HỘI CHỨNG SUY HÔ HẤP CẤP LÀ GÌ?

1. Hội chứng suy hô hấp cấp là gì?

Hội chứng suy hô hấp cấp là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng phổi, tim và hệ thần kinh. Suy hô hấp cấp tính khiến hệ thống hô hấp không duy trì được sự trao đổi khí, gây ra tình trạng khó thở, tim đập nhanh, tím tái và rối loạn ý thức.

Suy hô hấp là một tình trạng lâm sàng xảy ra khi hệ hô hấp không duy trì được chức năng chính là trao đổi khí. Trong đó, các mao mạch hoặc mạch máu nhỏ bao quanh các túi khí của phổi không thể trao đổi carbon dioxide (cacbonic hay CO2) một cách thích hợp để lấy oxy (O2); do đó, các cơ quan trong cơ thể không thể nhận đủ máu giàu oxy để hoạt động. Bên cạnh đó, nếu phổi không thể loại bỏ CO2 ra khỏi máu, bạn cũng có thể bị suy hô hấp.

Dựa theo sự khởi phát, diễn tiến và thời gian, người ta phân suy hô hấp thành suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mạn tính.

Ở suy hô hấp cấp, PaO2 (áp suất riêng phần khí oxy trong máu động mạch) < 60 mmHg, PaCO2 (áp suất riêng phần khí CO2 trong máu động mạch) có thể bình thường, giảm hoặc tăng. Bạn sẽ gặp ngay các triệu chứng do không có đủ oxy trong cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp nếu không được điều trị nhanh chóng có thể dẫn đến tử vong.

Suy hô hấp được phân loại theo bất thường về khí máu động mạch:

- Suy hô hấp cấp giảm oxy máu có PaO2 < 60 mmHg, PaCO2 bình thường hoặc bất thường. 

- Suy hô hấp cấp tăng CO2 máu có PaCO2 > 50 mmHg. Thiếu oxy máu là phổ biến.


Suy hô hấp cấp tính cần được điều trị nhanh chóng

2. Các triệu chứng của suy hô hấp cấp?

Các triệu chứng của suy hô hấp cấp tính phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ CO2 và oxy trong máu.

Những người có mức CO2 cao thường có tình trạng thở nhanh, cảm thấy choáng váng, đau đầu và hôn mê. Những người có mức oxy thấp có thể gặp phải tình trạng khó thở, nhịp tim nhanh, môi, da và đầu ngón tay hoặc ngón chân hơi xanh (tím tái).

Những người có mức oxy thấp kèm theo suy phổi cấp tính thường kèm theo một số triệu chứng như: 

- Bồn chồn

- Sự lo lắng

- Buồn ngủ

- Mất ý thức

- Thở nhanh và nông

- Tim đập mạnh

- Nhịp tim không đều 

- Vã mồ hôi

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng suy hô hấp cấp?

Khói thuốc lá có thể gây ra suy hô hấp cấp tính

Suy hô hấp cấp tính có một số nguyên nhân khác nhau:

Tắc nghẽn

Một số tình trạng tắc nghẽn có thể gây ra suy hô hấp cấp tính như: tắc nghẽn phế quản cấp, tắc nghẽn thanh – khí quản, tắc nghẽn động mạch phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn khi đợt cấp làm cho đường thở bị thu hẹp.

Chấn thương

Một chấn thương làm suy yếu hoặc ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp có thể ảnh hưởng xấu đến lượng oxy trong máu.

Ví dụ, chấn thương tủy sống hoặc não có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến hô hấp vì não không thể gửi tín hiệu kịp thời đến hô hấp. Chấn thương ở xương sườn hoặc ngực cũng có thể làm giảm khả năng hít đủ khí oxy vào phổi.

Hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính

Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) là tình trạng lượng oxy trong máu thấp. Bạn có thể bị ARDS nếu có một trong các vấn đề sức khỏe dưới đây:

- Viêm phổi

- Viêm tụy

- Chấn thương nặng, đặc biệt là chấn thương não

- Nhiễm trùng máu

- Tổn thương phổi do hít phải khói bụi hoặc các sản phẩm hóa học

Lạm dụng ma túy hoặc rượu

Sử dụng ma túy hoặc rượu quá liều có thể gây suy giảm chức năng não và cản trở khả năng hít vào hoặc thở ra của phổi.

Hít khói và hóa chất

Hít phải hóa chất độc hại, khói thuốc lá cũng có thể gây suy hô hấp cấp tính do chúng làm tổn thương hoặc làm hỏng mô phổi, bao gồm cả các túi khí và mao mạch.

Đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra, khiến tế bào não bị chết đi. Mặc dù đột quỵ có một số dấu hiệu cảnh báo như nói lắp, tê liệt, nhầm lẫn… nhưng nó thường xảy ra nhanh chóng. Bạn có thể mất khả năng thở bình thường nếu bị đột quỵ.

Sự nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến gây suy hô hấp. Đặc biệt, viêm phổi có thể gây ra suy hô hấp ngay cả khi không có hội chứng suy hô hấp cấp tính ARDS.

4. Ai có nguy cơ bị suy hô hấp cấp?

Bạn có thể có nguy cơ bị suy hô hấp cấp nếu:

- Hút thuốc lá, thuốc lào

- Uống rượu quá mức

-   Lạm dụng ma túy và chất kích thích

- Có tiền sử gia đình bị các vấn đề về hô hấp

- Chấn thương cột sống, não, xương sườn hoặc ngực

- Hệ thống miễn dịch yếu

- Bị các bệnh hô hấp mạn tính, chẳng hạn như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen suyễn.

5. Chẩn đoán suy hô hấp cấp

 
Thiết bị đo oxy xung chẩn đoán suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp khiến máu không mang đủ oxy đến các cơ quan, làm các mô trong cơ quan và não chết đi. Do đó, suy hô hấp cấp tính cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Một số bước nhất định để chẩn đoán suy hô hấp sau khi tình trạng của bạn đã được ổn định, bao gồm:

- Kiểm tra thể chất

- Kiểm tra tiền sử bệnh

- Kiểm tra mức độ oxy và CO2 trong cơ thể bằng thiết bị đo oxy xung và xét nghiệm khí máu động mạch

- Chụp X-quang phổi hoặc CT để tìm kiếm các bất thường trong phổi

Ngoài ra, bạn có thể cần nội soi phế quản, kết hợp hoặc không với sinh thiết để xác định nguyên nhân từ phế quản; điện tâm đồ và siêu âm doppler tim để kiểm tra tình trạng tim và chẩn đoán tổn thương tim do phổi. 

6. Điều trị suy hô hấp cấp

Điều trị suy hô hấp cấp với mục đích khôi phục khả năng thở, bổ sung đủ oxy và đào thải CO2, chống nhiễm trùng và hỗ trợ hô hấp.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào sẽ tùy thuộc và nguyên nhân và tình trạng của bạn. Một số cách như:

- Dẫn lưu màng phổi

- Khai thông đường hô hấp

- Liệu pháp oxy như thở oxy qua mặt nạ hoặc qua ống thở mũi, thở oxy trong lều hoặc lồng ấp, thở oxy cao áp

- Mở khí quản

- Đặt nội khí quản

- Hỗ trợ hô hấp bằng thổi ngạt hoặc thở máy được áp dụng bệnh nhân bị giảm thông khí

- Kê thuốc giảm đau, thuốc kích thích hô hấp và thuốc chống nhiễm trùng

Suy hô hấp cấp tính có thể gây tổn thương lâu dài cho phổi. Vì vậy, người bị suy hô hấp cấp cần được cấp cứu và điều trị nhanh chóng ngay khi có các triệu chứng. Chức năng phổi có thể được cải thiện nếu được điều trị và có liệu pháp phục hồi thích hợp.