Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lipid võng mạc, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch. Mỡ máu cao là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
Mỡ máu cao là tình trạng tăng cholesterol xấu
1. Mỡ máu cao là gì?
Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hóa các chất béo trong máu. Những chất béo này đề cập đến cholesterol và triglyceride.
Hai loại cholesterol thường gặp liên quan đến tình trạng mỡ máu là:
- Cholesterol lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) – còn gọi là cholesterol “xấu”
- Cholesterol lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) – còn gọi là cholesterol “tốt”
Có quá nhiều cholesterol LDL trong máu sẽ tạo điều kiện hình thành các mảng bám, gây ra một tình trạng gọi là xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Mặt khác, cholesterol HDL sẽ giúp bảo vệ thành mạch bằng cách vận chuyển cholesterol ra khỏi máu trở lại gan. HDL trong máu cao làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Triglyceride là một chất béo trung tính trong máu mà cơ thể sử dụng để tạo năng lượng. Mức HDL thấp và triglyceride cao cũng làm tăng sự tích tụ chất béo trong động mạch.
Như vậy, mỡ máu cao là khi một trong số các thông số lipid rối loạn là:
- Tăng cholesterol toàn phần
- Tăng cholesterol LDL
- Giảm cholesterol HDL
- Tăng triglyceride
2. Nguyên nhân của mỡ máu cao
Thừa cân béo phì, không tập thể dục và chế độ ăn nhiều cholesterol và chất béo bão hòa có thể đóng vai trò trong sự phát triển của mỡ máu cao.
Mỡ máu cao có thể di truyền trong gia đình như một rối loạn di truyền, thường xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi, không kèm thể trạng béo phì. Đột biến gen làm tăng tổng hợp quá mức hoặc giảm thanh thải (loại bỏ) cholesterol, triglyceride, LDL. Bao gồm hai tình trạng:
- Tăng triglyceride tiên phát
- Tăng lipid máu hỗn hợp
Một số tình trạng dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ máu nhiễm mỡ:
- Tiểu đường
- Suy giáp
- Hội chứng Cushing
- Bệnh thận mạn tính
- Xơ gan
- Nghiện rượu
- Một số loại thuốc: estrogen, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta.
Hút thuốc không làm tăng cholesterol máu nhưng nó làm giảm cholesterol HDL và khiến cholesterol dễ tích tụ vào thành động mạch hơn.
Người béo phì có nguy cơ bị mỡ máu cao
3. Triệu chứng của mỡ máu cao
Có một sự thật là tăng lipid máu thường không có triệu chứng. Nó là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, tức là mỡ máu cao xảy ra trong một thời gian dài mà không thể nhận biết được. Cho đến khi nó gây ra biến chứng mới được phát hiện, ví dụ như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Mỡ máu cao thường được phát hiện cùng lúc với một số bệnh lý tim mạch, nội tiết hoặc chuyển hóa khác. Vì vậy mà việc kiểm tra các chỉ số mỡ máu thường xuyên là rất quan trọng.
Nhưng trong trường hợp bạn bị tăng cholesterol máu gia đình, bạn có thể có các triệu chứng rõ ràng hơn. Bao gồm:
- U vàng gân (tendon xanthomata): Tình trạng sưng trên đốt ngón tay, đầu gối hoặc gân Achilles ở phía sau mắt cá nhân.
- Ban vàng (xanthelasmas): Cục cholesterol nhỏ, màu vàng ở mí mắt trên hoặc dưới.
- Vòng cung giác mạc (arc cornea): Vòng màu trắng nhạt xung quanh mống mắt.
4. Cách chẩn đoán mỡ máu cao
Bạn cần kiểm tra chỉ số mỡ máu mỗi năm một lần kể từ năm 18 tuổi, nhất là khi gia đình có người bị cholesterol cao.
Chẩn đoán mỡ máu cao khi kết quả xét nghiệm của bạn vượt quá trị số tham chiếu:
- Cholesterol toàn phần: > 5,2 mmol/L (200 mg/dL).
- Cholesterol LDL: > 3,4 mmol/L (100 mg/dL).
- Cholesterol HDL: < 0,9 mmol/L (40 mg/dL).
- Triglyceride: > 1,7 mmol/L (150 mg/dL).
Lưu ý: Ngưỡng tham chiếu này có thể khác nhau giữa các phòng xét nghiệm. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác, ví dụ: xét nghiệm đường huyết, chức năng thận hay chức năng tuyến giáp.
Bảng tầm soát rối loạn chuyển hóa lipid máu
5. Lưu ý khi xét nghiệm mỡ máu
Xét nghiệm mỡ máu là một xét nghiệm đơn giản, được thực hiện như xét nghiệm máu thường quy. Bạn cần lưu ý là xét nghiệm này cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu. Thời gian nhịn ăn tối thiểu 6-8 tiếng trước đó. Tốt nhất là làm xét nghiệm vào buổi sáng sau khi bạn đã nhịn đói qua đêm.
6. Mỡ máu cao có cần điều trị không? Giảm mỡ máu bằng cách nào?
Nếu bạn còn trẻ và không có các yếu tố nguy cơ khác thì đa phần các trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm mỡ máu. Bao gồm:
- Tăng cường vận động
- Hạn chế chất béo bão hòa, nhất là mỡ động vật, trà sữa
- Giảm cholesterol trong thực phẩm như lòng đỏ trứng, bơ, tôm…
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất
- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế uống rượu bia
Nếu sau khi thay đổi lối sống (khoảng 2-3 tháng) mà mỡ máu không giảm hoặc vẫn tăng cao thì bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc. Trong đó, statin là loại thuốc phổ biến nhất để giảm cholesterol LDL và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Fibrate và niacin thường được sử dụng để giảm triglyceride và tăng cholesterol HDL.
Loại thuốc và liều lượng sẽ được cá nhân hóa phụ thuộc vào mức độ mỡ máu, cũng như các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
Tập luyện và chế độ ăn lành mạnh giúp giảm mỡ máu
7. Điều gì xảy ra nếu không điều trị mỡ máu cao?
Nếu không điều trị, mỡ máu cao sẽ dẫn đến:
- Cung giác mạc, ban vàng mi mắt.
- U vàng ở gân khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, bàn chân, gót chân, màng xương.
- Lipid võng mạc.
- Gan nhiễm mỡ.
- Viêm tụy cấp.
- Xơ vữa động mạch.
Tùy vào vị trí xơ vữa động mạch mà nó gây ra các tình trạng:
- Rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ, sa sút trí tuệ mạch máu.
- Thiếu máu cục bộ mạc treo.
- Viêm tắc thiếu máu hoại tử chi dưới.
8. Cách phòng ngừa mỡ máu cao
Để phòng ngừa cholesterol, bạn cần:
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh
- Giảm muối
- Hạn chế ăn mỡ động vật (heo, bò, cừu, dê…)
- Ăn chất béo lành mạnh để tăng mức HDL: dầu đậu nành, dầu oliu, mỡ cá, trái bơ…
- Tránh chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm chiên và nướng
- Ăn ngũ cốc nguyên hạt
- Giữ cân nặng hợp lý
-Tập thể dục thường xuyên
- Bỏ thuốc lá
- Tìm hiểu về tiền sử bệnh lý của gia đình
Quan trọng nhất là mỡ máu cao có thể xảy ra và tiến triển âm thầm. Do đó, bạn cần xét nghiệm mỡ máu định kỳ, nhất là nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, béo phì…