ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 1: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Đái tháo đường tuýp 1 là bệnh mạn tính kéo dài suốt đời. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ngay cả ở những người đang điều trị bệnh. Dưới đây là các thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh đái tháo đường tuýp 1.

 
Đái tháo đường tuýp 1 là bệnh mạn tính

1. Đái tháo đường tuýp 1 là gì?

Đái tháo đường tuýp 1 (tiểu đường loại 1) là một trong hai loại đái tháo đường, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose trong máu. 

So với đái tháo đường tuýp 2 phổ biến và thường khởi phát muộn (trên 40 tuổi), đái tháo đường tuýp 1 ít phổ biến hơn, chiếm khoảng 5-10% tất cả các trường hợp đái tháo đường, thường phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Nhưng tiểu đường loại 1 cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tổn thương, rối loạn và suy giảm chức năng nhiều cơ quan khác nhau, nhất là mắt, thận, thần kinh, tim và các mạch máu nhỏ.

2. Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1

Nguyên nhân gây đái tháo đường tuýp 1 có thể do tự miễn hoặc vô căn.

a. Đái tháo đường tuýp 1 do tự miễn

Tình trạng tự miễn phá hủy tế bào beta đảo tụy sản xuất insulin, ví dụ: tự kháng thể kháng tế bào đảo tụy (ICA), tự kháng thể kháng insulin (IAA), tự kháng thể kháng glutamic acid decarboxylase (GAD), tự kháng thể kháng tyrosine phosphatase IA-512/ICA-1,…

Đái tháo đường do tự miễn thường gặp ở người trẻ, nhưng có thể xảy ra ở người lớn tuổi 80, 90. Quá trình phá hủy các tế bào beta đảo tụy có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng. Ở người trẻ bệnh thường diễn tiến nhanh hơn.

Đái tháo đường tuýp 1 tự miễn thường đi kèm với các bệnh tự miễn khác như: Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, Addison, bạch biến, thiếu máu ác tính.

b. Đái tháo đường tuýp 1 vô căn

Một số người bị đái tháo đường tuýp 1 không liên quan đến tình trạng tự miễn, cũng không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Các trường hợp này chiếm tỉ lệ nhỏ, gây thiếu insulin tuyệt đối và rất dễ dẫn đến nhiễm toan ceton.

Bệnh có xu hướng di truyền mạnh. Một người nếu có bố, mẹ hoặc anh chị em bị tiểu đường loại 1 thì có nguy cơ cao cũng mắc bệnh.

3. Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 1

Các triệu chứng của đái tháo đường tuýp 1 thường khởi phát rầm rộ, có thể xuất hiện trong vài tháng, vài năm, nhưng đôi khi chỉ trong vài tuần. 

Các triệu chứng của tiểu đường loại 1 khi lượng đường trong máu cao:

- Khát nhiều

- Thường xuyên cảm thấy đói

- Lúc nào cũng thấy mệt mỏi

- Sút cân mặc dù tăng cảm giác thèm ăn

- Đi tiểu nhiều (ở trẻ em đột nhiên bị đái dầm hoặc thường đi tiểu đêm)

- Mờ mắt

- Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở bàn chân

Ở một số người, các triệu chứng của nhiễm toan ceton có thể là dấu hiệu đầu tiên nhận biết bệnh. Toan ceton xảy ra khi lượng đường trong máu rất cao:

- Thở sâu, nhanh

- Da và miệng khô

- Mặt đỏ bừng

- Hơi thở có mùi trái cây

- Buồn nôn và nôn

- Đau bụng

4. Biến chứng của đái tháo đường tuýp 1

Nhiễm toan ceton là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1. Nhiều trường hợp đây là triệu chứng khởi đầu để phát hiện ra bệnh.

Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 nếu bị thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton.

Ở bệnh tiểu đường loại 1, hạ đường huyết cũng là một biến chứng phổ biến. Nguyên nhân thường gặp nhất là do điều trị insulin quá liều, quá đói, ăn không đủ hoặc hoạt động thể chất quá sức. 

Người bị đái tháo đường có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn, thường gặp là nhiễm trùng lao, tụ cầu da, niêm mạc, nhiễm trùng bàn chân đái tháo đường, nấm sinh dục ở nữ…

Đái tháo đường tuýp 1 cũng làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa như:

- Tăng huyết áp

- Béo phì

- Rối loạn lipid máu

Trong khi đái tháo đường tuýp 2 thường gây xơ vữa mạch máu lớn, thì đái tháo đường tuýp 1 thường gây tổn thương các mạch nhỏ như tiểu động mạch, mao mạch, tiểu tĩnh mạch. Nó dẫn đến tổn thương võng mạc, viêm động mạch chi dưới, tổn thương thận, tổn thương thần kinh… 

Bên cạnh đó, lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngay cả các tình trạng nhiễm trùng da hay nấm cũng có thể đe dọa đến tính mạng.

5. Cách chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1

Mặc dù gọi là đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, thế nhưng để chẩn đoán bệnh này cần dựa vào xét nghiệm glucose trong máu.
Một người được chẩn đoán đái tháo đường khi thực hiện 1 trong 4 xét nghiệm dưới đây cho thấy tăng glucose máu:

- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ (nhưng không quá 14 giờ), kết quả glucose huyết tương ≥ 7mmol/L (126mg/dL).

- Xét nghiệm đường huyết bất kỳ: Thực hiện khi bệnh nhân có kèm theo các triệu chứng kinh điển của đái tháo đường (đái nhiều, uống nhiều, sút cân), kết quả glucose huyết tương  ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).

- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống sau 2g: Bệnh nhân uống nhanh 75g glucose trong 5p, kết quả glucose huyết tương sau 2g ≥ 11,1 mmol/L (200mg/dL).

- Xét nghiệm HbA1c ≥ 6,5%.

Tuy nhiên, để chẩn đoán phân loại được tiểu đường loại 1 hay loại 2 thì cần dựa vào các xét nghiệm khác:

- Insulin máu

- C-pedtide

- Thụ thể insulin

- Glucagon máu

- Kháng thể kháng đảo tụy

- Kháng nguyên HLA

- …

6. Cách điều trị đái tháo đường tuýp 1

Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 thường gầy, cần có chế độ ăn nhiều calo để cung cấp năng lượng. Ăn đủ các nhóm chất glucid (chất bột đường: cơm, phở, hủ tiếu, bún, mì, bánh mì, ngô, khoai…), lipid (chất béo: dầu thực vật) và protid (chất đạm: thịt, cá, đậu phụ…), chất xơ (rau các loại nên dùng trước các bữa ăn).

Cần tránh đường đơn từ bánh kẹo, mật, chocolate, sữa chua,… vì hấp thụ nhanh sẽ làm tăng tiết insulin sớm. Đường trong trái cây cũng hấp thụ nhanh, chỉ nên dùng cuối bữa ăn.

Ngoài ra, ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ giúp cải thiện tác dụng insulin, giảm glucose trong máu, cải thiện các rối loạn chuyển hóa, tim mạch và tâm lý.

Đái tháo đường tuýp 1 cần điều trị insulin thường xuyên, kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường để giúp cải thiện nhu cầu insulin sau ăn.

Bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Lượng đường trong máu càng gần mức an toàn càng tốt để giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

7. Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 cần lưu ý gì?

Ngoài những lưu ý về chế độ ăn uống, rèn luyện, sử dụng insulin đúng cách, người bị tiểu đường loại 1 cần đề phòng các biến chứng của tiểu đường. Bởi vì ngay cả những người kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thì vẫn có khả năng phát triển các biến chứng này.

Cần lưu ý đi khám nếu có triệu chứng:

- Kiểm tra thấy lượng đường trong máu tăng cao hơn.

- Tê, ngứa ran hoặc đau ở bàn chân, cẳng chân.

- Có vấn đề về thị lực.

- Vết loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân.

- Tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

- Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá thấp: yếu hoặc mệt mỏi, run rẩy, đổ mồ hôi, khó chịu, khó suy nghĩ, nhịp tim nhanh, nhìn đôi hoặc mờ mắt.

- Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá cao: khát nước, mờ mắt, khô da, suy nhược hoặc mệt mỏi, cần đi tiểu nhiều.

- Chỉ số đường huyết dưới 70mg/dL (3.9 mmol/L).

Cần gọi cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu có triệu chứng:

- Đau, tức ngực

- Đau thắt ngực

- Khó thở 

- Mất ý thức

- Co giật

8. Cách phòng ngừa đái tháo đường tuýp 1

Khác với đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh, đái tháo đường tuýp 1 gần như không thể ngăn ngừa được. Hiện nay, người ta đang nghiên cứu một số loại thuốc có thể trì hoãn đái tháo đường tuýp 1 khởi phát ở những trẻ em có nguy cơ cao. Cũng chưa có khuyến cáo sàng lọc đái tháo đường tuýp 1 rộng rãi. 

Đối với bệnh đái tháo đường tuýp 1, quan trọng nhất là cần chú ý các triệu chứng, đặc biệt là trẻ em. Trẻ có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị đái tháo đường tuýp 1 có thể xét nghiệm kháng thể để xác định nguy cơ đái tháo đường tuýp 1.