Bệnh mề đay là tình trạng da phát ban, đặc trưng bởi nốt sần ngứa, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Bệnh mề đay có nguy hiểm không?
Bệnh mề đay xảy ra khi da phát ban, biểu hiện đặc trưng bởi các nốt sần và ngứa, có hình dạng khác nhau như hình bầu dục, hình khuyên, hình tròn với kích thước thay đổi từ dạng chấm vài ly đến các mảng to hơn khoảng 10cm.
Bệnh mề đay là một trong các bệnh lý da liễu thường gặp, chiếm khoảng 10 – 20% dân số thế giới. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh mề đay đều có xu hướng thuyên giảm các triệu chứng trong vòng 6 tuần nhưng có khoảng 5% trường hợp bệnh có thể kéo dài hay tái phát nhiều lần.
Khi người bị nổi mề đay không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể đối mặt với nguy cơ bị phù mao mạch dị ứng như sưng phù mặt, môi, lưỡi, mi mắt hoặc cổ họng.

Bệnh mề đay xảy ra khi da phát ban, biểu hiện đặc trưng bởi các nốt sần và ngứa
Nguy hiểm nhất người bệnh có thể bị sưng họng khiến đường thở bị bít tắt và đe dọa đến tính mạng nếu trong vòng vài phút nếu người bệnh không được kịp thời cấp cứu để giải phóng đường thở.
Phần lớn các trường hợp nổi mề đay là lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh (trừ các trường hợp nghiêm trọng như phù mao mạch vùng hầu họng).
Bệnh mề đay cấp tính thường có thể khỏi sau khi được điều trị. Tuy nhiên, không ít ca bệnh mề đay ở mức độ nghiêm trọng. Nếu người bệnh không được kịp thời cấp cứu có thể dễ bị tụt huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi tình trạng nổi mề đay đi kèm các triệu chứng sưng mặt, ngứa lưỡi, sưng môi và nôn mửa.
2. Nguyên nhân gây bệnh mề đay
Khi cơ thể phản ứng với các tác nhân gây dị ứng như hóa chất hóa mỹ phẩm, thực phẩm, lông thú, phấn hoa, bụi ... có thể khiến người bệnh bị nổi mề đay.
Khi đó, cơ thể giải phóng histamine và các chất trung gian gây giãn nở các mạch máu nhỏ và dịch từ mạch máu sẽ thoát ra gây viêm (nóng, sốt), tích tụ trong da (hay còn gọi là phù mạch) và phát ban đỏ.

Dị ứng phấn hoa có thể khiến người bệnh bị nổi mề đay
Nếu dưới da tích tụ chất lỏng sẽ hình thành các vết sưng phù mạch nhỏ. Tùy vào cơ địa dị ứng của mỗi người, tác nhân gây bệnh mề đay cũng khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây bệnh mề đay như:
- Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc cao huyết áp.
- Thực phẩm (trứng, sữa tươi, cà chua ...), chất bảo quản, phụ gia thực phẩm.
- Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm mốc, vi nấm.
- Lông động vật như lông chó, lông mèo, phấn hoa, bụi trong nhà.
- Thay đổi nhiệt độ (lạnh, nóng) hay tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
- Mỹ phẩm, mủ cao su.
- Chà xát da quá mạnh, căng thẳng kéo dài, liên tục.
- Lực ép / đè như ngồi lâu, mặc quần áo quá chật, đeo ba lô / giỏ nặng ...
3. Triệu chứng thường gặp của bệnh mề đay
Bệnh mề đay rất dễ nhận biết các triệu chứng thường gặp là các nốt sần nổi trên da như vết muỗi đốt, ngoài vành có màu đỏ. Các nốt sần có thể tồn tại khoảng 2 đến 4 giờ (kéo dài không quá 24 giờ) và tự biến mất có thể không cần điều trị.
Nhưng sau đó các nốt sần khác xuất hiện và tiếp tục gây ngứa. Khi đó, các tổn thương da có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể khiến người bệnh bị ngứa da liên tục.
Thời gian xuất hiện mề đay có thể khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào một số nguyên nhân như:
- Nổi mề đay do dị ứng cao su, xà phòng ... : Sau khoảng 10 đến 60 phút, mề đay có thể xuất hiện.
- Nổi mề đay do dị ứng thức ăn: Trong vòng 1 giờ, mề đay có thể nổi trên da người bệnh.
- Nổi mề đay do phản ứng dị ứng với chất phụ gia và chất tạo màu thực phẩm: Sau 12 đến 24 giờ, người bệnh có thể xuất hiện các nốt mề đay.
- Nổi mề đay do phản ứng dị ứng với thuốc: Mề đay có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc có thể trễ hơn, thậm chí đến nhiều năm sau đó.
4. Điều trị bệnh mề đay
Để điều trị bệnh mề đay, việc đầu tiên bác sĩ sẽ tìm và loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng và nhanh chóng. Để giảm các triệu chứng gây viêm, bác sĩ có thể kê thuốc điều trị cho người bệnh.
Đối với bệnh mề đay mạn tính, bác sĩ có thể kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để đem lại hiệu quả chữa trị tối ưu cho người bệnh.

Người bệnh sử dụng thuốc điều trị mề đay cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ
Người bệnh sử dụng thuốc điều trị mề đay cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa cũng như tuân thủ đúng phác đồ chỉ định của Bộ Y tế.
Nếu người bệnh nổi mề đay đi kèm các triệu chứng chóng mặt, khó thở, thở khò khè, tức ngực, sưng lưỡi, môi, mặt ... cần đến ngay các cơ sở y tế, phòng khám gần nhất để được điều trị kịp thời bởi các dấu hiệu này có thể là các triệu chứng ban đầu của tình trạng sốc phản vệ.
Song song với việc điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể đắp khăn ướt, gạc mát lên vùng da bị nổi mề đay. Đồng thời, người bệnh nên làm việc và sinh hoạt ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, nên mặc quần áo rộng rãi để giảm bớt bứt rứt, khó chịu.
5. Phòng ngừa bệnh mề đay
Để phòng bệnh mề đay, mỗi người nên thực hiện lối sống lành mạnh, nên ở nơi có điều kiện thông thoáng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi, tránh ở nơi có độ ẩm .
Nếu đã xác định được nguyên nhân gây bệnh mề đay, bạn nên hạn chế tiếp xúc với yếu tố nguy cơ đó. Nếu bạn có cơ địa dị ứng, thường xuyên tái phát bệnh mề đay, bạn cần mang theo thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cấp cứu trong các trường hợp khẩn cấp.