Bệnh đái tháo đường là căn bệnh thường gặp hiện nay trong xã hội. Bệnh tiểu đường đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

1. Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là tình trạng rối loạn chuyển hóa có liên quan đến việc tiêu thụ và sử dụng đường glucose bên trong cơ thể. Tụy là cơ quan quan trọng bên trong ổ bụng giúp tiết ra hormone insulin để cơ thể sử dụng đường từ thức ăn và dự trữ chúng.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi người bệnh xuất hiện một trong các bất thường như:
- Tụy không sản xuất hormone insulin hoặc chỉ sản xuất một lượng insulin rất nhỏ không đủ cho quá trình chuyển hóa đường có trong thức ăn.
- Cơ thể người bệnh kháng insulin (không còn đáp ứng với tác dụng của insulin).
Ở cả hai trường hợp kể trên, insulin đều không thể thực hiện tốt chức năng chuyển hóa và sử dụng đường glucose dẫn đến tình trạng đường tăng cao trong máu. Sau một thời gian dài với nồng độ đường cao trong máu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho nhiều cơ quan trong cơ thể.

Bệnh đái tháo đường là bệnh lý mãn tính trong thời gian dài
Bệnh đái tháo đường là bệnh lý mãn tính trong thời gian dài. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hoàn toàn, người bệnh cần kiểm soát tốt mức đường huyết để bảo vệ sức khỏe trước các nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
2. Tầm quan trọng của việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường
Người mắc bệnh đái tháo đường thường có các biểu hiện lâm sàng như uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều và sụt cân bất thường, không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các triệu chứng này không phải là các triệu chứng đặc hiệu để chẩn đoán bệnh và không xuất hiện ở tất cả người bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường loại 1 thường biểu hiện các triệu chứng lâm sàng đột ngột, dễ cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, với phần lớn người bệnh tiểu đường loại 2 thì ngược lại.
Người bệnh không có các triệu chứng đặc hiệu hay biểu hiện lâm sàng như tăng cân, lâu lành vết thương và dị cảm ở tay, chân.

Tầm quan trọng của việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường
Vì thế, việc thiết lập cách chẩn đoán bệnh đái tháo đường cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết bao gồm:
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói.
- Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên và HbA1C.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, người bệnh tiểu đường được chẩn đoán có thể mắc bệnh khi có một trong bốn điều kiện sau:
- Nồng độ glucose máu khi cơ thể đói >= 126 mg/dL.
- Người bệnh thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, đo nồng độ glucose máu ở thời điểm 2 giờ >= 200 mg/dL.
- Nồng độ glucose trong máu ở thời điểm bất kỳ >= 200 mg/dL và người bệnh có các biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh tiểu đường như uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân.
- Định lượng HbA1C >= 6.5%.
Bên cạnh đó, người sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường cần thực hiện thêm các khảo sát biến chứng trên các cơ quan khác như mạch máu, thận, thần kinh, thận và mắt …
Các xét nghiệm chẩn đoán này có thể hỗ trợ phát hiện biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường bao gồm xét nghiệm ure, soi đáy mắt, xét nghiệm creatinin máu, 10 thông số nước tiểu, xét nghiệm chức năng gan …
3. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh đái tháo đường
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cơ bản như:
3.1. Xét nghiệm đường huyết khi đói
Lượng glucose trong máu khi đói là lượng glucose được định lượng sau khi người thực hiệu xét nghiệm nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Trên thực tế, người bệnh thường được bác sĩ tư vấn tiến hành xét nghiệm vào thời điểm sáng sớm khi chưa ăn uống gì.
Sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ là thời điểm lý tưởng thường được chọn để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân do nồng độ glucose trong máu lúc này có thể giảm khi cơ thể không được cung cấp năng lượng bằng thức ăn từ bên ngoài.
Vì thế, khi kết quả cho ra nồng độ glucose của bệnh nhân cao ở thời điểm này là minh chứng cho quá trình rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể. Kết quả nồng độ glucose trong máu khi đói có thể xảy ra các trường hợp như:
- Giá trị dưới 100mg/dL: Người bệnh có thể ở trạng thái sức khỏe bình thường, không mắc bệnh tiểu đường.
- Giá trị từ 126mg/dL trở lên: Người bệnh có thể mắc bệnh tiểu đường.
- Giá trị từ 100mg/dL đến 125 mg/dL: Người bệnh có thể bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc mắc chứng tiền đái tháo đường. Lúc này, bác sĩ có thể hẹn người bệnh thực hiện xét nghiệm lần 2 để chẩn đoán chính xác hơn.
3.2. Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Để thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nhịn ăn ít nhất 8 giờ, sau đó người bệnh sẽ được hướng dẫn uống từ từ nước đường (khoảng 200mL nước hòa với 75g glucose).
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống sẽ được thực hiện ở hai thời điểm là trước khi tiến hành xét nghiệm và 2 giờ sau khi người bệnh uống 75g nước đường.
Xét nghiệm đường huyết 2 giờ có giá trị bình thường khi kết quả cho ra dưới 140mg/dL. Nếu trị số này trên 200mg/dL, người bệnh có thể được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
3.3. Xét nghiệm định lượng HbA1C
Lượng HbA1C giúp phản ánh nồng độ đường trung bình trong máu trong khoảng thời gian 3 tháng gần đây. Đồng thời, qua thông số HbA1C, bác sĩ có thể đánh giá được lượng glucose gắn vào hồng cầu trong máu của người bệnh.
Xét nghiệm định lượng HbA1C thường được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi hiệu quả đáp ứng điều trị ở người bệnh tiểu đường loại 2. Giá trị bình thường của xét nghiệm HbA1C thường dưới 5,7%.
Khi giá trị xét nghiệm HbA1C trên 6,4%, người bệnh có thể được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
Trên đây là ba xét nghiệm cơ bản có thể được bác sĩ thực hiện trên lâm sàng khi cần chẩn đoán bệnh tiểu đường. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh thực hiện loại xét nghiệm phù hợp giúp chẩn đoán kết quả chính xác và an toàn.

Người bệnh đái tháo đường nên trang bị máy thử đường huyết tại nhà
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, người bệnh nên trang bị máy thử đường huyết ngay tại nhà để có thể tự xét nghiệm đường huyết. Điều này có thể giúp người bệnh theo dõi, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Để cho ra kết quả chẩn đoán bệnh tiểu đường chính xác, người bệnh nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra tại các phòng khám, bệnh viện uy tín và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn, trang thiết bị y tế hiện đại.
Đồng thời, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ là cách tầm soát sớm bệnh hiệu quả, giúp bảo vệ sức khỏe của bạn trước các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
