TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ PHẢI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG KHÔNG?

Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn hơn bình thường nhưng chưa cao đến mức chẩn đoán đái tháo đường. Tiền đái tháo đường cần được điều trị và quản lý vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn các thông tin về bệnh tiền đái tháo đường.

 
Tiền đái tháo đường làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường

1. Tiền đái tháo đường là gì, có phải bệnh tiểu đường không?

Tiền đái tháo đường hay còn gọi là tiền tiểu đường (pre-diabetes) là bệnh lý trung gian giữa khỏe mạnh và đái tháo đường tuýp 2. Người bị tiền đái tháo đường sẽ có lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Tiền đái tháo đường không có triệu chứng, nhưng nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh lý tim mạch, đột quỵ.
Nếu không điều trị, khoảng 5-10% người bị tiền đái tháo đường sẽ phát triển thành đái tháo đường tuýp 2 mỗi năm. Và khoảng 70% những người bị tiền đái tháo đường sẽ bị đái tháo đường thực sự.

Thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa tiền tiểu đường hoặc trì hoãn bệnh tiểu đường tuýp 2 và các vấn đề sức khỏe khác. 

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường

a. Nguyên nhân của tiền đái tháo đường

Tuyến tụy tạo ra hormone insulin giúp đưa đường trong máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Khi bị tiền đái tháo đường, các tế bào trong cơ thể không đáp ứng với insulin. Tuyến tụy phải tạo ra nhiều insulin hơn và cuối cùng khi tuyến tụy không thể theo kịp, lượng đường trong máu tăng lên, tạo tiền đề cho bệnh tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường tuýp 2.

b. Các yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường

Các yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường tương tự như bệnh đái tháo đường, bao gồm:

- Thừa cân béo phì

- Rối loạn chuyển hóa lipid máu

- Tăng huyết áp

- Ít hoạt động thể lực

 
Người thừa cân béo phì có nguy cơ bị tiền đái tháo đường

3. Triệu chứng của tiền đái tháo đường

Người bị tiền tiểu đường thường không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm, cho đến khi bệnh gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh đái tháo đường tuýp 2 xuất hiện.

4. Khuyến cáo tầm soát tiền đái tháo đường và đái tháo đường

Người trưởng thành từ 18 tuổi đều nên làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Các xét nghiệm tầm soát luôn được tích hợp trong bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện bệnh tiền đái tháo đường, bệnh đái tháo đường và các rối loạn dung nạp đường khác.

Đặc biệt, xét nghiệm đường huyết được khuyến cáo cho tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên và người bị thừa cân béo phì kèm theo các yếu tố nguy cơ:

- Có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột, con cái) bị đái tháo đường.

- Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

- Tăng huyết áp hoặc đang điều trị tăng huyết áp.

- Rối loạn mỡ máu, nhất là HDL cholesterol < 0,9 mmol/L hoặc triglyceride > 2,8 mmol/L.

- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.

- Ít hoạt động thể lực.

- Có các triệu chứng liên quan đến kháng insulin (béo phì nặng, dấu gai đen ở cổ).

Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển thành đái tháo đường, cần làm xét nghiệm tầm soát định kỳ, ít nhất mỗi 3 năm/lần.

Kết quả xét nghiệm ban đầu bình thường không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ bị tiền đái tháo đường hay đái tháo đường. Do đó, xét nghiệm tầm soát nên được lặp lại 1-3 năm một lần hoặc ngắn hơn tùy vào kết quả xét nghiệm trước đó và các yếu tố nguy cơ kèm theo.

 
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán tiền đái tháo đường

5. Cách chẩn đoán tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường được chẩn đoán bằng một trong các xét nghiệm đường huyết dưới đây:

- Xét nghiệm đường huyết lúc đói (xét nghiệm glucose): Được thực hiện bằng xét nghiệm máu và người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 8-10 tiếng trước khi lấy máu. Kết quả xét nghiệm từ 5,6 – 6,9 mmol/L (100-125mg/dL) được kết luận là tiền đái tháo đường.

- Xét nghiệm dung nạp glucose: Được thực hiện bằng cách lấy máu xét nghiệm sau 2 giờ sau khi cho người bệnh uống 75g glucose. Sau 2 giờ, glucose trong máu từ 7,8 – 11,0 mmol/L (140 199 mg/dL) được kết luận tiền đái tháo đường.

- Xét nghiệm HbA1c: Là xét nghiệm máu phản ánh mức glucose gắn với hemoglobin (tế bào hồng cầu) trong 03 tháng qua. Kết quả xét nghiệm 5,7 – 6,4% được kết luận là tiền đái tháo đường.

Trong đó xét nghiệm HbA1c sẽ không được sử dụng để chẩn đoán ở các đối tượng sau:

- Bệnh hồng cầu hình liềm.

- Đang mang thai từ tháng thứ 3 hoặc mới sinh con.

- Thiếu glucose-6-phospate dehydrogenase.

- Nhiễm HIV.

- Lọc máu.

- Mới bị mất máu hoặc mới truyền máu.

- Đang điều trị với erythropoitetin.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra các chỉ số BMI, vòng eo, kiểm tra các tổn thương do đái tháo đường (nếu có) và chỉ định các xét nghiệm thường quy cho người bị tiền đái tháo đường như: công thức máu toàn phần, lipid máu, axit uric, creatinin máu, độ lọc cầu thận ước tính, xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ… để đánh giá các bệnh lý đồng mắc hoặc các biến chứng gây ra bởi đái tháo đường.

 
Đường huyết cao hơn bình thường trong tiền đái tháo đường

6. Cách điều trị tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó người bị tiền đái tháo đường cần phải điều trị để đưa mức glucose trong máu về bình thường, nhằm ngăn chặn và làm giảm biến chứng do tăng glucose máu.
Việc điều trị tiền đái tháo đường bao gồm các phương pháp không dùng thuốc và dùng thuốc. Trong đó, ưu tiên sử dụng phương pháp không dùng thuốc ở những đối tượng không có yếu tố nguy cơ tim mạch nào khác.

a. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là biện pháp điều trị rất quan trọng cho bệnh tiền đái tháo đường. Đây cũng là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố nguy cơ khác. 

- Chế độ ăn uống: Tăng cường thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt, chưa tinh chế, giàu chất xơ, rau củ, hoa quả, chất béo không bão hòa (cá, dầu thực vật). Hạn chế thực phẩm nhiều đường, đồ ngọt, thịt đỏ, thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa. Riêng người thừa cân béo phì cần có chế độ ăn giảm năng lượng, giảm cân.

- Tăng cường hoạt động thể chất: Chế độ tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Hạn chế ngồi một chỗ.

- Bỏ thuốc lá.

b. Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng chính để điều trị tiền đái tháo đường là nhóm Metformin. Thường được chỉ định ở đối tượng có kèm theo các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như: thừa cân béo phì, phụ nữ tiền sử tiền đái tháo đường thai kỳ, rối loạn dung nạp glucose, rối loạn mỡ máu, tiền sử gia đình…
Ngoài ra, nếu đã áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống nhưng khi xét nghiệm lại glucose máu vẫn tăng thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng thuốc.

 
Chế độ ăn lành mạnh giúp giảm đường huyết

Ở người bị béo phì nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giảm béo nhằm kiểm soát glucose máu.

Ngoài ra, người bị tiền tiểu đường cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

7. Cách phòng ngừa tiền đái tháo đường và tiểu đường

Phòng ngừa tiền đái tháo đường cũng là cách để phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Bao gồm: duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân; có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh; tăng cường vận động, tập thể dục; không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia; kiểm soát tốt các bệnh nền hiện có.

Để phòng ngừa tiền đái tháo đường tiến triển thành tiểu đường, người bị tiền đái tháo đường cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là việc kiểm soát chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, cần tái khám định kỳ để làm xét nghiệm đường huyết.

Tiền đái tháo đường cần thời gian điều trị lâu dài. Ngay cả khi đường huyết đã trở lại bình thường thì vẫn cần có lối sống lành mạnh và xét nghiệm lại glucose máu hàng năm.

Nhìn chung, tiền đái tháo đường là bệnh lý trung gian giữa bình thường và đái tháo đường tuýp 2. Tiền đái tháo đường có liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và lười vận động. Người bị tiền đái tháo đường cần phải điều trị để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành đái tháo đường và hạn chế nguy cơ phát triển các bệnh lý tim mạch.
Thay đổi lối sống là biện pháp quan trọng để điều trị tiền đái tháo đường cũng như phòng ngừa tiền đái tháo đường và đái tháo đường.