Bệnh tai mũi họng thường gặp như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm tai giữa, ... Hầu hết ai cũng từng bị bệnh tai mũi họng một lần trong đời.

1. Các bệnh tai mũi họng thường gặp
Tai, mũi, họng là các cơ quan có cấu trúc, cơ chế hoạt động phức tạp và liên quan với nhau cho phép con người có thể nghe, tạo ra âm thanh, ngửi, thở, nuốt và giữ thăng bằng.
Bệnh lý tai mũi họng là tất cả các bất thường xảy ra trong chức năng, cấu trúc và hoạt động của các bộ phận thuộc vùng tai mũi họng. Dưới đây là một số bệnh lý tai mũi họng thường gặp như:
1.1. Viêm họng
Khi virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào họng có thể gây nhiễm trùng khiến họng sưng và đỏ gây bệnh lý viêm họng. Triệu chứng của bệnh viêm họng là đau họng, có thể đi kèm các dấu hiệu nhiễm trùng khác như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và sưng đau hạch cổ.

Viêm họng là bệnh lý tai mũi họng thường gặp
1.2. Viêm mũi xoang
Khi niêm mạc mũi và các xoang ở cạnh mũi (phía sau gò má và trán) bị viêm phù nề gây bệnh viêm mũi xoang. Triệu chứng bệnh viêm mũi xoang thường có thể cải thiện trong vòng 2 đến 3 tuần.
1.3. Viêm tai giữa
Bệnh lý nhiễm trùng tai giữa hay còn gọi là viêm tai giữa, gây tình trạng viêm, sưng đỏ và tích tụ dịch phía sau màng nhĩ. Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm tai giữa, đặc biệt ở trẻ sơ sinh từ 6 – 15 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất.
1.4. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý dị ứng đặc trưng bởi các triệu chứng chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, chảy dịch mũi sau, hắt hơi và ngứa mũi. Bệnh viêm mũi dị ứng rất phổ biến, trung bình cứ khoảng 6 người thì sẽ có một người mắc phải, ảnh hưởng năng suất lao động và chi phí chăm sóc sức khỏe.
1.5. Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường hô hấp trên tắc nghẽn nhiều lần làm giảm hay ngừng hoàn toàn luồng khí. Đây là hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp. Hầu hết người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ đều có triệu chứng như ngáy to, buồn ngủ vào ban ngày.
1.6. Viêm amidan
Viêm amidan là bệnh lý tai mũi họng thường gặp xảy ra khi amidan bị nhiễm trùng, sưng và viêm. Viêm amidan là một phần của viêm họng lan tỏa hoặc có thể xảy ra đơn lẻ.

Viêm amidan là bệnh lý tai mũi họng thường gặp khi amidan bị nhiễm trùng
2. Nguyên nhân gây bệnh tai mũi họng
Mỗi loại bệnh lý tai mũi họng có thể do nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây bệnh tai mũi họng như:
- Nhiễm virus hoặc vi khuẩn: Các loại virus, vi khuẩn thường gây tình trạng viêm nhiễm thường gặp như viêm họng, viêm mũi xoang và viêm tai.
- Nhiễm nấm: Nhiễm nấm thường gặp ở các bệnh về mũi xoang và tai như viêm xoang do nấm, nhiễm nấm ống tai.
- Các tác nhân dị ứng từ môi trường sống: Các chất độc hại như thuốc trừ sâu, chất tạo màu, khí thải, chất bảo quản, khói thuốc lá, rượu bia … cũng là các tác nhân gây bệnh lý tai mũi họng. Đặc biệt, lông động vật và phấn hoa là các tác nhân phổ biến gây viêm mũi xoang dị ứng.
- Cấu trúc tai mũi họng bất thường: Khi tai mũi họng có cấu trúc bất thường có thể gây nhiều bệnh lý tai mũi họng như vết sẹo vách ngăn mũi có thể gây viêm xoang mạn tính …
- Yếu tố di truyền: Bệnh lý tai mũi họng có thể gây ra bởi yếu tố di truyền. Ví dụ như bệnh viêm mũi dị ứng có tỉ lệ di truyền từ 60-70% hay bệnh rò luân nhĩ là dị tật bẩm sinh có thể phát triển trong tuần thứ 6 của thai kỳ.
- Chấn thương, phẫu thuật: Tai mũi họng bị chấn thương hay đã trải qua phẫu thuật đều có thể phát triển bệnh lý tai mũi họng. Ví dụ như u nhầy xoang có thể tiến triển sau khi phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt hay phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang.
3. Điều trị bệnh tai mũi họng
Ban đầu các bệnh lý tai mũi họng thường được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc, kết hợp các phương pháp giảm nhẹ triệu chứng tại chỗ. Nếu điều trị ban đầu bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành phẫu thuật cho người bệnh ở bước điều trị tiếp theo.

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị bệnh tai mũi họng bằng thuốc
Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh tai mũi họng có thể được bác sĩ áp dụng cho người bệnh như:
3.1. Điều trị bệnh tai mũi họng bằng thuốc
Nếu bệnh tai mũi họng có nguồn gốc từ tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đồng thời, có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc nhỏ, xịt mũi. Người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để điều trị bệnh dứt điểm, không tự ý thay đổi thuốc.
3.2. Điều trị bệnh tai mũi họng tại nhà không sử dụng thuốc
Dưới đây là một số phương pháp có thể thực hiện ngay tại nhà giúp cải thiện triệu chứng của các bệnh lý tai mũi họng như:
- Chườm lạnh hoặc chườm ấm, xông hơi.
- Ăn đồ ấm nóng, mềm như cháo, súp, uống các loại trà thảo mộc ấm.
- Súc miệng họng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ và rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý.
- Sử dụng máy xông tinh dầu và các liệu pháp massage.
- Giữ ấm cơ thể, tập yoga và các bài tập thở, uống đủ nước.
3.3. Điều trị bệnh tai mũi họng bằng phương pháp phẫu thuật
Nếu điều trị bệnh lý tai mũi họng bằng thuốc không hiệu quả, phẫu thuật có thể là biện pháp cuối cùng bác sĩ cân nhắc điều trị cho người bệnh. Hiện nay, phẫu thuật nội soi là kỹ thuật điều trị bệnh tai mũi họng ít xâm lấn, ít chảy máu, giảm đau và giúp người bệnh hồi phục hiệu quả.
4. Phòng ngừa bệnh tai mũi họng
Dưới đây là một số lưu ý giúp phòng ngừa bệnh tai mũi họng như:
- Giữ ấm cơ thể đặc biệt cần giữ ấm tai mũi họng trong thời tiết lạnh.
- Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccine cúm và vaccine phòng ngừa HPV.
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, nâng cao sức đề kháng, hạn chế uống nước đá lạnh.

Thăm khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh tai mũi họng
- Đeo khẩu trang khi ra đường hay khi đến nơi đông người.
- Không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
- Không sử dụng chung dụng cụ lấy ráy tai không hợp vệ sinh.
- Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
- Tránh tiếp xúc tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông động vật, bụi mịn, hóa chất, nên trang bị đồ bảo hộ lao động nếu yếu tố công việc bắt buộc tiếp xúc tác nhân dị ứng.
- Vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, thường xuyên rửa tay với xà phòng sát khuẩn.