiệu quả các trường hợp bệnh được chẩn đoán có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành.
- Đánh giá tình trạng bệnh lý khi có nghi ngờ tái hẹp trong stent hoặc cầu nối mạch vành ở các trường hợp người bệnh có tiền sử đặt stent mạch vành hay thực hiện phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
- Phát hiện các khối u, bệnh lý van tim hay bệnh tim bẩm sinh …
- Tầm soát và chẩn đoán chính xác một số bệnh lý cơ tim như bệnh cơ tim phì đại …
Có thể thấy phương pháp chẩn đoán hình ảnh CT tim trong việc tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch rất hiệu quả và được áp dụng rộng rãi hiện nay.


Chụp CT tim giúp đánh giá hiệu quả mức độ hẹp mạch vành lên đến 97%
3. Ai cần chụp CT tim?
Tùy theo số lần diễn ra cơn đau thắt ngực ở mức độ thường xuyên hoặc không thường xuyên và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cảnh lâm sàng, bệnh tim mạch, giới tính, độ tuổi … các chuyên gia sẽ đánh giá và đưa ra chỉ định liệu người bệnh có nên chụp CT tim hay không.
Dưới đây là một số nhóm đối tượng có thể được chỉ định hoặc chống chỉ định thực hiện chụp cắt lớp vi tính tim như:
3.1. Đối tượng chỉ định chụp CT tim
- Người có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh lý tim mạch, động mạch vành như:
+ Người mắc các bệnh lý mãn tính (tiểu đường, cao huyết áp).
+ Người có thói quen hút nhiều thuốc lá hoặc bị mỡ máu cao (rối loạn lipid máu).
+ Người có các triệu chứng đau ngực bất thường và đặc biệt ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
+ Người có yếu tố di truyền bệnh lý tim mạch.
- Người bị suy tim không rõ nguyên nhân.
- Người đã từng đặt stent thông lòng mạch hoặc đã từng phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
3.2. Đối tượng chống chỉ định chụp CT tim
- Người bị suy thận mạn tính hoặc mắc các bệnh lý về thận (nồng độ creatinin cao).
- Người bị suy hô hấp, mắc bệnh hen suyễn nặng, không thể nín thở từ 5-7 giây.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Người có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang hoặc bị dị ứng với hải sản (chống chỉ định tương đối).
4. Chụp CT tim cần lưu ý gì?
Thời gian chụp CT rất ngắn nên sau khi thực hiện kỹ thuật chẩn đoán này, người bệnh có thể tiếp tục nhịp sống bình thường ngay, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, để quá trình chụp CT tim diễn ra an toàn, đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác, người bệnh cần lưu ý một số điều quan trọng như:
- Trước khi chụp CT tim: Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi chụp và có kết quả xét nghiệm đánh giá chức năng thận theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Sau khi chụp CT tim: Người bệnh nên uống nhiều nước theo lời khuyên của bác sĩ ở tùy trường hợp trong vòng từ 1-2 ngày để đào thải hết thuốc cản quang ra ngoài tự nhiên theo đường tiết niệu.
Đặc biệt, người bệnh cần hiểu rằng các bệnh lý tim mạch nhìn chung là tiềm ẩn sức khỏe cần được phát hiện sớm để kịp thời phòng ngừa và điều trị, tránh gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Mỗi người cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần, đặc biệt với người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý tim mạch hay khi có các biểu hiện bất thường liên quan đến tim mạch.
Tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể, các chuyên gia y tế, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc chỉ định chụp CT tim và kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn, qua đó phòng ngừa và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch.
5. Chụp CT tim ở đâu tốt?
Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ uy tín để chụp CT, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 là sự lựa chọn đáng tin cậy.
Phòng khám đã được trang bị máy CT Scanner 128 lát cắt của GE (Mỹ) - được biết đến với công nghệ tiên tiến và hiệu suất cao. Với tốc độ quét nhanh, máy giúp rút ngắn thời gian chụp mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh vượt trội.

Máy chụp CT 128 lát cắt được sử dụng tại Phòng khám BVĐH Y Dược 1
Các lát cắt mỏng tái tạo hình ảnh 2D hoặc 3D rõ nét, hỗ trợ tối đa cho bác sĩ trong việc phân tích và chẩn đoán chính xác. Đây là một công cụ quan trọng hỗ trợ phát hiện sớm các bệnh lý và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Liên hệ 1900 6923 để được hỗ trợ đặt lịch nhanh chóng!