VIÊM AMIDAN HỐC MỦ: TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm amidan có mủ, phổ biến trong các trường hợp do vi khuẩn. Các triệu chứng thường gặp là đau họng, khó nuốt, amidan có mủ và hơi thở có mùi hôi. Các trường hợp viêm amidan hốc mủ đều cần điều trị, và một vài người có thể cần cắt amidan để điều trị dứt điểm.

 
Viêm amidan hốc mủ là bệnh thường gặp

1. Viêm amidan hốc mủ là gì?

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng các khe hốc amidan chứa các hạt mủ nhỏ li ti màu trắng hoặc vàng như bã đậu và toả ra mùi hôi khó chịu.

2. Triệu chứng nhận biết viêm amidan hốc mủ

Dấu hiệu nhận biết chung của bệnh viêm amidan hốc mủ bao gồm: 

- Người bệnh thấy đau họng, đôi khi cơn đau họng lan đến tai.

- Tiết nhiều nước bọt.

- Cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng hoặc không nuốt được.

- Xuất hiện các hạch ở dưới hàm hoặc ở cổ. 

- Có thể nhìn thấy lớp mủ trắng bị vón cục thành khối như bã đậu và bề mặt amidan có chấm nhỏ bốc mùi hôi.

Ngoài ra, viêm amidan hốc mủ thể cấp tính sẽ có các triệu chứng điển hình: Sốt cao, khàn tiếng, ho nhiều và có đờm, đau ngực, lưỡi bẩn và chuyển thành màu trắng, cơ thể suy nhược và ăn uống kém, họng sưng to và thở khó khăn.

 
Viêm amidan hốc mủ gây viêm, ổ mủ và áp xe trên amidan

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan là tình trạng thường gặp và có nhiều nguyên có thể dẫn đến tình trạng này. Dưới đây là các nguyên nhân gây ra viêm amidan hốc mủ:

- Cấu trúc amidan: Có nhiều hốc trong amidan, thức ăn và một số chất tiết dễ đọng lại. Vì thế amidan dễ nhiễm virus, vi khuẩn, chúng gây viêm, hình thành các ổ mủ và áp xe trên amidan.

- Vệ sinh răng miệng không tốt: Người bệnh không vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus tấn công amidan và gây bệnh;

- Mắc một trong các bệnh về tai, mũi hoặc họng: Tai – Mũi – Họng là ba cơ quan liên thông nhau. Khi vi khuẩn tấn công một trong ba cơ quan này mà người bệnh không điều trị kịp thời, dứt điểm, sẽ gây biến chứng sang hai cơ quan còn lại.

- Môi trường sống bị: Ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại, vi khuẩn, khói thuốc,… đều có thể dẫn đến các bệnh đường hô hấp nghiêm trọng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan hốc mủ.

 
Viêm amidan hốc mủ có thể là biến chứng của viêm tai

4. Viêm amidan hốc mủ có nguy hiểm không? Biến chứng của amidan hốc mủ

Viêm amidan hốc mủ thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên các biến chứng của bệnh có thể gây nguy hiểm. Do đó, người bệnh không nên chủ quan mà nên đi khám khi có các triệu chứng của bệnh để điều trị kịp thời.

Các biến chứng của viêm amidan hốc mủ là:

- Biến chứng tại chỗ: Người bệnh gặp khó khăn trong việc nuốt và trong giao tiếp.

- Biến chứng kế cận:Khi tình trạng viêm nhiễm lây lan sang các khu vực lân cận như miệng, họng, tai, dễ dẫn đến các bệnh lý như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng.

- Biến chứng toàn thân: Với một số trường hợp trở nặng có thể gây ra nhiễm khuẩn máu, viêm cầu thận, viêm khớp và phù nề chân tay. Nhiều amidan sưng quá to khiến bệnh nhân khó thở, thậm chí gây chứng ngưng thở khi ngủ.

5. Cách điều trị viêm amidan hốc mủ 

Trong bệnh viêm amidan hốc mủ, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị nội khoa hay can thiệp ngoại khoa.

- Điều trị nội khoa: Phần lớn viêm amidan hốc mủ phải dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm và các thuốc giảm triệu chứng. Lưu ý: Cần sử dụng thuốc đúng theo số lượng và thời gian mà bác sĩ chỉ định. Việc uống không đủ liều thuốc kháng sinh có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh.

- Điều trị ngoại khoa: Nếu người bệnh sau thời gian điều trị nội khoa không đạt hiệu quả, hoặc bệnh tái phát nhiều lần thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt amidan. 

 
Cần điều trị dứt điểm viêm amidan hốc mủ 

6. Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về bệnh viêm amidan hốc mủ:

a. Viêm amidan hốc mủ có lây không?

Viêm amidan hốc mủ là một loại bệnh về đường hô hấp thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Tuy vậy viêm amidan hốc mủ không lây từ người sang người.

b. Cách chăm sóc người bệnh viêm amidan hốc mủ

Bệnh nhân viêm amidan hốc mủ cần lưu ý một số vấn đề về chế độ ăn uống và sinh hoạt để tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn như:

- Súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm sạch vùng hầu họng, loại bỏ thức ăn còn lưu lại trên các hốc amidan.

- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.

- Uống nước ấm, bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể và hạn chế ăn uống đồ lạnh.

- Có chế độ luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. 

- Không hút thuốc lá.

c. Cắt amidan có ảnh hưởng gì không?

Phẫu thuật cắt amidan giúp người bệnh loại bỏ triệt để viêm nhiễm amidan. Nếu thực hiện đúng chỉ định và làm ở cơ sở y tế uy tín thì sẽ phòng ngừa được nguy cơ hay gặp trong cắt amidan như chảy máu sau cắt amidan...

Tư vấn chuyên môn: BS CKI Võ Trần Thành Nhân - Phó khoa Tai Mũi Họng - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1